Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo hướng dẫn việc tạm dừng đóng BHXH đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Đề xuất tạm dừng đóng BHXH để hỗ trợ doanh nghiệp mùa COVID-19.

Cụ thể, dự thảo hướng dẫn của BHXH Việt Nam yêu cầu các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Sở Tài chính báo cáo chủ tịch UBND tỉnh rà soát, hướng dẫn các doanh nghiệp, đơn vị, cơ quan tổ chức có 50% lao động tham gia BHXH nghỉ việc tiến hành lập hồ sơ. Từ đó, cơ quan bảo hiểm sẽ căn cứ hồ sơ để tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất theo quy định, kể từ tháng doanh nghiệp đề nghị đến tháng 6-2020.

Trong thời gian tạm dừng đóng BHXH, các cơ quan chức năng không thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng, hoặc kiểm tra theo kế hoạch việc chấp hành pháp luật về đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 gây ra, nếu không có dấu hiệu vi phạm.

“Trong trường hợp đến hết tháng 6-2020 dịch COVID-19 vẫn chưa thuyên giảm, nếu doanh nghiệp có đề nghị BHXH tỉnh, thành phố phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh, thành phố gửi BHXH Việt Nam để xem xét, giải quyết…” – dự thảo hướng dẫn của BHXH Việt Nam nêu rõ.

Được biết, đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Cụ thể, liên quan đến chính sách bảo hiểm, Thủ tướng yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết tháng 6 hoặc tháng 12/2020 và không tính lãi phạt chậm nộp.

Song song với đó, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam theo thẩm quyền xem xét thời điểm đóng kinh phí công đoàn phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Đặc biệt, không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp, Thủ tướng còn chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các tổ chức tín dụng triển khai gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng; rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn; xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí… đối với nhóm khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng, nhất là phí thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công…

Các điều kiện và Tạm dừng đóng BHXH bắt buộc theo Nghị định 115/2015/NĐ-CP.

1. Điều kiện Tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

a) Tạm dừng sản xuất, kinh doanh từ 01 tháng trở lên do gặp khó khăn khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc do khủng hoảng, suy thoái kinh tế hoặc thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế;

b) Gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa.

2. Điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:

Người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1, được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất khi có một trong các điều kiện sau:

a) Không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên;

b) Bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa gây ra (không kể giá trị tài sản là đất).