Chuyển tới nội dung

Nhiều trường tăng học phí, Bộ Giáo dục và Đào tạo có để “trên bảo dưới không nghe”?

Việc công bố tăng học phí của nhiều cơ sở giáo dục đào tạo đã khiến dư luận xã hội không khỏi bức xúc khi mà chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo bị “phớt lờ”.

Trên bảo dưới không nghe

Trong khi câu chuyện giá sách giáo khoa chưa lắng xuống thì vấn đề tăng học phí của các địa phương và các cơ sở giáo dục đào tạo từ Nam ra Bắc lại được dấy lên trong bối cảnh mọi cái đều tăng, ngoại trừ thu nhập của người lao động.

e4f3d5fcf1e60151806fce3c36c7f963

Nhiều trường đại học sẽ tăng học phí trong năm học tới

Báo cáo tại cuộc họp về công tác điều hành giá các mặt hàng quan trọng, thiếu yếu do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái – Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá chủ trì vào chiều 13/6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ nhất trí với giải pháp của Bộ Tài chính, tiếp tục giữ nguyên, tiếp tục giữ nguyên, không tăng học phí năm học 2022-2023 trong bối cảnh nhiều mặt hàng tăng giá.

Tuy nhiên, vừa qua theo thông báo của Trường Đại học Luật Hà Nội, từ năm học 2022-2023, mức học phí với sinh viên hệ chính quy khóa mới nhất là là 572.000 đồng/tín chỉ cho hệ đại trà và 1,605 triệu đồng/tín chỉ cho hệ chất lượng cao.

Năm học trước, mức thu đối với hệ đại trà là 280.000 đồng/tín chỉ và 990.000 đồng/tín chỉ với hệ chất lượng cao. Như vậy, học phí của Trường Đại học Luật Hà Nội đã tăng gấp đôi với hệ đại trà, trong khi học phí của hệ chất lượng cao tăng 62%.

Trong khi đó, theo đề án tuyển sinh của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội thì mức học phí dự kiến áp dụng cho khóa tuyển sinh năm 2022 như sau: năm học 2022-2023 là 4,2 triệu đồng/tháng (tương đương 42 triệu đồng/năm), năm học 2023-2024 là 4,4 triệu đồng/tháng (tương đương 44 triệu đồng/năm), năm học 2024-2025 là 4,6 triệu đồng/ tháng tương đương 46 triệu đồng/năm.

Trong khi đó, mức học phí áp dụng cho khóa tuyển sinh năm 2021 là 3,5 triệu đồng/tháng, tương đương 35 triệu đồng/năm. Như vậy, sinh viên năm 2022 sẽ phải đóng học phí năm đầu cao hơn 7 triệu đồng so với sinh viên khóa trước và mỗi năng học phí tăng lên 2 triệu đồng so với năm trước đó.

Như vậy, tuyên bố của cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo về giữ nguyên mức học phí trong năm 2022-2023 hầu như không có “tác dụng” với các cơ sở đào tạo, và tình trạng “trên bảo dưới không nghe” đã diễn ra.

Vẫn còn sơ hở về mặt pháp lý cần phải xem xét

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, đại biểu Phạm Văn Hoà – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện nay cử tri rất phàn nàn về vấn đề giá sách giáo khoa, tăng học phí như hiện nay. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên lắng nghe ý kiến của cử tri và xem xét chu đáo, cụ thể, thận trọng về quan điểm, suy nghĩ của mình có nên tăng học phí và giá sách giáo khoa hay không.

“Tôi nghĩ là không nên, vì hiện nay sau đại dịch Covid-19, đời sống của người dân còn đang rất khó khăn trên tất cả các lĩnh vực. Chính phủ nên có các chính sách trợ cấp, bù giá cho học sinh, sinh viên” – đại biểu Phạm Văn Hoà nói.

Cho rằng cần làm rõ lý do tại sao tăng học phí, đại biểu đoàn Đồng Tháp chia sẻ, việc tăng học phí cần dựa trên cơ sở nào phù hợp, đảm bảo khách quan, chứ không phải vì lợi nhuận riêng tư, lợi nhuận cục bộ của nhà trường. Việc tăng học phí sẽ ảnh hưởng đến việc học và thu nhập của người dân.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có ý kiến giám sát chặt chẽ trong lĩnh vực này, mới đảm bảo cho sự hài hòa. “Nếu các trường lấy lý do tăng học phí lý là vì vấn đề đảm bảo tự chủ và do các khoản chi tiêu khác cao hơn mọi khi… cũng cần xem xét lại vấn đề cho hợp lý” – ông Phạm Văn Hoà nêu.

Với câu hỏi, trong trường hợp các trường không tuân thủ chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì Bộ cần phải có biện pháp mạnh hơn hay phải chịu trách nhiệm trước dân về lời cam kết của mình mà không thực hiện, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có ý kiến về điều này, thì Bộ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về ý kiến của mình; đồng thời, đặt vấn đề với người đứng đầu của cơ quan, đơn vị, nhà trường đó là cần thiết phải thay đổi. Bởi không phải đồng loạt các trường tăng học phí, mà chỉ có một số trường tăng học phí.

“Tại sao lại “trên bảo dưới không nghe”? Chuyện này cho thấy, chúng ta vẫn còn sơ hở về mặt pháp lý, cần phải xem xét, nghiên cứu lại, làm sao cho có sự hài hòa, vừa phải đảm bảo kinh phí hoạt động cho các trường nếu tự chủ, vừa phải quan tâm đến thu nhập, điều kiện của từng sinh viên có khả năng hay không trong thời điểm này. Tại sao lại tăng học phí của năm 2022, mà không phải bắt đầu từ 2023, 2024 trở về sau” – đại biểu băn khoăn.

Hiện cuộc sống của người dân trong năm 2022 vẫn còn khó khăn, vì vậy các nhà trường cũng nên “thắt lưng buộc bụng”, hạn chế một phần kinh phí nào đó, đặc biệt là chi thường xuyên để cắt giảm chi tiêu, để ưu tiên hơn cho vấn đề học phí. “Tôi nghĩ điều đó sẽ rất nhân văn và rất cần xem xét lại” – đại biểu đoàn Đồng Tháp chia sẻ.

Quỳnh Nga – Thu Hường

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved