Trong sự nghiệp hoạt động Cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề nhà ở cho dân sinh, kiến thiết xây dựng đất nước luôn được Bác quan tâm và chăm lo đặc biệt.
I. Cách đây 72 năm, theo chỉ đạo của Bác, Hội nghị thành lập Đoàn Kiến trúc sư (tiền thân của Hội Kiến trúc sư Việt Nam hôm nay) đã được tiến hành tại chiến khu Việt Bắc ngày 27/4/1948, hôm đó Người đã có Thư chúc mừng và căn dặn Hội nghị. Thư Bác viết “Trong 4 điều quan trọng cho dân sinh: ở và đi là hai vấn đề cũng cần thiết như ăn và mặc. Vì vậy, việc kiến trúc là một việc rất quan hệ. Chúng ta phải tùy hoàn cảnh mà xây dựng ngay trong khi kháng chiến và sau khi kháng chiến thành công. Tôi mong Hội nghị sẽ đi tới những kế hoạch thiết thực với tình thế hiện tại, và những chương trình kiến thiết hợp với tương lai, kế hoạch và chương trình đúng tinh thần đời sống mới. Tôi lại mong Hội nghị chú trọng đặc biệt tới vấn đề nhà ở tại thôn quê, tìm ra những kiểu nhà giản dị và cao ráo, sáng sủa và rẻ tiền”. (Trích Thư Bác Hồ gửi Hội nghị thành lập Đoàn KTS, ngày 27/4/1948).
Sau ngày Thủ đô được giải phóng (10/10/1954), công tác quy hoạch xây dựng Hà Nội được Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Khi xem xét đồ án quy hoạch xây dựng mở rộng Hà Nội, Bác Hồ đã căn dặn: “Trong thiết kế phải đồng bộ đường sá, hệ thống thoát nước, lưới điện… tránh cản trở sự đi lại của nhân dân. Phải có quy hoạch trước, tránh làm rồi lại phá đi”. Bác cũng nhắc “công tác quy hoạch phải hợp lý, bảo đảm được cả về kinh tế, mỹ quan và quốc phòng, phải có kế hoạch vận động quần chúng tham gia, có Ban Phụ trách để chịu trách nhiệm, tránh lỗi lầm, lãng phí”, hay “quy hoạch thành phố phải có nhiều cây xanh, đường phải thẳng, có đường trung tâm buôn bán, hệ thống cống ngầm phải đảm bảo vệ sinh, hệ thống đường xe điện, xe lửa phải bố trí sao cho phù hợp”.
Và bức ảnh chụp Bác tại Hội nghị Quy hoạch xây dựng mở rộng Hà Nội ngày 16/11/1959 đã trở thành tư liệu vô giá của ngành quy hoạch xây dựng Thủ đô và của cả nước. Vài năm sau, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược diễn ra khốc liệt nhất, Bác đã ra lời kêu gọi đồng bào, đồng chí cả nước với niềm tin tuyệt đội vào thắng lợi “…Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!” (Trích Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 17/7/1966).
Nhiều năm đã đi qua, cứ mỗi lần kỷ niệm ngày sinh của Bác, đọc lại lời căn dặn của Bác Hồ, tôi lại tìm thấy ở trong từng câu từ rất giản dị của Người những bài học lớn về một tầm nhìn chiến lược, một tư tưởng lớn và khoa học về quy hoạch-kiến trúc, một tấm lòng bác ái, nhân văn luôn nghĩ về đồng bào, về đất nước của vị Lãnh tụ. Và đặc biệt, những điều Bác căn dặn ngày nào đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, là những lời nhắc nhở, là kim chỉ nam trong hành động không chỉ cho giới KTS mà cho cả những người làm công tác quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị và quản trị đất nước.
II. Công cuộc đổi mới mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng dưới sự lãnh đạo của Đảng và quá trình đô thị hóa nhanh đã làm cho diện mạo đất nước không ngừng thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại và bản sắc. Hà Nội đã trở thành một siêu đại đô thị, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn nhất của cả nước.
Qua hơn 30 năm Đổi mới, nhất là sau khi sáp nhập hành chính và mở rộng địa giới theo Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII (năm 2008), và khi Đồ án Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (2011) thì sự nghiệp quy hoạch kiến trúc đô thị của Hà Nội được đẩy mạnh, nâng lên một tầm vóc mới để phù hợp với sự phát triển của Thủ đô. Kiến trúc đô thị Hà Nội thay đổi từng ngày.
Một Hà Nội mới văn hiến-văn minh- hiện đại và bản sắc đang dần rõ nét với hàng trăm ngàn công trình kiến trúc hiện đại, cao tầng phục vụ kinh tế, văn hóa-giáo dục, thương mại, phát triển du lịch… được xây dựng. Nhiều Khu đô thị mới có kiến trúc xanh và đầy đủ tiện nghi đáp ứng nhu cầu bức thiết về nhà ở, về môi trường sống của người dân được đưa vào sử dụng. Một hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại được cải tạo và xây dựng.
Những cây cầu mới bắc qua sông Hồng, những tuyến đường vành đai 2, vành đai 3, vành đai 4… cùng các cầu vượt, hầm đường bộ, đường trên cao đã và đang được xây dựng, mở rộng với nhiều làn xe, dải cây xanh, thảm hoa phân cách… kết nối khu vực đô thị trung tâm lịch sử với các đô thị mới và làng quê nông thôn mới đang đô thị hóa, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế và các dự án bất động sản, đi lại của nhân dân được cải thiện, giảm ùn tắc giao thông và áp lực gia tăng dân số.
Nhiều công viên, không gian công cộng, hồ nước trong thành phố được quan tâm cải tạo chỉnh trang. Những tuyến phố đi bộ khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm và vài nơi khác trong Thành phố được đưa vào hoạt động, với nhiều sinh hoạt văn hóa cộng đồng… tạo nên một hình ảnh Hà Nội yên bình, thân thiện và hiếu khách.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã đạt được thì công tác quy hoạch kiến trúc và quản lý đô thị của Thành phố này vẫn còn nhiều bất cập. Chúng ta xây dựng nhiều nhưng ít công trình kiến trúc đẹp mang tầm thời đại. Đường phố mở rộng, hiện đại nhưng nhiều đoạn, nhiều tuyến phố lại không đàng hoàng, khang trang bởi công tác giải phóng mặt bằng kéo dài, vỉa hè bị lấn chiếm, những công trình xây dựng lộn xộn sai phép và không phép.
Một số dự án trọng điểm như tuyến đường vành đai, tuyến đường Metro bị chậm tiến độ mà điển hình là tuyến Cát Linh-Hà Đông gây bức xúc xã hội và cản trở sự phát triển. Nhiều dòng sông trong thành phố chưa được hồi sinh như sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu luôn trong tình trạng sặc mùi ô huế bởi ô nhiểm nước thải công nghiệp và nước bẩn sinh hoạt do người dân thải ra, còn nhiều dự án triển khai xây dựng không đúng quy hoạch đã được duyệt bởi “sự điều chỉnh”… tùy tiện (?!)
III. Khi tôi khép lại bài viết này thì Hà Nội đã kết thúc những ngày cách ly xã hội bởi đại dịch COVID-19. Nhịp sống sôi động của hơn 7 triệu dân Thành phố này đang rất nhanh chóng trở lại bình thường (cho dù vẫn luôn phải đề phòng dịch bệnh bùng phát trở lại). Trên các công trường xây dựng đường vành đai trên cao, hay các tuyến Metro, những người công nhân đang khẩn trương chạy đua với tiến độ để hoàn thành kế hoạch. Tại những nút giao trên vài tuyến đường như Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Cầu Giấy… cảnh ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm vẫn diễn ra… trông cứ như những bãi đỗ ô tô, xe máy khổng lồ.
Còn ở tầm vĩ mô, bên cạnh những kế hoạch tăng trưởng kinh tế lớn lao, thì Chính quyền Thành phố cũng đang chuẩn bị tổ chức triển khai lập Dự án Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045. Với hy vọng đây là một “Quy hoạch đổi mới”, có sự tích hợp đa ngành, tư duy khoa học biện chứng, khách quan, phù hợp với thực tế nguồn lực của Hà Nội, của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế…, khắc phục được những bất cập mang tính “lãng mạn” của Đồ án Quy hoạch chung 2011.
Để sao cho đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Nước (2/9/1945-2/9/2045), Thủ đô Hà Nội sẽ có một diện mạo mới. Một Thăng Long- Hà Nội hiện đại, giàu bản sắc của thời kỷ nguyên số, với đô thị thông minh, quản trị thông minh, cộng đồng thông minh, có môi trường sống xanh an toàn, trong lành và phát triển bền vững.
KTS Phạm Thanh Tùng