Điểm đáng chú ý nhất trong tuyển sinh năm 2022 là nhiều trường đại học mở rộng phương thức tuyển sinh, tổ chức kỳ thi riêng để đánh giá tư duy, năng lực của học sinh.
Hiện các trường đại học đang xây dựng đề án tuyển sinh năm 2022, dự kiến mở rộng các kỳ thi riêng, giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Nhiều đơn vị đã thông báo tổ chức thi đánh giá năng lực năm 2022 như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân. Các trường đã tổ chức thi riêng ở những năm trước là: Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM), Đại học Sư phạm TP.HCM…
Theo PGS Nguyễn Thị Hòa – Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo Đại học Giao thông Vận tải cho hay, nhà trường sẽ duy trì bốn phương thức tuyển sinh như năm ngoái gồm: Sử dụng kết quả thi tốt nghiệp (40-50%), kết quả học bạ THPT (20-30%), tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế (1-2%), xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp (5-10%). Ngoài ra năm nay, trường còn sử dụng thêm kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì tổ chức để tuyển 20-30% tổng chỉ tiêu. So với năm ngoái, tỉ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT giảm khoảng 30%.
Theo báo Tiền phong, nhằm đa dạng nguồn tuyển và cơ hội cho thí sinh, nhiều trường thông báo sẽ bổ sung thêm phương thức xét tuyển. Cụ thể, năm 2022 trường ĐH Thủy lợi dự kiến sẽ áp dụng thêm phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy. Theo đó, trường sẽ tuyển sinh dựa theo 4 phương thức là xét tuyển thẳng, xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy, xét kết quả học tập 3 năm THPT và xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm hơn 50% chỉ tiêu tuyển sinh của trường.
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, ngoài 3 phương thức tuyển sinh gồm xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển kết hợp, trường có thêm phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức.
Nhiều trường ĐH phía Nam cũng công bố phương án tuyển sinh 2022. Việc sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, ngoài việc giúp thí sinh được miễn thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ, còn có thể dùng để quy đổi sang điểm ngoại ngữ trong tuyển sinh ĐH, CĐ trong một vài mùa tuyển sinh trở lại đây.
Tuy vậy, phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn được lựa chọn và coi là chủ đạo trong mùa tuyển sinh 2022 bởi chỉ tiêu dành cho phương thức này ở nhiều trường vẫn chiếm tỷ lệ từ 50-70%.
Theo Zing.vn, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM dự kiến sử dụng 4 phương thức xét tuyển cho 6.550 chỉ tiêu. Theo đó, các phương thức tuyển sinh của trường là xét học bạ THPT; xét điểm thi tốt nghiệp THPT; xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM; xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng.
Nhà trường quy định các đối tượng ưu tiên xét tuyển thẳng là thí sinh giải 1, 2, 3 cấp tỉnh, giải khuyến khích học sinh giỏi cấp quốc gia hoặc giải 4 cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia; học sinh giỏi trường chuyên; hoặc thí sinh xét điểm IELTS, điểm SAT quốc tế; thí sinh ở các trường THPT liên kết do hiệu trưởng giới thiệu.
ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) sẽ tuyển sinh theo 6 phương thức là xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển học sinh giỏi của các trường THPT; xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, tuyển thẳng thí sinh giỏi nhất trường THPT năm 2022; xét kết quả đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức; xét thí sinh có chứng chỉ tú tài quốc tế, thí sinh tốt nghiệp THPT và có chứng chỉ tuyển sinh quốc tế, thí sinh là người nước ngoài hoặc người Việt Nam đã tốt nghiệp chương trình THPT ở nước ngoài, hoặc THPT do nước ngoài cấp bằng tại Việt Nam.
Ngoài ra, nhà trường cũng có phương thức tuyển sinh cho các thí sinh đăng ký chương trình học liên kết. Ở phương thức này, ĐH Quốc tế TP.HCM sẽ xét tổng điểm trung bình của 3 môn trong 3 năm học THPT theo khối đăng ký xét tuyển của thí sinh. Thời gian xét tuyển dự kiến là 2 đợt/năm. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của ĐH Quốc tế TP.HCM năm 2022 là 3.260 sinh viên, trong đó các ngành do nhà trường cấp bằng chiếm 2.120 chỉ tiêu.
ĐH Hoa Sen công bố đề án tuyển sinh với 3.600 chỉ tiêu cho 34 ngành đào tạo. 4 phương thức xét tuyển của trường là xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT; xét kết quả học tập 3 năm THPT; xét tuyển trên các điều kiện riêng theo yêu cầu của ngành và xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức.
Phương thức chiếm chỉ tiêu lớn nhất của trường là xét tuyển học bạ 3 năm THPT với 1.500 sinh viên. Phương thức này bao gồm các hình thức là xét kết quả học tập 3 năm THPT (không tính học kỳ 2 của lớp 12); xét kết quả học tập 3 năm THPT; xét kết quả học tập THPT theo tổ hợp 3 môn. Nhà trường cũng quy định, thí sinh đăng ký xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức phải đạt từ 600 điểm trở lên ở tất cả ngành.
Phương Anh