Theo chuyên gia Tài chính Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, vẫn còn dư địa để “cửa” tín dụng rộng mở hơn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ nhất, theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội đã nêu cụ thể các đối tượng được hưởng gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng. Trong đó, ngành hàng không đã được ưu tiên với việc Vietnam Airlines đã được tiếp cận 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0% vào năm 2021 và sẽ tiếp tục được ưu tiên. Ngoài ra, Bambo Airways và Vietjet Air đã được khoanh nợ hàng nghìn tỷ đồng. Việc cho phép các tổ chức này tiếp cận gói tín dụng cấp bù lãi suất đồng nghĩa sẽ chấp thuận cho các doanh nghiệp có nợ đang cơ cấu lại, được hỗ trợ. Do đó, Thông tư hướng dẫn thực hiện cần nêu rõ nhóm đối tượng được hưởng cấp bù lãi suất, bao gồm cả nhóm cơ cấu lại nợ.
Thứ hai, trong số các lĩnh vực như du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo thuộc đối tượng được hưởng hỗ trợ cấp bù lãi suất, thì nhóm lưu trú có thể có tài sản bảo đảm (TSĐB) chính là cơ sở lưu trú; nhóm dịch vụ còn lại hầu hết đều không có TSĐB để thế chấp khoản vay. Do đó, cho phép khoanh “nợ đọng” sau ngày 30/6/2022 hay có giải pháp nào, có lẽ cần chờ NHNN xem xét lại Thông tư 14/2021/NHNN.
Ngoài ra, các đối tượng đang phục hồi kinh doanh mà không có TSĐB, nên được các ngân hàng tư vấn kỹ về hồ sơ đăng ký vay vốn trên cơ sở thẩm định dự án kinh doanh,, đánh giá dòng tiền, doanh thu của dự án vay đầu tư mới; cũng như cách thức quản lý tài chính để không khó cho doanh nghiệp khi cần tiếp sức nhưng cũng không đẩy dòng vốn vào rủi ro.
Thứ ba, với lợi nhuận đang rất tích cực tạo “của để dành” năm trước, trong năm 2022, bên cạnh trích nguồn lực dự phòng rủi ro nhằm xử lý nợ xấu, các ngân hàng có thể cam kết tiếp tục hy sinh một phần lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp với số liệu hỗ trợ cụ thể. Đổi lại, những ngân hàng này cũng cần được cơ quan quản lý nghiên cứu ưu tiên về tái cấp vốn, room tín dụng, trên cơ sở xét năng lực tài chính và các hệ số an toàn vốn của chính ngân hàng.
Thuận Hóa