Theo đó, Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều Luật Đầu tư vừa được ban hành. Trong đó, quy định danh mục 25 ngành nghề nhà đầu tư nước ngoài chưa được tiếp cận đầu tư như: Đánh bắt và khai thác hải sản; Dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Dịch vụ bưu chính công ích; Kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp và dịch vụ giám định về sở hữu trí tuệ; Kinh doanh dịch vụ lữ hành (trừ dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam); Dịch vụ kiểm định (kiểm tra, thử nghiệm) và cấp Giấy chứng nhận cho các phương tiện giao thông vận tải (gồm hệ thống, tổng thành, thiết bị, linh kiện của phương tiện)…

xklaodong

Dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một trong 25 ngành nghề nhà đầu tư nước ngoài không được tiếp cận đầu tư.

Đối với những ngành nghề khác đã được quy định điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài chưa cập nhật vào 25 danh mục ngành nghề hạn chế thì sẽ thực hiện theo quy định, điều ước quốc tế đó.

Ngoài ra, khi hoạt động tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng những điều kiện về việc sử dụng đất đai, lao động; Sản xuất, cung ứng hàng hóa hoặc dịch vụ công hay hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước; Tham gia chương trình, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định danh mục 59 ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài như: Bảo hiểm; Ngân hàng; Kinh doanh chứng khoán và những dịch vụ khác liên quan đến bảo hiểm, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán; Dịch vụ bưu chính, viễn thông; Kinh doanh đặt cược, casino; Kinh doanh dịch vụ logistics; Vận tải biển ven bờ…

Nghị định cũng nêu rõ, những nhà đầu tư là người Việt và có thêm quốc tịch nước ngoài được quyền lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường và thủ tục đầu tư như quy định áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài.

Cũng theo Nghị định 31, đối với những ngành, nghề Việt Nam chưa cam kết về tiếp cận thị trường, nhà đầu tư sẽ được tiếp cận thị trường nếu những Luật, quy định khác không cấm và ngược lại.

Nghị định 31 còn quy định, nếu nhiều nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế và thuộc đối tượng áp dụng của một hoặc nhiều điều ước quốc tế về đầu tư thì tổng tỷ lệ sở hữu của tất cả nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá tỷ lệ cao nhất.

dautunuocngoai

Trong thời gian vừa qua thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam đã có nhiều tích cực.

Bên cạnh đó, nếu nhiều nhà đầu tư nước ngoài thuộc cùng một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế thì tổng tỷ lệ sở hữu của tất cả nhà đầu tư đó không được vượt quá tỷ lệ sở hữu quy định tại điều ước quốc tế về đầu tư. Đồng thời, nếu tổ chức kinh tế có nhiều ngành, nghề kinh doanh mà điều ước quốc tế về đầu tư có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài sẽ ở mức thấp nhất.

Đối với công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán hoặc quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện theo quy định về chứng khoán.

Một trong những điểm mới của Nghị định 31 đó là lần đầu tiên ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được công bố trong cùng một danh mục.

Việc ban hành danh mục các ngành nghề kinh doanh hạn chế tiếp cận đối với các nhà đầu tư nước ngoài được giới chuyên gia đánh giá là phù hợp với thông lệ quốc tế khi Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập sâu rộng với thế giới. Những danh mục được nêu rõ để đồng bộ hơn với những cam kết về ngành nghề được phép kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài theo cam kết của Việt Nam với WTO.

Luật gia Kinh tế Nguyễn Ngọc Tuấn – Chủ tịch Công ty CP Tư vấn BeBoss, Phó Chủ tịch Hội xuất nhập khẩu Đồng Nai cho biết, khi Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại với các nước đều có cam kết hạn chế đầu tư với một số lĩnh vực ngành nghề, để thực hiện các cam kết có lợi cho nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là đối với các Hiệp định khu vực, Hiệp định đối tác song phương và đa phương.

Ông Tuấn cho rằng, việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, đầu tư vào các doanh nghiệp trong nước sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước học tập sự tiến bộ của các doanh nghiệp nước ngoài có thâm niên nhiều năm trên thị trường. Tuy nhiên cũng cần thiết phải có hạn chế việc góp vốn cũng như đầu tư ở một số lĩnh vực nhằm giúp các doanh nghiệp trong nước tránh được nguy cơ bị thâu tóm và tăng sức ảnh hưởng lên thị trường. Bởi họ có nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh quốc tế.

“Tôi cho rằng, việc công bố các ngành nghề hạn chế tiếp cận đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài là một nỗ lực rất lớn của Việt Nam, khi chúng ta vừa phải tạo môi trường thuận lợi để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, vừa phải thực hiện đúng các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời đảm bảo được lợi ích của các nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Còn đối với nhà đầu tư nước ngoài họ sẽ nắm được các thủ tục cũng như điều kiện đầu tư trước khi quyết định đầu tư vào một lĩnh vực nào đó”, Luật gia Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ.