Khi chiếc kim vừa xuyên qua lớp vải mịn, sợi chỉ tơ óng ánh như sợi nắng tháng ba nhẹ nhàng uốn lượn theo tay người thợ, một phần hồn của làng nghề lại hiện lên – bình dị, trầm lắng mà sâu xa như chính mảnh đất Quất Động – nơi hàng trăm năm qua vẫn gìn giữ ngọn lửa âm ỉ của nghệ thuật thêu tay truyền thống giữa guồng quay hiện đại.
Những kiệt tác vô giá…
Làng Quất Động thuộc xã Quất Động (huyện Thường Tín – Hà Nội) nổi tiếng với nghề thêu truyền thống, được khai sinh bởi cụ tổ nghề thêu Lê Công Hành (1606 – 1661). Người làng Quất Động kể rằng, cụ Lê Công Hành – một viên quan trong triều Lê từng sang Trung Quốc học nghề rồi mang về truyền dạy cho dân làng. Từ đó, nghề thêu bén rễ, nảy nở rồi trổ hoa thành cả một làng nghề vang danh khắp xứ Bắc.

Nghệ nhân thêu tay Hoàng Thị Khương
Trải qua mấy trăm năm, dù chiến tranh hay hòa bình, dù bao lần đổi thay thời cuộc, người Quất Động vẫn giữ khung thêu như giữ lấy cội nguồn. Nếu như thuở xưa, sản phẩm thêu chủ yếu phục vụ triều đình – từ áo bào, lọng, trướng, câu đối, khăn chầu, áo ngự… thì nay, dù không còn sắc vàng của cung đình, người dân vẫn sống với nghề bằng những bức tranh thêu phong cảnh, chân dung, họa tiết trang trí và cả lòng tự hào thấm trong từng đường chỉ, mũi kim.

Nghề thêu đòi hỏi sự kiên nhẫn cao độ, đôi khi phải mất hàng tháng mới xong một bức tranh lớn
Trong căn nhà nhỏ nằm ven con đường dẫn vào trung tâm làng nghề, nghệ nhân Hoàng Thị Khương vẫn miệt mài với khung vải gỗ, đôi bàn tay mềm dẻo lướt như múa. Người phụ nữ sinh năm 1965 ấy không chỉ nổi tiếng vì kỹ thuật thêu đỉnh cao, mà còn bởi chính nghị lực phi thường từ một tuổi thơ gắn với khuyết tật.
“Tôi bị sốt cao lúc 3 tháng tuổi, để lại di chứng liệt một chân. Nhưng chính khung thêu của mẹ đã đỡ tôi đứng dậy. Thêu là nghiệp, là cơ hội để tôi bước tiếp con đường đời của mình mà không mặc cảm hay yếu thế,” bà Khương chia sẻ trong ánh mắt lấp lánh.
Bắt đầu học thêu từ khi còn chưa đến 10 tuổi, bà Khương sớm bộc lộ thiên tư hội họa và sự nhẫn nại hiếm có. Sau hàng chục năm miệt mài bên khung, bà đã nắm vững hàng chục kỹ thuật thêu cổ truyền như thắt gút, khốn vảy, độn nổi, thêu kim tuyến… Trong đó, kỹ thuật thêu nổi và kim tuyến được bà xem là “thử thách đỉnh cao” của người thợ, đòi hỏi sợi chỉ phải đi đều, mịn như lụa, từng đường cong phải “mềm mà không lỏng, chặt mà không thô”.

Cụ tổ nghề thêu Lê Công Hành (1606 – 1661)
Trong căn phòng trưng bày nhỏ của gia đình, bức tranh “Sơn thủy hữu tình” được treo ở vị trí trang trọng nhất. Những kiệt tác vô giá này từng được giới sưu tập trả giá đến 500 triệu đồng – con số mơ ước với bất kỳ nghệ nhân nào, nhưng bà Khương đã lắc đầu: “Tôi không làm nghề chỉ để bán tranh. Mỗi bức tranh là một phần cuộc sống của tôi, tôi muốn nó ở lại với làng nghề, với con cháu sau này”.
Ngoài “Sơn thủy hữu tình”, bà còn sở hữu hàng chục tác phẩm đáng giá như: “Văn Miếu”, “Chân dung Bác Hồ”, “Chùa Thầy”, “Đền Hùng”, “Chùa Một Cột”… Mỗi tác phẩm đều là một câu chuyện kể không lời về văn hóa, lịch sử và tình yêu đất nước – thể hiện qua từng mũi kim lặng lẽ.

Bức tranh thêu tay không thể bị lẫn vào các sản phẩm thêu công nghiệp hàng loạt bởi sự độc đáo của nó
Không giữ nghề cho riêng mình, bà Khương mở lớp dạy thêu miễn phí trong chính xưởng nhỏ của gia đình. Điều đặc biệt, phần lớn học viên là người khuyết tật – những người không thể lao động nặng nhọc nhưng lại khéo léo và giàu nghị lực. Bà dạy nghề, rồi tạo việc làm cho họ ngay tại xưởng, để “người yếu thế không bị đứng ngoài cuộc sống”.
“Chúng tôi chỉ làm được 2–3 tiếng mỗi ngày, sức yếu lắm. Nhưng mỗi lần được cầm kim, được nhìn chỉ hiện thành hoa, thành tranh, tôi thấy mình có ích và sống có mục đích,” chị Nguyễn Thị Duyên – một học viên khuyết tật xúc động chia sẻ.
Tuy vậy, điều khiến bà Khương trăn trở là thu nhập của người khuyết tật quá thấp, không đủ điều kiện để đóng bảo hiểm xã hội theo quy định hiện hành. “Tôi mong Nhà nước có chính sách đặc thù để hỗ trợ người lao động đặc biệt này, để họ yên tâm bám nghề,” bà nói.
Nỗi lo thất truyền nghề thêu tay
Hiện nay, làng thêu Quất Động đã mất đi sự sôi động và điều dễ nhận thấy nhất là người dân không còn mặn mà với nghề truyền thống của làng nữa. Cùng với sự thăng trầm của lịch sử, giờ đây làng nghề thêu tay Quất Động đứng trước nguy cơ thất truyền.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do mức thu nhập của nghề thêu quá thấp so với nhu cầu sinh hoạt cơ bản của người dân. Thêm nữa, các cụm công nghiệp lại thường xuyên tuyển lao động mà làm việc ở những khu công nghiệp lương cao và ổn định hơn. Nếu tình trạng này kéo dài thêm vài năm thì nhắc đến Quất Động người ta sẽ không còn nhớ tới nghề thêu tay nữa.
Tranh thêu tay có một giá trị nghệ thuật đặc biệt không giống như tranh thêu công nghiệp khác. Mỗi nghệ nhân thổi hồn vào bức tranh thêu của mình qua từng đường kim mũi chỉ.
Bà Nguyễn Thị Thuận – 68 tuổi, người thợ lâu năm ở Quất Động cho biết: “Bức thêu hoa này tôi mất 3 ngày, chỉ bán được hơn 100 nghìn đồng. Tính ra chưa đến 40 nghìn/ngày. Không sống được nhờ thêu, chỉ bám nghề được khi đã yêu lắm, gắn bó lắm rồi”.

Màu sắc tinh tế, sống động trong bức tranh thêu của các nghệ nhân làng thêu Quất Động
Không ít nghệ nhân phải chuyển sang làm thêm hoặc cắt giảm sản phẩm tinh xảo để làm những mẫu đơn giản, bán nhanh – chấp nhận hy sinh cái đẹp truyền thống để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu thị trường.
Máy móc, công nghệ số và thêu công nghiệp phát triển nhanh, thậm chí có thể tái tạo được những mẫu họa tiết cầu kỳ, khiến nghề thêu tay ngày càng bị thu hẹp. Thị trường ngày nay ưa chuộng sản phẩm giá rẻ, số lượng lớn, khiến nhiều xưởng thêu tay lao đao.
“Chúng tôi không thể cạnh tranh về giá. Nhưng tranh thêu tay vẫn có giá trị riêng – đó là hồn cốt. Không máy nào thêu được ‘cái tình’ trong từng nét chỉ cả,” bà Khương khẳng định.
Thực tế, nhiều khách hàng cao cấp, doanh nhân, người nước ngoài vẫn sẵn lòng chi tiền mua tranh thêu tay – nhưng họ cần những sản phẩm thực sự độc đáo, gắn liền với giá trị văn hóa. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức: làm sao để vừa giữ truyền thống, vừa đổi mới tư duy tiếp thị, truyền thông?

Mỗi tác phẩm đều là một câu chuyện kể không lời về văn hóa, lịch sử và tình yêu đất nước
Dẫu vậy, trong cái nhìn của những nghệ nhân như bà Khương, tương lai của nghề thêu tay Quất Động vẫn chưa khép lại. Những lớp trẻ bắt đầu quay về học nghề, những đơn hàng nhỏ vẫn đều đặn từ khách trong và ngoài nước. Từng đường kim mũi chỉ vẫn đang len lỏi qua từng thớ vải, kể tiếp câu chuyện truyền thống bằng cách riêng – âm thầm, mềm mại nhưng bền chặt.
“Cái nghề này nhẹ nhàng mà nặng tình. Hiếm ai giàu nhờ thêu. Nhưng nhờ thêu, tôi giàu về niềm tin, về sự sống có ích. Chỉ cần có người còn yêu nó, nghề sẽ còn sống,” nghệ nhân Hoàng Thị Khương mỉm cười, ánh mắt lặng lẽ nhìn xa xăm qua khung cửa – nơi ánh nắng chiều đang loang dần trên khung vải, lấp lánh như sợi tơ…
Tôi rời Quất Động khi hoàng hôn buông xuống mái đình cổ. Tiếng kim xuyên vải như nhịp thở của làng nghề xưa vẫn chưa dứt. Trong lòng, tôi hiểu – khi còn những người như bà Khương, như bà Thuận, mảnh đất này sẽ vẫn giữ được sợi chỉ đỏ nối từ truyền thống đến mai sau.
Tiến Minh