Họ hạnh phúc và mỉm cười khi cứu được một mạng sống, lấy sự bình an của người khác làm niềm vui cho chính mình.
Mới đây Đài truyền hình Việt Nam đã tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp đặc biệt về những vị bác sĩ, nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch từ một trường quay không khán giả.
Chương trình có rất nhiều câu chuyện cảm động về sức khỏe con người, đặc biệt là những tình huống trong phòng chống dịch bệnh SARS-CoV2 tại Việt Nam. Người xem có dịp gặp gỡ với bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương – nơi tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Thời điểm dịch bệnh đang hoành hành ngày càng phức tạp, nhiều bệnh viện dã chiến được thành lập, nhiều biện pháp bảo vệ đang được ngành y tế đưa ra để đề phòng.
Bên cạnh đó hình ảnh bác sĩ, y tá tại các bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhiệt đới đang ngày đêm chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm virus, và nghiên cứu tìm ra vaccine đặc trị COVID-19, đã lan tỏa mạnh mẽ thông điệp trách nhiệm y đức thời dịch.
Những nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ và áp lực với công việc nơi đầu tuyến được chia sẻ giúp cho những người xem có cái nhìn rõ hơn về công việc họ đang làm và những nguy hiểm có thể xảy đến với họ khi đối mặt với hiểm họa dịch bệnh.
Bỏ mặc cho những người khoác lên mình bộ blouse trắng, bán rẻ lương tâm đạo đức nghề chỉ biết lợi ích cho mình, mà vô tình quên đi sức khỏe người khác, trong bài này tôi sẽ không bàn đến những người vô đạo đức như thế.
Vì suy cho cùng không phải nghề y mới cần phải có đạo đức mà xã hội ngày nay bất kể ngành nghề nào muốn tồn tại thì những người làm việc trong ngành đó phải đặt cái tâm, đạo đức lên hàng đầu.
Đâu đó vẫn còn có những người vì lợi nhuận mà cố tình gom thuốc kháng sinh và thuốc phòng dịch, khẩu trang y tế để tạo sự khan hiếm nhằm nâng giá thu lợi bất chính, thì xã hội vẫn còn đầy những người thầy thuốc hết lòng lo cho sức khỏe người khác.
Tôi có quen một cô chuyên nghiên cứu về các loại thuốc nam để chữa bệnh miễn phí cho mọi người, mỗi bài thuốc cô đưa ra cho người bệnh là cả một quá trình nghiên cứu tỉ mỉ, có những bài thuốc tăng sức đề kháng để chống lại cảm cúm, dịch bệnh từ những cây lá quanh nhà rất hiệu nghiệm.
Trong thời gian qua khi huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) trở thành tâm dịch COVID-19 và xã Sơn Lôi bị cách ly trong 20 ngày, thì gần như các y bác sĩ khắp các bệnh viện tại Vĩnh Phúc xung phong tự nguyện lên đường hỗ trợ.
Họ trực tiếp ở trong vùng dịch, ăn, ngủ khám chữa bệnh cho người dân bất chấp những nguy hiểm đến tính mạng có thể xảy ra cho mình, tinh thần tiên phong của những vị y bác sĩ trẻ như thế thật đáng được trân trọng và nể phục.
” Họ hạnh phúc và mỉm cười khi cứu được một mạng sống, lấy sự bình an của người khác làm niềm vui cho chính mình. |
Có những y bác sĩ đang rất trẻ và họ xem việc phục vụ người bệnh, được cứu chữa bệnh là niềm vui, như chia sẻ của Bác sĩ Nguyễn Văn Khiêm mỗi khi nhận được thông tin về dịch bệnh, dù ở bất cứ đâu, anh và các đồng nghiệp đều sẵn sàng đến để điều tra dịch tễ, lấy mẫu bệnh phẩm làm các xét nghiệm, thực hiện vệ sinh môi trường, xử lý ổ dịch.
So với bác sĩ khối điều trị, bác sĩ y học dự phòng nhìn chung có phần thiệt thòi hơn vì thu nhập thấp hơn nhiều, công lao thì lại chẳng mấy ai biết tới.
“Nhiều lúc cũng sợ vì chỉ cần sơ sẩy một chút thôi là có thể bị nhiễm bệnh, mang mầm bệnh đó về cho gia đình và người thân của mình, tuy nhiên sức khỏe của cộng đồng và con người là trên hết làm cho chúng tôi có động lực và tin yêu vào nghề của mình”, anh Khiêm chia sẻ.
Danh sách các y bác sĩ tình nguyện vào vùng dịch còn dài hơn trên khắp cả nước trong những ngày này, điều đó thể hiện rõ trách nhiệm cộng đồng, thể hiện sự tin yêu của đội ngũ y bác sĩ trong thời đại mới vào nghề của mình.
Còn hơn cả một sứ mệnh khi bước vào trường y, đó là ý thức phụng sự xã hội của những con người có tâm, có đạo với nghề của mình đã lựa chọn, họ dấn thân và đem hết khả năng của mình để mang an yên hạnh phúc cho cộng đồng.
Cũng có những vị bác sĩ xông pha trong đại dịch SARS cách đây 17 năm, tự biến mình thành “vật thí nghiệm” đã vĩnh viễn ra đi khi đang cứu chữa bệnh cho người, sự hy sinh âm thầm của họ ít ai biết đến và nhanh chóng bị lãng quên.
Nhưng chắc chắn trong lịch sử ngành y nước nhà họ vẫn mãi là những vị thầy thuốc vĩ đại và tư cách đạo đức sáng ngời vì sức khỏe người khác.