Ngay từ ngày 4/2 (tức mùng 4 Tết) nhiều doanh nghiệp đã sớm quay lại hoạt động để kịp tiến độ làm hàng. Hoạt động sản xuất diễn ra tương đối sôi động trong những ngày đầu năm.
Các doanh nghiệp thực phẩm luôn là những doanh nghiệp quay lại sản xuất sớm nhất, thường là từ mùng 2 hoặc mùng 4 Tết. Tại Công ty Vĩnh Thành Đạt, 60% công nhân đã quay trở lại làm việc với tâm lý ổn định. Doanh nghiệp cũng nhận nhiều đơn hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng sau Tết.
Công ty Tân Quang Minh cũng trở lại sản xuất từ mùng 4 Tết với khoảng 70% công nhân và gần như ổn định hoạt động sau kỳ nghỉ lễ. Để làm được điều này, bên cạnh các chế độ lương thưởng, doanh nghiệp cho phép công nhân ở xa được về quê sớm đón Tết. Mặt khác, việc tăng tiền thưởng, tiền sản xuất nhằm giữ một phần công nhân ở lại thành phố đã giúp nhà máy hoạt động đúng kế hoạch.
“Chúng tôi dồn hết lực lượng sản xuất ở thời điểm cao nhất với sản lượng cao nhất, tổ chức tăng ca. Khi đáp ứng được đơn hàng, sau đó chúng tôi có thể giãn ra. Sau Tết, chúng tôi sắp xếp lại, tổ chức sản xuất sớm”, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty Tân Quang Minh, chia sẻ.
Báo Nông nghiệp VN đưa tin, tại tỉnh Bình Dương, hầu hết các doanh nghiệp ngành gốm, sứ sẽ hoạt động trở lại sau Tết từ ngày 7/2. Năm 2022, các doanh nghiệp ngành gốm sứ tiếp tục có thêm nhiều đơn hàng mới, thị trường xuất khẩu cũng sẽ ổn định hơn. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp lo lắng thị trường lao động ở Bình Dương sẽ biến động thời điểm đầu năm 2022, khó có thể tuyển đủ lao động để sản xuất.
“Nhâm Dần là năm con hổ, hổ tượng trưng cho sự dũng mãnh, sự hùng mạnh… Tôi cũng muốn năm Nhâm Dần này tất cả cộng đồng doanh nghiệp cùng người dân được an khang mạnh khỏe như hổ, làm ăn phát triển hưng thịnh, từng bước đẩy lùi đại dịch COVID-19”, ông Lý Ngọc Bạch, Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ tỉnh Bình Dương chia sẻ.
Trong khi đó, các doanh nghiệp lĩnh vực may mặc, giày da, điện tử… cũng đang chuẩn bị các điều kiện để hoạt động trở lại. Các công ty đông lao động tại thành phố Thuận An trở lại hoạt động từ ngày 7/2 như Công ty TNHH Shyang Hung Cheng, Công ty TNHH Hài Mỹ. Tại thành phố Dĩ An, Công ty TNHH Quốc Tế ChuTex sẽ hoạt động từ ngày 8/2.
Cùng với việc các doanh nghiệp hoạt động trở lại, theo Zing.vn đưa tin, tình trạng thiếu lao động đầu năm trong các ngành sản xuất luôn là nỗi lo lắng của nhiều doanh nghiệp TP.HCM sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán. Nếu không có các chính sách hỗ trợ để giữ chân công nhân, lực lượng lao động sẽ tiếp tục hao hụt trong khi việc tuyển mới cũng không dễ.
Để chuẩn bị quay trở lại sản xuất sau Tết và giữ chân người lao động, nhiều doanh nghiệp đã cố gắng duy trì các giải pháp như tăng tiền lương, thưởng, tặng vé xe, tổ chức chuyến xe đưa đón người lao động quay lại, thưởng tiền cho người quay lại làm việc đúng lịch…
Ông Lưu Kim Hồng – Chủ tịch Công đoàn Nidec Việt Nam cho biết, Tết năm nay, công ty có khoảng 2.500 công nhân (chiếm khoảng 50% công nhân) ở lại đăng ký làm việc xuyên Tết. Do cần đẩy nhanh tiến độ giao hàng, công ty quyết định tổ chức sản xuất xuyên Tết. Ngoài trả lương 300%, năm nay doanh nghiệp có thêm tiền thưởng 200.000 đồng để khuyến khích công nhân. “Số công nhân đăng ký làm việc cao hơn nhiều so với những Tết trước. Mức thưởng Tết năm nay của công ty vẫn duy trì ở mức 1,1 tháng lương như mọi năm”, ông nói.
Về nguồn lao động sau Tết, ông Hồng cho biết doanh nghiệp không lo thiếu lao động chính mà chỉ lo thiếu hụt lao động thời vụ. “Ngày 7/2, doanh nghiệp sẽ chính thức hoạt động trở lại”, ông thông tin thêm.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết sau Tết, TP.HCM cần khoảng 45.000 lao động, tập trung ở các nhóm ngành kinh doanh thương mại, da giày, điện tử cơ khí, điện lạnh… Do đó để chủ động về nguồn lao động sau Tết Nguyên đán, Sở đã và đang chỉ đạo các trung tâm việc làm, cơ quan chuyên ngành nắm lại danh sách người lao động ở các doanh nghiệp về quê ăn Tết; tiếp tục triển khai tiếp sức người lao động trở lại TP.
“Ngay sau Tết âm lịch thì Trung tâm dịch vụ việc làm TP và Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên tổ chức sàn giao dịch việc làm để tạo điều kiện kết nối, giới thiệu người lao động đang ở các địa phương có nhu cầu trở lại TP và lực lượng lao động tại chỗ giới thiệu với các doanh nghiệp để có nguồn lao động ổn định”, ông Lâm nói.
Phương Anh