Chuyển tới nội dung

Nhìn lại giới công nghệ Việt 1 năm qua

Năm 2023, công nghệ Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, với nhiều dấu ấn nổi bật.

Trong đó nổi bật nhất là sự phát triển của lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) cùng công nghệ thông tin và truyền thông.

Tăng trưởng

Lĩnh vực công nghệ của Việt Nam năm vừa qua có sự tăng trưởng đáng kể. Các sản phẩm đa phần đều đã bắt đầu được thương mại hóa, ứng dụng trong thực tế ở thị trường trong và ngoài nước.

Hiện số lượng doanh nghiệp công nghệ số ở Việt Nam có khoảng 75.000, 1,3 triệu nhân lực. Cùng với đó, nhiều lĩnh vực mới liên tiếp được mở ra như Social, Mobility, AI, Cloud, v.v..

Việc định hướng, tạo điều kiện đầu tư của Chính phủ gần đây cũng khiến các tập đoàn công nghệ lớn, hàng đầu thế giới như Google, Microsoft hay Amazon đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp đang đầu tư nghiên cứu và phát triển những công nghệ mới như: Chip bán dẫn, Generative AI hay Blockchain. Các doanh nghiệp trong nhóm này đang hiện diện tại trên 20 quốc gia, có hàng chục ngàn nhân sự, đang chuyển đổi số cho những doanh nghiệp trong danh sách Fortune 500, những tập đoàn hàng đầu thế giới như: Airbus, Boeing, Unilever, Hitachi, v.v. và là đối tác của các hãng công nghệ lớn như Google, Microsoft, IBM, Amazon.

Đơn cử như Base, doanh nghiệp này đã phát triển thành công hệ thống nhận diện khuôn mặt AI có độ chính xác cao, được sử dụng trong các ứng dụng như an ninh, tài chính, và bán lẻ.

Hay như VinAI, doanh nghiệp này đã phát triển thành công nhiều sản phẩm ứng dụng AI trong thực tế như hệ thống dịch tự động AI có độ chính xác cao, được sử dụng trong các ứng dụng như dịch vụ khách hàng và giáo dục; PhởGPT, một sản phẩm tương tự như ChatGPT; Smart Mobility, một dòng sản phẩm dành cho ô tô thông minh, bao gồm Hệ thống Giám sát Người lái và Hành khách và Hệ thống Quan sát Toàn cảnh 360 độ; Smart Edge, một giải pháp phân tích dữ liệu hình ảnh bằng trí tuệ nhân tạo, có khả năng tự động phát hiện các tình huống bất thường qua camera, góp phần nâng cao chất lượng an ninh tại các đô thị thông minh.

Tuy vẫn ở trong giai đoạn kinh tế biến động, nhưng các doanh nghiệp công nghệ số vẫn có được mức tăng trưởng ấn tượng. Ở thị trường dịch vụ xuất khẩu có MOR Software, Savvycom trưởng gấp 2 lần, CMC Global tăng trưởng 70%. Thị trường trong nước ghi nhận những con số tăng trưởng lớn như: One Mount tăng 80%, Viettel Cyber Security, ITSOL 90%.

Hay như FPT Software đã trở thành một trong những công ty phần mềm lớn nhất Đông Nam Á, với hơn 25.000 nhân viên và hoạt động tại hơn 20 quốc gia với doanh thu hơn 1,1 tỷ USD 2023. Còn Viettel Global đã thành công trong việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin cho thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường khu vực châu Á và châu Phi.

Tiềm năng

Lĩnh vực công nghệ năm vừa qua tăng trưởng mạnh, và vẫn còn rất nhiều tiềm năng và cơ hội cho các doanh nghiệp và lực lượng lao động.

Về doanh thu, lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử trong 10 tháng đầu năm 2023 ước đạt gần 2,55 triệu tỷ đồng (khoảng 106 tỷ USD) tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu “Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện” và “Điện thoại và linh kiện các loại” giữ vững 2 nhóm hàng đứng hàng đầu trong 12 nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao của cả nước mặc dù sản lượng xuất khẩu bị sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 11 vừa qua, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện lại bật tăng tới 40% (đạt 7,9 tỷ USD).

Việt Nam đã trở thành một trung tâm xuất khẩu phần mềm lớn của khu vực, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin trong 10 tháng đầu năm 2023 ước đạt trên 2,7 triệu tỷ đồng (khoảng 113,8 tỷ USD), tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022. Các doanh nghiệp phần mềm của Việt Nam đang ngày càng có khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp phần mềm của các nước phát triển.

Điều này chứng tỏ lĩnh vực công nghệ ngày càng thu hút nhiều đầu tư cũng như ngày càng hoàn thiện chuỗi cung ứng của mình, hòa vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việt Nam cũng đang thúc đẩy hệ sinh thái các đơn vị hỗ trợ cho các nhà sản xuất chip góp phần giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có nhiều hoạt động sản xuất chip trong khu vực. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam có khả năng tham gia vào ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất chip với lực lượng hiện tại khoảng 50 doanh nghiệp trong nước và hơn 5.000 kỹ sư Việt Nam tham gia thiết kế chip. Qua đó, việc xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp hỗ trợ và đội ngũ kỹ sư thiết kế chip, kỹ sư điện tử sẽ giúp Việt Nam từng bước nâng cấp và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị vi mạch toàn cầu.

Theo báo cáo VietNam tech talents report, mặc dù lực lượng nhân lực công nghệ cao của Việt Nam nhiều nhưng vẫn thiếu, dự đoán từ năm 2023 – 2025, Việt Nam vẫn sẽ thiếu hụt từ 150.000 đến 200.000 lập trình viên/kỹ sư hàng năm. Điều này mở ra cơ hội cho các bạn trẻ lựa chọn nghề nghiệp tiềm năng trong tương lai.

Tin rằng với niềm đam mê, sự đầu tư bài bản, của các doanh nghiệp trong nghiên cứu và phát triển tạo ra những sản phẩm công nghệ mới, xuất sắc do người Việt Nam làm chủ; các chiến lược tiếp cận và phát triển thị trường theo cách mới mẻ và đặc biệt là những nỗ lực không ngừng trong nâng cao năng lực, phát triển kinh doanh vươn ra quốc tế, lĩnh vực công nghệ sẽ tạo ra động lực mới để phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Theo DĐDN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved