Kinh tế Liên minh châu Âu sẽ thu hẹp ở mức kỷ lục 7,5% trong năm nay. Và sự sụt giảm thậm chí có thể còn đến sớm hơn với 19 quốc gia sử dụng đồng euro.
Ủy ban châu Âu đưa ra cảnh báo rằng, nền kinh tế Liên minh châu Âu sẽ thu hẹp ở mức kỷ lục 7,5% trong năm nay. Và sự sụt giảm thậm chí có thể còn đến sớm hơn với 19 quốc gia sử dụng đồng euro.
Đó là một sự suy giảm mạnh hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Những cảnh báo đưa ra còn bi quan hơn nhiều so với dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế độ ba tuần trước.
Trong đó, giá tiêu dùng dự kiến sẽ giảm đáng kể, trong khi việc chi tiêu cho các biện pháp cứu trợ COVID-19 sẽ đẩy thâm hụt của các chính phủ châu Âu từ chỉ 0,6% GDP trong năm 2019 lên khoảng 8,5% trong năm nay. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp của EU dự đoán sẽ tăng từ 6,7% trong năm 2019 lên 9% trong năm nay.
Điều đó có thể khiến cả châu Âu phải chịu một cú sốc kinh tế chưa từng có kể từ cuộc Đại suy thoái. Cả chiều sâu của sự suy thoái và khả năng của sự phục hồi.
Những “cơn đau” có thể còn tồi tệ hơn cả dự báo bởi đại dịch có thể sẽ nghiêm trọng và kéo dài hơn dự kiến nên việc gây ra sự sụt giảm GDP lớn hơn nhiều so với giả định.
Thời điểm này, các nhà hoạch định chiến lược của các chính phủ châu Âu đang cần ngồi lại với nhau để tìm ra một “chiến lược phục hồi chung mạnh mẽ và kịp thời” ở cấp độ EU để tránh “những biến dạng nghiêm trọng” trong khối thương mại khổng lồ này.
Tiêu! Nhưng tiêu thế nào và khi nào?
Các nhà lãnh đạo EU đã ký kết các biện pháp giải cứu ngay lập tức trị giá ít nhất 500 tỷ euro (538 tỷ USD) do các Bộ trưởng tài chính bàn thảo. Gói đó bao gồm các khoản trợ cấp tiền lương nhằm ngăn chặn sa thải hàng loạt, cũng như các khoản cho vay đến các doanh nghiệp.
Nhưng sự chia rẽ sâu sắc giữa các quốc gia thành viên đã ngăn cản các quan chức EU đưa ra những sự quyết định nhanh chóng về một quỹ phục hồi 1 nghìn tỷ euro (1,1 nghìn tỷ USD) mà Ủy ban châu Âu đề ra trước đây để xây dựng lại nền kinh tế khu vực bị tàn phá bởi đại dịch.
Charles Michel, chủ tịch Hội đồng các nhà lãnh đạo quốc gia Châu Âu của EU, đã kêu gọi gói này sẽ hoạt động vào ngày 1 tháng 6. Nhưng Ủy ban châu Âu đã thất bại để hoàn thiện đề xuất của mình về các biện pháp được góp quỹ. Nghĩa là ít nhất sẽ phải mất thêm một tuần nữa cho sự chậm trễ này. Các nhà lãnh đạo EU không có kế hoạch gặp lại nhau ít nhất cho đến ngày 18/6 tới.
Và còn một sự “đắn đo” về cách thức hoạt động của quỹ này. Việc cung cấp các khoản vay hoặc trợ cấp cho các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất như Ý và Tây Ban Nha và việc “chia sẻ nợ nần” giữa các quốc gia châu Âu vẫn chưa được các quốc gia thống nhất, ít nhất là Hà Lan, Áo và Đức đều không đồng ý.
Những vướng mắc giữa Đức và ECB
Tòa án cao nhất của Đức đã đưa ra một quyết định “ngược dòng” về việc ngăn Ngân hàng trung ương của nước này mua trái phiếu như là một phần của chương trình kích thích hàng đầu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trước cuộc khủng hoảng COVID-19. ECB hiện có ba tháng để giải quyết những khúc mắc này.
Mặc dù việc ngân hàng trung ương nước Đức không “hợp tác” cũng không ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch của ECB mua 750 tỷ euro (tương đương 810 tỷ USD) trái phiếu chính phủ và các tài sản khác để đối phó với đại dịch.
Tuy nhiên, nó có thể sẽ cản trở khả năng mở rộng các biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau giữa các nền kinh tế sử dụng đồng euro. Và các nhà kinh tế đang lo lắng về những tác động dài hạn. Có thể điều này sẽ gây ra những bất ổn tài chính, tạo ra một cuộc suy thoái dài hơn và sâu hơn toàn bộ khu vực đồng euro.
ECB đã trả lời tòa án hiến pháp của Đức trong một tuyên bố ngắn và lưu ý rằng Tòa án châu Âu đã xác nhận rằng các nỗ lực kích thích của họ là hợp pháp. ECB cho rằng việc mua trái phiếu ở giữa đại dịch sẽ không gây ra sự bất ổn nào cho thị trường chung này.
Các nhà phân tích cho rằng, rất có thể ECB sẽ không thành những chiếc phao cứu sinh cho các nước khu vực đồng Euro vào thời điểm này. Mà việc quan trọng của các nước này phải đẩy mạnh những biện pháp trực tiếp để “tự cứu mình” trong cơn đại suy thoái chưa từng thấy.
Nước Anh “bơ vơ” trong đại dịch!
Trong một diễn biến liên quan, theo một dự báo từ Ngân hàng Anh, nền kinh tế nước này đang hướng tới sự sụp đổ tồi tệ nhất trong hơn 300 năm qua vì đại dịch COVID-19.
Ngân hàng trung ương cho biết, nền kinh tế Anh có thể thu hẹp 14% trong năm nay. Đó sẽ là sự suy thoái lớn nhất kể từ năm 1706, dựa trên ước tính dữ liệu lịch sử lưu trữ của chính ngân hàng này.
Dự kiến GDP của Anh sụt giảm 25% trong quý II, giảm đến 30% so với cuối năm 2019. Thất nghiệp dự kiến sẽ tăng lên 9%. Ngân hàng trung ương nước này hy vọng sẽ có sự phục hồi kinh tế nhanh chóng vào năm 2021. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo rằng nhiều khả năng đã đánh giá thấp quy mô của sự sụp đổ kinh tế do đại dịch này.
Ngân hàng Anh đã thực hiện một số bước để chống lại cú sốc kinh tế bằng cách giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục trong tháng 3 và đưa ra chương trình mua trái phiếu trị giá 200 tỷ bảng Anh (tương đương 248 tỷ USD).
Chính phủ Anh cũng đã đưa ra một gói giải cứu bao gồm giảm thuế cho các doanh nghiệp với tổng trị giá 30 tỷ bảng Anh (37 tỷ USD) và các khoản vay không lãi suất trong tối đa 12 tháng. Chính phủ cũng đang trả lương cho hơn 6 triệu công nhân trong thời gian ban đầu là ba tháng.
Nhiều hành động có khả năng sẽ được thực hiện trong những tháng tới, ít nhất ngân hàng nước này có thể sẽ bơm thêm 100 tỷ bảng Anh (124 tỷ USD) vào chương trình kích thích kinh tế. Tuy nhiên, sau thời điểm Brexit, nước Anh đang phải một mình trên chiếc thuyền “lênh đênh” trong cơn bão tố.