Đô la Mỹ đã và đang khiến “kẻ khóc, người cười” vì sự đắt đỏ tột cùng của nó.
Kỳ vọng về đợt cắt giảm lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đang bị dập tắt. Chủ tịch FED Jerome Powell ngày 16/4 nói rằng: “Nước Mỹ sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến để lạm phát về mức 2% – để tạo điều kiện phù hợp cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ”.
Như vậy, “đồng bạc xanh” tiếp tục tăng giá, chỉ số USD Index đạt mức 106,4 điểm so với 6 đồng tiền chủ chốt trong rổ tiền tệ quốc tế, cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.
Nhóm G20 sẽ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc các ngân hàng Trung ương vào tuần sau tại Washington, trọng tâm nghị sự là “tác động tiêu cực từ sự thống trị của đồng đô la Mỹ với kinh tế toàn cầu”.
Thực ra, lo ngại đã bắt đầu từ cuối năm 2022 khi FED bắt đầu tăng lãi suất, lên tới đỉnh điểm, khiến tất cả đồng tiền của các thành viên G20 đều bị khuất phục, đặc biệt là đồng Yen đã mất giá đến 8%, won mất 5,5%; đồng đô la Australia, đô la Canada và đồng euro giảm lần lượt 4,4%, 3,3% và 2,8%.
Còn hàng chục đồng tiền yếu khác bị trượt giá rất sâu chưa được thống kê cụ thể hoặc vì lý do nào đó nhiều chính phủ không muốn công khai, nhưng người tiêu dùng, nhà xuất nhập khẩu đang oằn minh chống chọi.
Chính phủ các nước ngày càng lo ngại về đà mất giá của đồng nội tệ. Các nền kinh tế mới nổi đặc biệt nhạy cảm với tác động tiêu cực, khi gánh nặng nợ bằng đồng đô la tăng lên cùng với chi phí lãi vay lớn hơn do lãi suất cao hơn. Vậy, những tác động với Việt Nam cụ thể ra sao?
Với kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Mỹ tăng mạnh trong thời gian gần đây, vượt mốc 100 tỷ USD vào cuối năm 2023, doanh nghiệp Việt Nam thu được thặng dư thương mại cao hơn. Năm 2023, cán cân thương mại của cả nước tiếp tục xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư ước đạt 26 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022.
Hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu sang Mỹ tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm ngành hưởng lợi lớn nhất nhất là dệt may, gia dày, linh kiện, thiết bị điện tử, mặt hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ,…
Nhưng xem ra, lợi ích này không giữ được lâu, khi sự thuận lợi của doanh nghiệp này đồng thời là bất lợi với doanh nghiệp khác. Lý do là các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ gặp khó khăn hơn khi phải thanh toán bằng đồng USD, phải đi mua USD từ các ngân hàng với giá cao nhưng lại bán ra sản phẩm nội địa bằng tiền Việt.
Từ câu chuyện này cho thấy gì? Để tận dụng cơ hội đồng USD tăng giá, giảm thiểu chi phí – hoàn toàn là vấn đề chủ động của Việt Nam. Nếu chuỗi cung ứng trong nước đủ mạnh giúp các nhà sản xuất giảm bớt nhập khẩu từ bên ngoài (thanh toán bằng USD), qua đó tiết kiệm chi phí, nâng sức cạnh tranh.
Để giải bài toán này, nhiều ngân hàng trung ương đã can thiệp vào thị trường ngoại hối. Ví dụ Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia đã điều chỉnh giá đồng real, lira và rupiah nhằm ngăn chặn tuột giá sâu.
Thế khó của nhiều nền kinh tế mới nổi hiện nay là chưa dám mạnh tay hạ lãi suất do “bóng ma” lạm phát. Thậm chí, sự lừng khừng của FED trong cắt giảm lãi suất cũng khiến nhiều nền kinh tế mới nổi buộc phải quay lại con đường tăng lãi suất.
Thật khó trông chờ vào FED khi hai ông Jerome Powell và Joe Biden đang “tâm đầu ý hợp”. Chống lạm phát như là mục tiêu tối thượng để ông Biden có thể tự tin thuyết phục cử tri Mỹ trước kỳ bầu cử vào tháng 11 này.
Trương Khắc Trà