Saigonbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 1 sụt giảm mạnh tới 31,4% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 48,36 tỷ đồng.

 

Tín dụng tăng chậm

Hiện đã có khá nhiều ngân hàng công bố báo cáo kết quả tài chính quý 1/2020, song tất cả đều cho thấy một bức tranh khá ảm đạm về tín dụng. Theo đó, rất hiếm có ngân hàng đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận trên 5% như VietABank. Trong khi đa phần các ngân hàng đều ghi nhận tín dụng tăng chậm lại, thậm chí là tăng trưởng âm trong quý đầu năm nay.

Đơn cử như trường hợp của LienVietPostBank. Năm ngoái, tín dụng của nhà băng này tăng trưởng khá cao tới 17,89%, trong đó quý đầu năm tăng 3,83%. Thế nhưng trong quý đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã giảm xuống chỉ còn tăng khoảng 2,84%.

Hay như BacA Bank cũng vậy, dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng này chỉ tăng thêm có 462 tỷ đồng lên 73.395 tỷ đồng, tức chỉ tăng thêm có 0,6% so với cuối năm trước. Trong khi cũng thời điểm này năm trước, dư nợ cho vay của BacA Bank tăng 2,5%.

Dù sao, tín dụng của BacA Bank vẫn còn tăng trưởng dương, trong khi có những ngân hàng như Saigonbank thậm chí còn ghi nhận tín dụng tăng trưởng âm trong quý đầu năm nay. Báo cáo tài chính quý 1 của ngân hàng này cho thấy, dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng này giảm 341 tỷ đồng (giảm 2,3%) so với cuối năm trước về còn 14.216 tỷ đồng…

Theo các chuyên gia, việc tín dụng của các ngân hàng tăng chậm trong quý đầu năm cũng là điều dễ hiểu do dịch COVID-19 bùng phát đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu bị đình trệ,  dẫn tới nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp sụt giảm mạnh. Bởi vậy, mặc dù lãi suất cho vay đã được các ngân hàng giảm khá mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp, song vẫn tín dụng vẫn tăng trưởng èo uột.

“Vấn đề hiện nay không phải là giảm lãi suất cho vay, mà là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế rất yếu. Thực tế, ngân hàng đã giảm sâu lãi suất mà tín dụng cũng không tăng được”, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định và dẫn chứng đến hết quý I tín dụng mới tăng 1,3%, thấp hơn nhiều mức tăng 3,2% của cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận giảm mạnh hơn ở quý 2/2020

Tín dụng tăng trưởng èo uột đã ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu và lợi nhuận của các nhà băng do đây vẫn là mảng kinh doanh chiếm tỷ trọng lớn nhất. Đơn cử như trường hợp của LienVietPostBank, do tín dụng tăng chậm lại nên thu nhập lãi thuần quý 1 của ngân hàng này chỉ tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, bằng khoảng 1/6 mức tăng 17,2% của quý 1 năm 2019. Lợi nhuận trước thuế của nhà băng này vì thế cũng chỉ tăng 18% so với cùng kỳ năm trước lên 604 tỷ đồng. Năm ngoái lợi nhuận của LienVietPostBank tăng tới 68,1% đạt 2.039 tỷ đồng.

Trong khi đó, Saigonbank thậm chí còn ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 1 sụt giảm mạnh tới 31,4% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 48,36 tỷ đồng. Hay như lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Kienlongbank quý I/2020 giảm hơn 23 so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 45,5 tỷ đồng…

Lý giải nguyên nhân khiến lợi nhuận của các ngân hàng sụt giảm mạnh, một chuyên gia ngân hàng cho biết, bên cạnh việc tín dụng tăng trưởng èo uột, còn do lợi nhuận biên (NIM) của các ngân hàng đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước do tốc độ giảm lãi suất cho vay mạnh hơn lãi suất huy động.

Ngoài ra nợ xấu có xu hướng tăng, cũng bào mòn đáng kể lợi nhuận của các nhà băng. Đơn cử như tại LienVietPostBank, số dư nợ xấu tại thời điểm cuối quý 1 đã tăng 50 tỷ đồng đồng lên 2.080 tỷ đồng. Một số ngân hàng khác không báo cáo cụ thể con số nợ xấu, nhưng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng đều tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm trước. Đơn cử như Saigonbank, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng mà ngân hàng này trích lập trong quý đầu năm là 6,6 tỷ đồng, cao hơn con số 4,3 tỷ đồng của cùng kỳ.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, tác động của dịch COVID-19 đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng trong quý đầu năm là không lớn do tình hình dịch COVID-19 bắt đầu trở nên phức tạp kể từ tuần thứ hai của tháng 3. Nhưng trong quý II/2020, các ngân hàng thực hiện chính sách hỗ trợ khách hàng thông qua việc cung cấp các gói lãi suất cho vay ưu đãi và cắt giảm chi phí giao dịch và thanh toán thì thu nhập lãi, thu nhập từ phí và thu hồi nợ xấu sẽ giảm xuống. Do vậy, SSI điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận trước thuế đối với 10 ngân hàng mà tổ chức này theo dõi lần lượt giảm giảm 16,4% so với dự báo trước đây.