Sẵn sàng cho một cuộc khủng hoảng chưa từng có, với hy vọng cuộc khủng hoảng đó sẽ không diễn ra, là điều không thừa…
Phòng chống dịch bệnh COVID-19 và chống virus trì trệ trong nền kinh tế vẫn đang được Chính phủ, doanh nghiệp và người dân chung tay kiểm soát.
Tuy nhiên, sẵn sàng cho một cuộc khủng hoảng chưa từng có, với hy vọng cuộc khủng hoảng đó sẽ không diễn ra, là điều không thừa…
Doanh nghiệp cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất
Với bất kỳ nền kinh tế nào trên thế giới, thông thường khủng hoảng, xuất phát từ một trong hai nguồn: 1, từ nguồn cung giảm đột biến từ thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh (supply shock); 2, từ nguồn cầu, từ khủng hoảng tài chính, bong bóng bất động sản bị vỡ, hàng loạt doanh nghiệp, ngân hàng phá sản như trong cuộc khủng hoảng cách đây 12 năm tại Mỹ (demand shock).
Cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ là từ bóng bóng bất động sản bị vỡ sau một thời gian dài quá thoải mái với chính sách tín dụng bơm vào thị trường bất động sản. Đây là cú sốc cầu và có nguồn gốc tài chính.
Chính phủ Mỹ đã nhanh chóng nắm bắt được nguồn gốc khủng hoảng để đưa ra các giải pháp tài chính, đúng thuốc, đúng bệnh để khắc phục và phục hồi. Vậy mà nước Mỹ cũng phải cần đến gần bẩy năm mới thực sự hoàn hồn.
Khủng hoảng lần này đang dần lộ diện với nhiều nền kinh tế và cả thế giới, là sốc từ nguồn cung, do dịch bệnh xảy ra bất ngờ khiến nguồn cung suy sụp, nặng và bất ngờ.
Trung Quốc, “nhà máy sản xuất của thế giới” phải đóng cửa 40% thành phố sản xuất trọng điểm. Với sự hội nhập, kết nối chằng chịt của chuỗi cung ứng, sự cố này đã ảnh hưởng lan tỏa đến hệ sản xuất toàn cầu vì hầu như kinh tế nào cũng lệ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập từ Trung Quốc.
Trên lý thuyết và cả thực tế, bất cứ nền kinh tế nào cũng dựa trên 3 sự dịch chuyển (mobilities): Sự đi lại của con người, sự dịch chuyển hàng hóa mua bán qua lại và sự dịch chuyển của dòng tiền dựa trên hoạt động của con người và hàng hóa.
Khi dịch chuyển con người và hàng hóa chậm lại, đình trệ, ảnh hưởng dòng tiền tài chính cho sự dịch chuyển của các nền kinh tế cũng đình trệ. Sốc nguồn cung của hiện nay đã bắt đầu và đang dẫn đến sốc nguồn cầu do thiếu hàng hóa giao thương lẫn thiếu người mua bán.
Cú sốc tài chính càng phát lộ rõ khi phố Wall đã phải đóng cửa trong tuần vừa qua thị trường chứng khoáng bất ngờ bốc hơi 7%. Khả năng rơi tự do của thị trường tài chính toàn cầu sẽ còn tiếp tục diễn ra.
Theo đó, cả thế giới bị rơi vào vòng xoáy của cả 3 yếu tố dịch chuyển đang ngưng trệ, sẽ khiến chúng ta đứng trước một tình huống khủng hoảng đa dạng có lẽ chưa từng có – cuộc khủng hoảng cả cầu, cung, tài chính và tâm lý hoảng sợ.
Thế giới đang còn phải mày mò định bệnh để cho đúng thuốc.
Cần có phương án sẵn cho các chính sách hỗ trợ ưu tiên
Tình huống này sẽ còn kéo dài và chưa có hồi kết.
Do, thứ nhất, dịch ở Trung Quốc được cho đã đến đỉnh và đi xuống, nhưng bên ngoài Trung Quốc dịch đang lan rộng và đặc biệt tập trung ở khu vực châu Âu.
Thứ hai, nếu dịch cứ di chuyển từ nước này sang nước khác thì cả thế giới vẫn sẽ trong vòng lây nhiễm. Theo đó tâm lý và kinh tế tiếp tục sẽ khủng hoảng.
Ngay trong hôm nay Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố đóng cửa với các chuyến bay từ châu Âu sang Mỹ, CDC tuyên bố đây là dịch tệ hại hơn bao giờ hết. Nước
Mỹ cũng đã đóng cửa nhiều trường học, bắt từ Harvard vào hôm qua, và nhiều thành phố có thể bước vào phong tỏa…
Trước đó, nước Ý cũng đã tuyên bố phong tỏa toàn quốc…cho thấy khủng hoảng tâm lý và kinh tế đang lan rộng.
Nắm bắt và dự phòng tình huống cho cuộc khủng hoảng chưa từng có có thể xảy ra, doanh nghiệp cần tập trung mọi nguồn đang có thậm chí chưa có để có kịch bản ứng phó.
Doanh nghiệp cần phải nắm rõ với tình trạng, thể trạng của mình và chính sách hỗ trợ ưu tiên của Chính phủ (bước đầu đã ban hành), có thể mong chờ hỗ trợ được gì hay không.
Một mặt khác, chúng ta thường quên Chính phủ cũng là một “doanh nghiệp” – xét ở góc độ tài chính – phải có thu, có chi.
Trong dịch bệnh, Chính phủ cũng như doanh nghiệp sẽ phải chi nhiều hơn thu, nguồn lực do đó càng có hạn. Vì vậy mà Nhà nước, doanh nghiệp, người dân khi đều trên cùng một con thuyền, phải chung tay để bàn chuyện ứng phó.
Với Chính phủ khi hỗ trợ doanh nghiệp, cần xác định sớm và ngay là hỗ trợ ai, hỗ trợ cái gì, phương thức như thế nào, với độ minh bạch cao. Không để doanh nghiệp mong đợi lâu.
Không để hiệu lực chính sách hỗ trợ đi vào thực tiễn quá trễ. Doanh nghiệp ngành nghề nào bị ảnh hưởng nhanh nhất đến số lượng người lao động lớn nên cần được ưu tiên hàng đầu.
Ngay cả với lĩnh vực y tế, Chính phủ nên chăng cũng cần tính toán chủ động phương án hỗ trợ và cứu chữa như châu Âu đang áp dụng, trên cơ sở “phân loại” ưu tiên đối tượng, đề phòng khi nguồn lực cho y tế có giới hạn.
Khủng hoảng dịch bệnh là khủng hoảng xã hội, lây lan đến kinh tế và cái giá phải trả luôn rất lớn, không lường hết trước được.
Đối với doanh nghiệp khủng hoảng là vấn đề quản lý dòng tiền.
Đối với Nhà nước ưu tiên là trật tự xã hội. Nhà nước, doanh nghiệp và người dân phải đoàn kết thì mới có thể cùng nhau xây dựng những giải pháp tối ưu cho một tình huống ngặt nghèo như chúng ta đang trải qua.