Dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, sau 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 300 tỷ USD và dự báo cả năm đạt 330 tỷ USD.
Số liệu trên được Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đưa ra tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu năm 2021. Như vậy, so với kim ngạch xuất khẩu năm 2020 thì xuất khẩu năm nay tăng trên 48 tỷ USD và tăng 66 tỷ USD so với năm 2019.
Kết quả này có được, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, là nhờ hoạt động xúc tiến xuất khẩu vừa qua. Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, “Nhờ các hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số được duy trì, nông sản hàng hoá vẫn được kết nối tiêu thụ ngay trong thời điểm khó khăn nhất của dịch bệnh”.
Trên thực tế, dịch bệnh Covid-19 đã khiến xúc tiến thương mại xuất khẩu theo phương thức truyền thống thông qua tổ chức hội chợ, triển lãm không còn nhiều không gian, thay vào đó là sự chuyển dịch sang nền tảng số. Điều này đòi hỏi sự chuyển dịch, thích ứng từ cấp quản lý ngành, tới địa phương và trực tiếp là các doanh nghiệp xuất khẩu.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương đánh giá, xúc tiến thương mại trên môi trường số đã trở thành giải pháp hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với thị trường trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đồng thời cũng là một phương thức phù hợp với tiến trình chuyển đổi số quốc gia và xu thế thương mại quốc tế.
“Kết quả của hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số đã giúp doanh nghiệp xuất khẩu tiết kiệm chi phí, tăng tốc độ, rút ngắn khoảng cách và thời gian, đồng thời tăng phạm vi và số lượng tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng”, ông Phú cho biết thêm.
Tuy nhiên, nhận diện thách thức trong xúc tiến xuất khẩu hiện tại, ông Phú chỉ ra, năng lực cung ứng sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn yếu, chưa đáp ứng được các đơn hàng nhập khẩu đòi hỏi chất lượng cao, số lượng lớn. Điểm yếu này bộc lộ khi Covid-19 khiến hoạt động xúc tiến xuất khẩu của các doanh nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng; nguồn cung thiếu hụt, đứt gãy chuỗi cung ứng…
“Đây là khó khăn lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi xúc tiến thương mại tới đây sẽ chuyển dịch phần lớn sang “kênh” trực tuyến”, ông Phú đánh giá.
Khó khăn nữa với các doanh nghiệp nhỏ và vừa là tập quán thương mại, thói quen tiêu dùng đã thay đổi, chuyển sang mua sắm trực tuyến, xúc tiến trực tuyến nhiều hơn nhưng năng lực của họ còn hạn chế. Mặt khác, cơ chế tài chính hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu đã có nhưng thực tế luôn đi nhanh hơn chính sách, nên cũng khiến xúc tiến thương mại chậm nhịp hơn với yêu cầu thực tiễn.
Chính vì vậy, để ứng phó tốt với đại dịch và những biến động từ bên ngoài, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đoàn Duy Khương đánh giá, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải tích cực đổi mới, sáng tạo, nhạy bén nắm bắt, đón đầu 4 xu thế phát triển của thị trường khu vực và thế giới.
Đầu tiên, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, đó là xu hướng vừa hợp tác vừa cạnh tranh trong nền kinh tế thế giới. Cụ thể, mặc dù hai siêu cường kinh tế Trung Quốc và Mỹ đang cạnh tranh gay gắt, song hai bên vẫn duy trì hợp tác. Đồng thời, đây cũng là hai thị trường lớn nhất của Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp cần khéo léo tìm ra lĩnh vực để không mắc kẹt trong thế cạnh tranh của hai nền kinh tế này.
Thứ hai, đó là yếu tố địa chính trị trong kinh tế quốc tế, đặc biệt là tại Ấn Độ Dương-Thá Bình Dương. Yếu tố này có tác động đặc biệt quan trọng tới vấn đề vận chuyển hàng hóa. Lưu ý dự án kênh đào Kra tại Thái Lan và cơ hội đến từ dự án này mà Việt Nam có thể tận dụng.
Thứ ba, đó là sự phát triển nền kinh tế số. “Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng nền tảng kỹ thuật số: Tăng cường thương mại (e-commerce); Phát triển sản xuất công nghiệp (áp dụng trí tuệ nhân tạo để nâng cao chất lượng, big data để dự báo thay đổi khí hậu); và Thúc đẩy phát triển tài chính, ngân hàng (Internet banking…) nhằm tăng trưởng kinh tế của đất nước”, ông Khương nhấn mạnh.
Thứ tư, cuối cùng là các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn biện pháp phòng chống rủi ro như đại dịch, biến đổi khí hậu…; Xây dựng các nền tảng chuẩn bị hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, năng lượng xanh…
“VCCI tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương và các Bộ ngành, địa phương và các tổ chức xúc tiến thương mại để tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và xúc tiến xuất khẩu góp phần phục hồi và phát triển kinh tế đất nước có sức cạnh tranh cao và theo hướng xanh, sạch, bền vững”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước tiếp tục duy trì tăng trưởng ở mức 2 con số và giữ xuất siêu. Kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của công tác xúc tiến xuất khẩu.
Ước tính cả năm 2021, kim ngạch xuất-nhập khẩu của Việt Nam có thể đạt con số 660,1 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2020; trong đó xuất khẩu ước đạt 331,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020 và nhập khẩu ước đạt 329 tỷ USD, tăng 25,2% so với năm 2020. Trong đó, dự kiến năm nay có 37 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 4 nhóm ngành so với năm 2020. Như vậy, cán cân thương mại năm 2021 tiếp tục xuất siêu với con số khoảng 2,1 tỷ USD, tăng 0,64% so với năm 2020.
Cẩm Anh