Trước cái rét căm căm của sương mù vùng cao, gương mặt rắn rỏi của người lính vẫn nở nụ cười: “Có gì đâu? Lính mà!”
Đêm biên giới, nhiệt độ xuống thấp kèm theo mưa phùn rét buốt, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ biên phòng vẫn căng mình trực chiến phòng chống dịch.
Các chiến sỹ bộ đội biên phòng phải ngày đêm chốt chặn trên tất cả các con đường ở vùng biên giới, để không một ai vượt biên từ Trung Quốc trở về mà không được kiểm tra y tế.
Không điện, sóng điện thoại chập chờn, có người trực xuyên Tết nhưng vẫn gắng bám trụ đến ‘hết dịch mới về’.
Những bữa cơm ăn vội, những đêm trắng đi tuần tra, trước cái rét căm căm của sương mù vùng cao, gương mặt rắn rỏi của người lính vẫn nở nụ cười: “Có gì đâu? Lính mà!”
25 ngày tính từ thời điểm nhận nhiệm vụ trực Tết Nguyên đán, thượng úy Triệu Tiến Ngân (39 tuổi, nhân viên đội phòng chống ma túy và tội phạm, đồn biên phòng bản Lầu, Bộ đội biên phòng Lào Cai) chưa về với gia đình. Trực tết xong, anh nhận luôn nhiệm vụ trực chiến về dịch nơi miền biên viễn.
“Ở đây sóng yếu, anh em phải lên nơi cao mới gọi điện được về. Vợ con gọi điện hỏi thăm nhưng mình nói mong vợ hiểu, thông cảm vì anh em ứng trực không về được. Vợ cũng lo lắng, căn dặn mình đeo khẩu trang cẩn thận”, thượng úy Ngân trải lòng.
Biên giới những ngày này mưa gió rét buốt, thượng úy Ngân nhớ ngày đầu tiên dựng lều dã chiến mưa tầm tã, mất cả ngày trời anh em đi vận động đất của bà con trong thôn, san lấp nền mới dựng xong lều dã chiến. Từ bấy đến nay, anh em trong tổ công tác thay nhau túc trực, tuần tra nơi biên giới 24/24.
Trong căn lều dã chiến rộng vỏn vẹn chừng 12m2, kê hai chiếc giường với đầy đủ quân tư trang, anh em bộ đội thay nhau canh gác. Biên giới gần dân, họ thay nhau xuống bản kiếm thức ăn về nấu cơm ngay tại nơi lán tạm.
Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, nhiều đơn vị, doanh trại của các chiến sỹ trở thành khu cách ly. Khi đó, các chiến sỹ bộ đội lại phải rời doanh trại ra rừng mắc lều dã chiến ở, còn doanh trại nhường lại cho nhân dân.
Tại các địa điểm cách ly, lực lượng quân y của đơn vị và quân y tăng cường, y tế địa phương, nuôi quân, bảo vệ, công an địa phương và các lực lượng bảo đảm khác sẽ chia nhau phụ trách công việc. Bộ đội đảm bảo các điều kiện ăn, ngủ, sinh hoạt… Bác sĩ quân y thường xuyên kiểm tra sức khoẻ để kịp thời phát hiện dấu hiệu bệnh. Người bị sốt sẽ được chuyển ngay vào bệnh viện dân y gần nhất.
Người lính cũng là con người, họ cũng có gia đình vợ con, họ cũng có nguy cơ nhiễm bệnh như người thường, họ cũng sợ nhiễm bệnh chứ không phải siêu nhân nào đó. Nhưng khi đã mang trên mình màu xanh áo lính, là “Bộ đội Cụ Hồ” họ sẵn sàng nhường cơm sẻ áo hoặc những thứ tốt nhất cho đồng bào mình trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào họ vẫn luôn có mặt ở tuyến đầu.
Khánh Hà