Chuyển tới nội dung

Những câu chuyện khởi nghiệp thành công của các startup trẻ

  • bởi

Khởi nghiệp được bắt nguồn từ những ý tưởng có tính đột phá và khác biệt trong nhiều lĩnh vực, nhiều hoạt động của đời sống xã hội,…

Nhưng để khởi nghiệp thành công, mang lại những giá trị cho cuộc sống, không nhất thiết là phải khởi nghiệp bằng những ý tưởng quá lớn lao, quá cao xa, mà có thể khởi nghiệp từ những công việc rất gần gũi, rất thiết thực và phù hợp với những gì mà xã hội đang thiếu, đang đòi hỏi.

Xuất phát từ thực tiễn này, nhiều bạn trẻ với sự năng động, niềm đam mê nghiên cứu và sức sáng tạo đã tạo lập thành công con đường khởi nghiệp cho riêng mình, cụ thể như:

1. Startup làm tay chân giả giá rẻ đoạt giải quán quân Blue Venture Award

Sử dụng công nghệ in 3D, Trịnh Khánh Hạ và các cộng sự tại doanh nghiệp Vulcan Augmetics đã phát triển dự án sản xuất các module chân tay giả giá rẻ, giúp tái sinh cuộc sống cho người khuyết tật.

Việt Nam hiện có khoảng 8 triệu người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên, trong đó, 40% là thất nghiệp. Việc người khuyết tật bị hạn chế tham gia thị trường lao động khiến cuộc sống của họ và gia đình gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, chúng ta có công nghệ, có những kỹ sư giỏi nhưng thiếu những dự án giúp những khuyết tật lấy lại khả năng lao động.

Với suy nghĩ đó, doanh nhân Trịnh Khánh Hạ và các cộng sự tại doanh nghiệp Vulcan Augmetics đã phát triển dự án sản xuất các module chân tay giả giá rẻ, giúp tái sinh cuộc sống cho người khuyết tật. Sản phẩm của Vulcan Augmetics được gắn các cảm biến giúp người khuyết tật có thể thực hiện các thao tác cầm nắm. Người dùng có thể sử dụng thành thạo các thao tác trong vòng 2 tuần.

Khánh Hạ cũng cho biết nhóm sử dụng giải pháp in 3D để có thể dễ dàng nhân rộng và hạ giá thành sản phẩm. Giá của sản phẩm hiện chỉ bằng khoảng 1/5 các sản phẩm có chức năng tương tự.

Dự án này của Khánh Hạ đã giành giải nhất của cuộc thi Doanh nhân cộng đồng – Blue Venture Award lần đầu tổ chức tại Việt Nam.

Với chiến thắng này, ngoài các giải thưởng giá trị của chương trình, Khánh Hạ và các cộng sự cũng sẽ được tham gia khóa đào tạo huấn luyện tại Anh và trở thành đại diện đầu tiên của Việt Nam tham gia vòng thi “The Venture” quốc tế với cơ hội giành tổng giải thưởng 1 triệu USD.

Chia sẻ sau khi giành chiến thắng, Khánh Hạ cho biết: “Hiện tại Vulcan đang ở giai đoạn cuối hoàn thiện sản phẩm. Một doanh nghiệp xã hội như mình khó gọi được đủ nguồn vốn. Chiến thắng này giúp mình lan truyền thông tin dự án này đến nhiều người, nhiều nhà đầu tư cũng như đi tới đấu trường quốc tế để thu hút vốn đầu tư. Từ đó, mình có thể hoàn thiện dây chuyền sản xuất và phân phối sản phẩm tới thị trường để có thể ngay lập tức giúp những khuyết tật trở nên độc lập, tự tin hơn”.

Dự án sản xuất module chân tay giả giá rẻ đem lại cho Khánh Hạ và các cộng sự ở Vulcan Augmetics giải nhất Blue Venture Award.

2. Khởi nghiệp từ “Marketing 0 đồng” tới quỹ đầu tư triệu đô

Phạm Anh Cường (Cường Steward) đang nỗ lực thực hiện khát vọng nâng bước và giữ chân những start-up thuần Việt.

Là người tiên phong sáng lập một trong những vườm ươm khởi nghiệp tư nhân“made in Vietnam” đầu tiên, Phạm Anh Cường (Cường Steward) đang nỗ lực thực hiện khát vọng nâng bước và giữ chân những start-up thuần Việt.

“Ông bầu” của các start-up

Một ngày đầu năm 2019, diễn ra buổi tiệc gặp mặt cuối năm của các thành viên, start-up thuộc Hệ sinh thái khởi nghiệp BestB.Nếu không quen từ trước, thật khó để nhận ra ai là “sếp” ở đây, bởi họ đều là những người trẻ, năng động và hòa đồng. Trong số này có Phạm Anh Cường (Cường Steward), sáng lập, kiêm CEO Hệ sinh thái khởi nghiệp BestB.

Trong buổi tiệc đó, có khá nhiều khách mời là doanh nhân đến chia vui với Cường. Chia vui là vì, năm 2018, Cường Steward và BestB gặt hái được kha khá thành công. Năm đầu tiên BestB đi vào hoạt động (năm 2015), anh và đội ngũ của mình mới hỗ trợ được 3 start-up, nhưng đến năm 2018, con số này đã là 18. Khoản doanh thu 3,2 tỷ đồng năm qua cũng gấp 5 lần so với năm đầu tiên BestB đi vào hoạt động.

Hỏi Cường rằng, hình như anh “lờ” đi lợi nhuận thì phải, anh vui vẻ: “Tất nhiên là có lãi, nhưng tôi không kỳ vọng quá nhiều vào doanh thu, lợi nhuận, mà chỉ quan tâm mình hỗ trợ được bao nhiêu start-up”.

Kể cũng lạ, kinh doanh sao lại không quan trọng lợi nhuận? Cường lý giải, đó là bởi anh chọn cho BestB con đường trở thành doanh nghiệp tạo tác động xã hội. “Doanh nghiệp tạo tác động xã hội không phải một tổ chức từ thiện, mà trước hết phải là doanh nghiệp, tạo ra nguồn doanh thu, lợi nhuận và tuân theo quy luật thị trường. Do đó, BestB khác với doanh nghiệp bình thường là được khai sinh để truyền cảm hứng cho các bạn trẻ ấp ủ hoài bão khởi nghiệp”, Cường giải thích.

Còn nhớ, thời điểm tháng 7/2014, khi BestB được thành lập, tại Việt Nam mới chỉ có vườn ươm Vietnam Silicon Valley hoạt động theo đề án của Bộ Khoa học và Công nghệ. Qua thời gian làm việc ở Singapore, Cường Steward nhận thấy, các vườn ươm tư nhân phát triển hơn vườn ươm nhà nước, do hạch toán tài chính độc lập, dù chịu áp lực lớn, nhưng bù lại, họ được quyền tự quyết về tất cả những gì có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp. “Về bản chất, một tổ chức nếu không thể tự tạo ra doanh thu thì sẽ không bao giờ bền vững”, Cường nói.

Từ “Marketing 0 đồng”…

Ở tuổi 30, những gì mà Cường Steward và BestB làm được quả thực không đơn giản. Cười tự tin, chàng doanh nhân 8x bộc bạch: “Mọi người cứ nghĩ đằng sau vườm ươm có thế lực rất mạnh về tài chính, nhưng sự thật là khi BestB ra đời, trong tay tôi không có gì cả”.

“Hạnh phúc là giúp đỡ nhiều người, thành công là nâng đỡ nhiều người. Đầu tư và ươm tạo cho khởi nghiệp là sứ mệnh của tôi”.

Cường Steward

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống kinh doanh, nhưng những gì Cường có được hôm nay hoàn toàn là nỗ lực của bản thân. “Từ lúc khởi nghiệp, tôi chưa xin của bố mẹ một đồng nào”, Cường kể.

Năm thứ ba đại học, Phạm Anh Cường là một trong những sinh viên xuất sắc của Đại học Ngoại thương giành suất học bổng tại Nhật Bản. Năm tháng học tập tại đất nước mặt trời mọc, anh “trót yêu” hoa giấy nghệ thuật Kamibana và quyết định khởi nghiệp cùng 6 cộng sự ngay sau khi về nước. Tiếc là do sai hướng phát triển và thiếu kỹ năng lãnh đạo, dự án này thất bại sau 1 năm hoạt động.

Tạm gác lại giấc mơ khởi nghiệp, Cường bắt đầu hành trình đi làm thuê từ TP.HCM đến Hà Nội. Anh kinh qua nhiều vị trí, từ nhân viên xuất nhập khẩu, ngân hàng, trưởng nhóm quản lý thị trường ASEAN trong một tập đoàn công nghệ, đến giám đốc một công ty bất động sản khá lớn.

Cường vẫn luôn ghi nhớ bước ngoặt trong sự nghiệp của mình, đó là sau 2 tháng thử việc ở vị trí trưởng phòng, anh được đề bạt vào ghế giám đốc ở tuổi 25. “Mỗi khi gặp khó khăn, ký ức ấy giúp tôi có thêm niềm tin vào bản thân”, Cường nói.

Nhưng chỉ sau đó 1 năm, anh quyết định nghỉ việc để thành lập BestB, khôi phục dự án hoa giấy với tên gọi mới Flower Farm. “Tôi muốn chứng minh cho mọi người thấy, Flower Farm là đứa con tôi ươm và sẽ trở thành start-up tiêu biểu”, chàng doanh nhân trẻ tự tin.

Để tạo xu hướng yêu thích sản phẩm này, Cường tìm tòi và mở những “Lớp học 10.000 đồng” dạy các bạn học sinh, sinh viên gấp hoa giấy. Anh bật mí, 10.000 đồng này đủ tiền thuê địa điểm, tiền nguyên liệu, trong khi đó, sự ấn tượng của khóa học khiến các bạn học sinh, sinh viên truyền tai nhau và trở thành xu hướng, giúp Flower Farm tiếp cận các kênh phân phối. Đến nay, Flower Farm là một trong những dự án có doanh thu hiệu quả nhất trong BestB, tạo nhiều việc làm cho học viên các trường dạy nghề. Không những thế, Cường còn tiếp tục xây dựng Flower Farm thành kênh thương mại điện tử bán hoa tươi từ shop tới người tiêu dùng thông qua app. Với những thành tựu đó, Flower Farm lọt top 25 start-up Việt tiêu biểu năm 2017, qua đó phần nào chứng minh năng lực của Cường.

Đến nay, “hồ sơ” của BestB đã tích lũy được kha khá start-up tiềm năng như trang thương mại điện tử Lovely Life; nền tảng kết nối nhà nghỉ – khách sạn – du lịch ManMo; nền tảng kết nối logistics Shipcucnhanh; nền tảng kết nối và tuyển dụng nhân sự Vjobs…

…đến quỹ đầu tư 30 tỷ đồng

Cởi mở, chân thành, nhưng Cường Steward không thích nói nhiều về mình. Trong cuộc trò chuyện, anh hay hướng câu trả lời về BestB và những cộng sự. Anh tự hào kể về Nguyễn Thu Phương – cô sinh viên năm thứ ba Đại học Kinh doanh và Công nghệ đang là trưởng nhóm vận hành 2 dự án khởi nghiệp là Flower Farm (được Cường chuyển giao) và Lovely Life – dự án do Phương sáng lập. “Ở BestB, tôi chỉ là người truyền cảm hứng”, Cường khiêm tốn nói.

Sở dĩ Cường chọn cách lãnh đạo này, bởi đó là những giá trị anh học được sau những năm tháng sống tại Nhật Bản. “Nhắc đến Apple, người ta nghĩ tới Steve Jobs, Tim Cook; nhắc tới Facebook, người ta nghĩ tới Mark Zuckerberg…, nhưng Top 10 của Nhật thì không như vậy. Tôi thực tập ở đó, họ không giới thiệu tên mình, mà chỉ nói: “Tôi là người Honda”. Người Nhật xác định sứ mệnh của họ là tạo nên giá trị quốc gia, làm việc không phải cho ông chủ mà làm việc vì quốc gia”, Cường chia sẻ.

Học tập và thấm những giá trị đó, Cường Steward chọn cách xây dựng BestB với mục tiêu trở nên trường tồn. “Tôi tin rằng, sứ mệnh của BestB là truyền cảm hứng để tạo ra thế hệ doanh nghiệp mới luôn làm hết mình để cống hiến”, Cường nói.

Anh cũng tâm sự, đã có nhiều quỹ đặt “đề bài” muốn BestB ươm trước, sau đó đầu tư vào dự án nào có tiềm năng, nhưng anh không muốn là ở thế bị “săn”. “Các dự án khởi nghiệp tôi ươm đều là “Made in Vietnam”, nhưng khi quỹ ngoại rót vốn lại thường kèm theo điều kiện phải đưa thương hiệu đó về nước họ thì mới giải ngân và công ty ở Việt Nam trở thành chi nhánh, mà tôi thì không muốn như vậy”, Cường nói.

Đó cũng là nguyên nhân khiến Cường Steward quyết định kêu gọi vốn từ một số doanh nghiệp và đã “khai sinh” thành công Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo BestB Capital với số vốn 30 tỷ đồng cuối năm 2018. 5 lĩnh vực mà BestB Capital sẽ tập trung tìm kiếm ươm tạo là fintech (công nghệ tài chính), agritech (công nghệ nông nghiệp) , edutech (công nghệ giáo dục), Medtech (công nghệ y tế), doanh nghiệp nhỏ và vừa có tiềm năng phát triển chuỗi, xuất khẩu.

Nhưng như vậy là chưa đủ đối với Cường Steward, bởi anh còn ấp ủ những kế hoạch rất tham vọng cho BestB. “Tầm nhìn của BestB là trở thành tập đoàn đa quốc gia và đa dạng lĩnh vực, luôn sát cánh với mọi doanh nghiệp, tập trung vào 2 mảng lõi là vườn ươm doanh nghiệp và quỹ đầu tư. Tôi sẽ đưa BestB lên HoSE vào năm 2025, sau đó lần lượt là các doanh nghiệp do BestB ươm tạo”, Cường tự tin cho biết.

Trong cuốn sách “Tôi dám làm. Bạn dám không?” do Cường Steward viết, có một câu nói rất ấn tượng: “Nếu biết kiếp người trăm năm là hữu hạn, chắc hẳn bạn sẽ luôn kiếm tìm giá trị vô hạn để sống và hy sinh”. Với những tâm huyết dành cho cộng đồng khởi nghiệp, có lẽ, Cường đã tìm được giá trị vô hạn của riêng mình.

Tôi dám làm những điều người khác sợ không làm được:

Viết sách về khởi nghiệp để tặng cho các bạn trẻ.

Đó là “Xây dựng để trường tồn” của Jim Collins. Tôi tìm thấy những giá trị mà mình đã đúc kết được trong quá trình học tập tại Nhật Bản trong cuốn sách ấy, đó là khi bạn nhận bất kỳ công việc nào, bạn hãy nghĩ về giá trị thực sự bạn để lại cho cuộc đời.

Làm việc có tâm, tư duy có tầm.

Tôi học được điều đó từ người Nhật, đó là nếu nhìn những gì trước mắt, bạn sẽ không nhìn thấy điều phía sau đang bị che khuất. Một là hãy đẩy nó ra xa, hai là tự lùi lại để nhìn ra giải pháp.

Những phẩm chất đáng quý.
Năng động và ý chí. Nhiều người nghĩ tôi độc đoán, nhưng không phải, đơn giản là tôi dám làm những điều người khác sợ không làm được.

3. 8X lập nghiệp thành công từ mở nhà vườn, lãi 20 triệu/tháng

Anh Trần Mạnh Thắng mang về những loài lan rừng quý hiếm. Từ “trồng cho vui” thì giờ đây anh Thắng có cả 1 vườn lan, kinh doanh các loại lan cho thu nhập 15-20 triệu/ tháng.

Vốn là người có niềm đam mê đặc biệt với hoa lan, anh Trần Mạnh Thắng (1983) đã không ngại băng qua những cung đường rừng nguy hiểm, mang về những loài lan rừng quý hiếm. Từ “trồng cho vui” thì giờ đây anh Thắng có cả 1 vườn lan, kinh doanh các loại lan cho thu nhập 15-20 triệu/ tháng.

Từ “chơi” cho vui

Gần 10 năm học nghề và gắn bó với công việc sửa chữa các thiết bị điện tử nhưng anh Trần Mạnh Thắng (xóm Dốc Mới 1, xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn) luôn có niềm đam mê đặc biệt với những nhánh lan rừng. Sân nhà treo những giỏ lan rừng luôn là nơi anh yêu thích và hàng ngày dành vào đó rất nhiều sự nâng niu, tỉ mẩn chăm sóc.

Anh Thắng cho biết: “Ngay từ nhỏ tôi đã có niềm đam mê với lan rừng. Khi còn làm công việc sửa chữa, tôi cũng ao ước có được vườn lan rừng với đầy đủ các loại để được thỏa thích ngắm nghía, chiêm ngưỡng, nhưng hồi đó điều kiện kinh tế chưa cho phép”, anh Thắng tâm sự.

Vườn lan ra hoa đầy màu sắc của anh Thắng.

Chính từ niềm đam mê đặc biệt đó, năm 2013 anh Thắng đã bàn với gia đình bỏ công việc sửa chữa để tập trung sưu tầm các loại lan và ấp ủ xây dựng một nhà vườn đa dạng các loại hoa, phục vụ người chơi lan không chỉ trong tỉnh mà còn vươn ra thị trường tỉnh khác.

Anh Thắng thường xuyên kiểm tra, phun tưới những nhánh lan rừng trong khu vườn của mình.

Hiện, anh Thắng có 2 vườn lan với tổng diện tích 2.200m2 với hơn 6.000 giỏ lan của hơn 50 loài lan khác nhau. Trong đó có nhiều loài lan rừng quý như Nghinh Xuân, Phi Điệp… Đặc biệt, vườn nhà anh Thắng cũng có nhiều giỏ hoa đẹp và có giá trị cao như Phi Điệp 5 cánh trắng có giá lên tới 200 triệu đồng/giỏ.

Đến mở nhà vườn…

Qua học hỏi kiến thức từ sách báo và từ những người có kinh nghiệm, anh Thắng dần đúc rút được nhiều kinh nghiệm cho bản thân. Theo anh Thắng, điều quan trọng nhất khi chơi lan rừng là phải tìm hiểu cặn kẽ môi trường sống của từng loại lan. Mỗi loài lan có một đặc tính khác nhau, môi trường, nhiệt độ thích nghi cũng khác nhau. Không thể đưa một loại lan đang sống ở độ cao hơn 1.000m trở về độ cao mấy trăm mét được. Vì vậy trước khi lấy một loại lan trên rừng về vườn nhà chăm sóc phải tìm hiểu môi trường sống của nó, nếu không cây sẽ lụi dần và chết hết.

Toàn bộ diện tích vườn lan của chàng trai trẻ đều được phủ màn lưới che chắn cẩn thận. Từ những loài lan bông nhỏ đến những loại lan bông to, phong lan, địa lan anh đều sưu tầm và “thuần hóa” trong vườn nhà.

“Trước đây tôi hay vào rừng săn tìm hoa lan, nhưng gần đây bận nhiều việc nên tôi không trực tiếp đi vào rừng tìm được nữa mà mua lại từ những người dân khai thác được. Tùy vào độ quý và đẹp mà các loại hoa có giá trị khác nhau. Đôi khi cả bó cũng chỉ vài trăm nghìn đồng nhưng có khi chỉ một nhánh thôi cũng vài ba triệu đồng”, anh Thắng chia sẻ.

Anh Thắng chia sẻ: “Tôi rất thích những loài lan lọng, những loài lan bông nhỏ tuy không sặc sỡ như những loài lan bông to nhưng ngược lại mùi rất thơm, bông lâu tàn. Điều đặc biệt ở loài lan rừng là thiếu nước không chết nhưng dư nước sẽ chết ngay, nó có thể chịu hạn nhưng lại không thể chịu được ẩm, mốc…”.

Chia sẻ về dự định sắp tới, anh Thắng cho hay: “Sau bao năm 2 vợ chồng tích góp, mới đây tôi cũng vừa mới khai trương vườn lan Quốc Khánh. Có thời điểm, vợ tôi phải bán hoa nhờ trước cửa nhà dân thì giờ đây 2 vợ chồng đã có 1 điểm bán, 1 khu vườn của riêng mình. Tôi cũng đang ấp ủ nhiều dự định phát triển nhiều hơn nữa các loại lan quý hiếm. Khi đó ai cũng có thể chơi lan, bảo tồn và phát triển những loài lan quý, loài lan sẽ không bị cạn kiệt mà ngày càng phát triển hơn”.

Hiện tại, ngoài việc sưu tầm, trồng và chăm sóc các loại lan, anh Thắng còn kinh doanh thêm các mặt hàng thuốc, phân bón, vật tư ngành lan, đồng thời mở rộng kinh doanh buôn bán gỗ lũa, lan công nghiệp, nhờ đó mỗi tháng anh bỏ túi từ 15-20 triệu đồng.

4. 9X khởi nghiệp thành công từ trồng atiso, thu nhập 300 triệu/năm

Sử dụng loại thuốc sinh học tự làm từ tỏi, ớt, gừng và rượu, anh Trần Minh Tuấn ở Lâm Đồng đã chăm sóc và thu lợi hàng trăm triệu với 4.000m2 đất nông nghiệp trồng atiso của gia đình.

Những ngày đầu năm mới Kỷ Hợi, PV báo Dân Việt đã hẹn gặp được với anh Trần Minh Tuấn, chủ nhân của vườn atiso lớn tại Đà Lạt. Thông qua một fanpage trên mạng xã hội Facebook, anh Tuấn đã giới thiệu thung lũng atiso của gia đình đến nhiều bạn bè, khách du lịch khi đến Đà Lạt tham quan.

Anh Tuấn bên những sản phầm từ cây atiso trong vườn của mình.

Đã tốt ngiệp trường Đại học Yersin tại Đà Lạt chuyên ngành thiết kế nội thất, tuy nhiên sau 3 năm bươn trải, làm bất động sản tại TP. Hồ Chí Minh đầu năm 2018, anh Tuấn đã trở về Đà Lạt cùng bố mẹ làm nông nghiệp.

Mặc dù làm việc tại thành phố, thế nhưng anh Tuấn đã có ít nhiều kinh nghiệm làm vườn khi phụ giúp bố mẹ trong những năm học cấp 3. Chính vì vậy, khi mới về, anh đã được bố mẹ giao 4.000m2 để tự sản xuất theo cách riêng của mình.

Đi dọc cánh đồng atiso của mình, anh Tuấn chia sẻ: “Mặc dù được giao đất riêng nhưng tôi vẫn trồng loại cây atiso mà bố mẹ đã canh tác hơn 10 năm nay. Không những vậy, tôi nhận thấy giá trị của cây atiso khá cao nên tôi quyết định trồng loại cây thu hoạch được “toàn bộ” này”. Điều này có nghĩa là từ lúc trồng đến khi kết thúc một mùa vụ, người trồng có thể thu hoạch toàn bộ hoa, lá, thân và rễ của chúng.

Là loại cây ưa dùng của các nhà hàng cũng như người dân, du khách khi đến với thành phố Đà Lạt, vì vậy atiso của gia đình anh Tuấn luôn đắt hàng.

“Sản phẩm làm ra tại vườn, gia đình tôi có hai cách để hàng đến tay người tiêu dùng. Thứ nhất tôi bán cho các thương lái đến mua tại vườn hoặc gia đình đưa ra chợ bán cho khách du lịch. Thứ hai, trông qua trang fanpage của mình, tôi giới thiệu cho khách du lịch đến chụp hình và mua bông atiso ngay tại vườn”, anh Tuấn chia sẻ cách làm của mình.

Atiso là cây trồng quanh năm vì vậy, anh Tuấn đã áp dụng cách trồng gối đầu tại vườn của mình. Bên cạnh đó, việc “lấy ngắn nuôi dài” đã giúp cho 9X có thu nhập ổn định hàng năm.

Vừa cắt những bông atiso trong vườn, anh Tuấn vừa chia sẻ quy trình “kiếm tiền” của mình: “Sau khi kết thúc một vụ mùa tôi tiến hành làm đất ngay. Đất được xới tung và san phẳng, sau đó tôi rắc vôi khử phèn, bổ sung thêm phân lân để làm lớp phân chân rồi lại cày đất lên một lần nữa. Tiếp theo là công đoạn đánh luống rộng khoảng 50cm. Thông thường gia đình tôi thường trồng một lứa sú tim song song cùng với một vụ atiso để tăng thu nhập”.

Sau khi anh Tuấn làm đất xong sẽ trồng trước một lứa sú tim. Khi sú được khoảng 2 tháng anh tiếp tục chia khoảng cách để xuống giống atiso. Sú tim lớn và thu hoạch xong thì hoa atiso cũng bắt đầu trổ.

Trong thời gian chưa thu hoạch bắp sú, anh Tuấn sẽ không bón phân cho atiso bởi chúng cũng đã hấp thụ được phần phân khi bón cho cây bắp sú. Chính vì vậy, thời gian thu hoạch bắp sú xong anh mới bón phân.

“Trong thời gian chờ hoa atiso lớn để thu hoạch thì tôi có thêm một nguồn lợi nữa là tỉa lá cho cây để làm trà. Thường thì 2 tuần tôi sẽ tỉa lá một lần, vừa có sản phẩm, vừa giúp gốc cây thoáng, không bị bệnh nấm. Khi tỉa những lá cây atiso ra, tôi sẽ tuốt bỏ phần lá mà chỉ lấy cuỗng của chúng, mang về đưa vào máy cắt mỏng rồi phơi để làm trà”, anh Tuấn chia sẻ.

Đặc biệt, với sự tìm tòi, học hỏi của mình, anh Tuấn đã sử dụng loại thuốc sinh học để diệt trừ sâu bệnh trên cây atiso. Loại thuốc này được anh chế biến từ tỏi, gừng ớt và rượu.

Anh Tuấn cho biết: “Loại thuốc này hoàn toàn sạch và chúng rất kị với bệnh nấm thường xuất hiện trên cây atiso. Thông thường tôi thường mua khoảng 300 ngàn tiền ớt, tỏi, gừng về xay nhỏ và ngâm với rượu. Khi mùa mưa đến cũng là lúc bệnh nấm phát triển tôi sẽ phun định kì mỗi lần cách nhau 5 – 7 ngày. Với một bình phun thuốc loại 16 lít, tôi sẽ pha với 75cc hỗn hợp thuốc sinh học mình tự chế biến. Khi chuẩn bị thu hoạch tôi sẽ ngừng phun thuốc trước khoảng 10 ngày để đảm bảo an toàn”.

Với hơn 4.000m2 đất nông nghiệp gia đình anh Tuấn thực hiện trồng gối đầu liên tục atiso thì mỗi năm cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng sau khi đã trừ các loại chi phí. Ngoài ra, anh còn chiết cây con từ thân cây mẹ để bán cho các nhà vườn khác với giá 8 ngàn đồng/cây.

5. 9X khởi nghiệp với nghề trồng cam Canh, thu nhập 600 triệu/năm

Bỏ dở Đại học Chu Văn An, chuyên ngành kiến trúc về trồng hơn 1.000 gốc cam Canh trên 2ha đất dốc, mỗi năm anh đem đến thu nhập gần 600 triệu đồng.

Anh Đỗ Văn Long sinh năm 1994, tiểu khu Pa Khen (thị trấn nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) bỏ dở Đại học Chu Văn An, chuyên ngành kiến trúc về trồng hơn 1.000 gốc cam Canh trên 2ha đất dốc, mỗi năm anh đút túi gần 600 triệu đồng.

Sau khi bỏ dở việc học đại học về quê trồng cam Canh phát triển kinh tế, nhiều bạn bè, thầy cô, gia đình can ngăn, nhưng anh Đỗ Văn Long vẫn quả quyết từ bỏ 4 năm ăn học ở dưới tỉnh Hưng Yên, dù chỉ còn 1 năm nữa là anh cầm tấm bằng đại học ra trường…

Nhờ sự kiên trì, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, anh Long đã thành công trong phát triển kinh tế.

Thấy con giữ vững lập trường về quê làm kinh tế, bố mẹ anh Long cũng đành chiều theo nguyện vọng của con. Khi mới bắt tay vào công việc cam trên đất dốc, anh gặp rất nhiều khó khăn trong khâu chăm bón, kỹ thuật cắt tỉa cây trồng, bởi anh chưa có kinh nghiệm và trải qua trường lớp đào tạo nào về nông nghiệp.

Trao đổi với PV Dân Việt, anh Long tậm sự: “Thời gian bắt đầu trồng cam Canh, tôi gặp muôn vàn khó khăn vì thiếu kinh nghiệm, nhưng rất may lúc đó bố mẹ luôn ở cạnh động viên và hỗ trợ. Sau đó, tôi xuống nhà vườn lớn ở tỉnh Hòa Bình thuê riêng 1 kỹ thuật viên về nhà để dạy và học hỏi kinh nghiệm trồng cam. Hơn 1 năm sau, tôi đã nắm vững được mọi kỹ thuật trồng cam, tưới bón, cắt tỉa… rồi áp dụng vào vườn cam Canh 2ha của mình….”.

Nhờ sự đầu tư vốn mời kỹ thuật viên về dạy tại vườn, đến nay anh Long đã có vườn cam Canh phát triển xanh mướt và sai trĩu quả. Khi nhìn lại chặng đường đã qua, anh nhận thấy sự quyết định của mình rất đúng đắn. Vì thế mà anh đã có thành công như ngày hôm nay.

Để vườn cam Canh phát triển tươi tốt, sai quả, ít bị sâu bệnh, hàng ngày anh Long đều lên vườn tưới nước, bón phân, làm cỏ đều đặn tránh làm cây thiếu chất dinh dưỡng. Về phân bón cho cây trồng anh dùng phân chuồng và phân NPK… Ngoài ra, anh Long còn xây bể với dung tích 50m3 ủ đậu tương, ủ ngô trộn với phân lân làm phân bón tưới cho vườn cây. Anh hầu như không sử dụng các loại chất kích và chất bảo quản hóa học trong trồng cam Canh.

Với đức tính cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, hiện anh Long có 1.000 gốc cam Canh cho sai quả bán trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Cuộc sống kinh tế của gia đình anh ngày dư giả và có của ăn của để. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Long còn tạo công ăn việc làm cho 3 người dân tộc thiểu số ở địa phương, mỗi tháng 3 triệu đồng/người.

Anh Đỗ Văn Long cho biết: Nhờ trồng cam Canh, thu nhập của gia đình luôn tăng cao. Hiện, cam Canh tôi bán tại vườn dao động 25.000 – 27.000 nghìn đồng/1kg vào dịp giáp Tết âm lịch. Sau khi trừ chi phí chăm sóc, mỗi năm tôi lãi gần 600 triệu đồng từ 2ha cam Canh. Khi đạt được thành quả lớn như ngày hôm nay, tôi rất vui mừng và cảm ơn bố mẹ đã luôn ở bên cạnh, động viên giúp đỡ tôi vượt qua mọi khó khăn gian truân thời điểm bắt đầu làm nông nghiệp.

Cam Canh của gia đình anh Long luôn đảm bảo chất lượng, sạch, không dùng chất bảo quản… nên được rất nhiều khách hàng và thương lái ưa chuộng. Vào các dịp giáp Tết âm lịch, anh Long hầu như cháy hàng.

Theo nguồn: Khoahoc&Doisong/Khampha

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved