Phân tích của McKinsey cho thấy việc sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa đã tăng trung bình 38 lần so với trước COVID-19.
COVID-19 góp phần đẩy nhanh cuộc “cách mạng công nghệ” trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe từ xa (telehealth) ở khắp nơi trên thế giới. Nó trở thành một xu hướng mới được nhiều người quan tâm và lựa chọn sử dụng.
Phân tích của McKinsey cho thấy việc sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa đã tăng trung bình 38 lần so với trước COVID-19.
Công nghệ mới vượt trội
Mọi người giờ đây rất quan tâm đến sức khỏe, họ đếm số bước của mình, theo dõi những gì họ ăn và theo dõi nhịp tim của mình từ một thiết bị thông minh. Ngày nay, chăm sóc sức khỏe và công nghệ đang ngày càng gắn chặt với nhau.
Công nghệ mới có nhiều ưu điểm vượt trội đã tác động sâu sắc đến hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở khắp nơi trên thế giới. Những khách hàng chăm sóc sức khỏe hiện đại giờ đây chẳng cần lo lắng phải chờ được khám khi mà công nghệ đã giúp họ đặt lịch hẹn, yêu cầu mua thuốc theo toa hoặc xem kết quả xét nghiệm trực tuyến.
Công nghệ telehealth có tác động đáng kể đến cách bệnh nhân tương tác với nhà cung cấp và nhận dịch vụ tư vấn, chăm sóc. Có ba loại công nghệ chính sử dụng trong telehealth bao gồm: theo dõi bệnh nhân từ xa, lưu trữ – chuyển tiếp, và các cuộc gặp sử dụng âm thanh/hình ảnh thời gian thực. Trong đó, công nghệ lưu trữ và chuyển tiếp là hình thức lâu đời nhất của công nghệ telehealth, sử dụng công nghệ để truyền hình ảnh hoặc thông tin từ nhà cung cấp dịch vụ này sang nhà cung cấp khác hay từ bác sĩ chuyên khoa này, bệnh viện này sang chuyên khoa khác, bệnh viện khác.
98point6 và 23andMe rất nổi tiếng khi sử dụng nền tảng công nghệ lưu trữ và chuyển tiếp trong telehealth. Với 98point6, họ sử dụng “bác sĩ AI”, (AI – trí tuệ nhân tạo), để tương tác với bệnh nhân trước khi kết nối họ với bác sĩ. AI sẽ khai thác kho dữ liệu (như triệu chứng) để phân loại bệnh nhân từ xa trước khi đến các cơ sở y tế và đưa ra bác sĩ chuyên khoa phù hợp nhất để thăm khám sau đó.
Trong khi 23andMe có kho dữ liệu y tế khổng lồ về di truyền. Họ tận dụng kho dữ liệu mà họ lưu trữ về di truyền học của khách hàng để xác định những bệnh có nguy cơ mắc phải và cung cấp các kế hoạch hỗ trợ giúp tránh hoặc kiểm soát những tình trạng này thông qua ứng dụng trên điện thoại hoặc máy tính.
Mắt xích quan trọng nhất trong công nghệ telehealth là giao tiếp âm thanh/hình ảnh thời gian thực. Nó kết nối bệnh nhân và bác sĩ từ xa, thông qua thiết bị hỗ trợ hình ảnh và âm thanh trên điện thoại hoặc máy tính.
Tiêu biểu như Teladoc còn mua luôn cả công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực viễn thông Livongo, để nâng cấp phần cứng giúp theo dõi sức khỏe cá nhân cho các tình trạng lâm sàng như tiểu đường và cao huyết áp và sau đó sử dụng dữ liệu đó để đề xuất các cách cải thiện lối sống.
Thị trường “bùng nổ”
Xuất hiện từ những năm 1950 nhưng chỉ đến gần đây, telehealth mới có dấu hiệu bùng nổ nhờ những phát triển vượt bậc của công nghệ.
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của Facts and Factors, quy mô thị trường và doanh thu cổ phiếu toàn cầu của Telehealth dự kiến sẽ tăng từ 62,45 tỷ USD vào năm 2020 lên 475,50 tỷ USD vào năm 2026.
Nhiều gã khổng lồ công nghệ cũng đang bắt đầu “nhòm ngó” tới tiềm năng của telehealth, trong đó có Amazon với Amazon Care, nó đang được sử dụng thử nghiệm cho nhân viên của họ và đang có kế hoạch mở rộng trong năm nay. Những ông lớn công nghệ khác cũng có những sản phẩm cả phần cứng và phần mềm để theo dõi sức khỏe, như Apple, Google, Xiaomi, Huawei,… Điều đó có nghĩa họ có thể tham gia thị trường bất kỳ lúc nào và trở thành đối thủ cạnh tranh nặng ký.
Tại Việt Nam, ngành này cũng có những bước tiến dài từ khi đại dịch xuất hiện. Chẳng hạn, giải pháp theo dõi và chăm sóc sức khỏe từ xa của Phòng khám đa khoa online 365 medihome đạt Danh hiệu Sao Khuê 2021 và được vinh danh là giải pháp xuất sắc của ngành phần mềm thuộc lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe.
Hay như nền tảng hỗ trợ, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa do Viettel thiết lập, các cơ sở y tế đã thực hiện 120 buổi hội chẩn cho hơn 1.800 ca bệnh COVID-19 chuyển biến nặng, giúp xử lý kịp thời và tận dụng được thời điểm vàng để chữa trị cho các bệnh nhân.
Nhưng telehealth vẫn còn nhiều rào cản cần phải vượt qua. Một trong những vấn đề lớn nhất đó là hiệu quả hạn chế khi thực hiện chuẩn đoán, khám bệnh từ xa, nhất là những ca bệnh có tính chất phức tạp. Một nghiên cứu của Đại học California năm 2016 đã cho thấy, các bác sĩ trực tuyến trên 16 ứng dụng telehealth khác nhau đã chẩn đoán sai về tình trạng nghiêm trọng của bệnh da liễu.
Dù còn những hạn chế, telehealth được kỳ vọng sẽ tiếp tục trở thành một xu hướng thịnh hành trong tương lai.
Bất Nhị