Dòng chảy chính sách tạo áp lực lớn nhưng phần nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa chuẩn bị cho chuyển đổi xanh.
Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ – Giám đốc Văn phòng ban IV nhấn mạnh: Chuyển đổi xanh đã trở thành cuộc đua trên toàn cầu. Các thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ chốt của Việt Nam đều đã và đang có những quy định cụ thể về sản xuất bền vững, gắn với bảo vệ môi trường.
Tại châu Âu, ngoài cơ chế CBAM là Quy định Chống phá rừng (EUDR), Chỉ thị Báo cáo phát triển bền vững (CSRD) mang tính chất bắt buộc thực hiện. Trong đó, theo đánh giá của PwC, CSRD tác động mạnh tới doanh nghiệp Việt bởi phần lớn nằm trong chuỗi giá trị của các công ty hoạt động tại châu Âu.
Mỹ đang là một trong những thị trường nhập khẩu hàng hoá lớn của Việt Nam đang thảo luận dự thảo tương tự như dự thảo Đạo luật Cạnh tranh sạch (CCA), dự thảo Đạo luật Lựa chọn thị trường (MCA), Đạo luật Phí ô nhiễm nước ngoài (FPF). Đặc biệt, số lượng ngành hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi những quy định trên dự kiến lớn hơn so với những ngành hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi những quy định tại châu Âu. Khi được thông qua, doanh nghiệp không có thời gian chuyển đổi, chuẩn bị về kỹ thuật thực hiện như CBAM và các quy định tại châu Âu mà sẽ phải áp dụng thực hiện ngay.
Tại Nhật Bản, Hàn Quốc tuy chưa có chính sách trên nhưng ở góc độ khác, tạo ra cuộc chơi mua sắm xanh và khuyến khích sáng kiến chuyển đổi xanh. Không tham gia được vào những cuộc chơi trên, lợi thế của doanh nghiệp Việt – đối tác xuất khẩu cũng bị giảm đi.
Dòng chảy chính sách trên đã tạo ra áp lực và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam.
Thích ứng với các quy định trên, Việt Nam đã có nhiều chính sách, quy định cụ thể để hiện thực hoá cam kết của Chính phủ tại COP26. Đáng chú ý, cập nhật đến năm 2024 có 2.166 doanh nghiệp hoạt động trên 6 lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính bắt buộc. Cùng với đó, Chính phủ hoàn tất việc chuẩn bị để thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm sau – 2025.
Trong bối cảnh đó, khảo sát từ ban IV cho thấy, chỉ có một số ít doanh nghiệp trên từng ngành hàng có bước đi đầu tiên trong chuyển đổi xanh, bắt đầu từ kiểm kê khí nhà kính. Ở chiều ngược lại, 64% doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị cho chuyển đổi xanh.
Ngoài ra, doanh nghiệp hoạt động ở thị trường nội địa có mức độ sẵn sàng kém hơn nhiều so với doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu có chuyển động nhanh hơn, tích cực hơn; doanh nghiệp quy mô nhỏ có mức độ sẵn sàng kém hơn so với doanh nghiệp quy mô lớn.
Về động lực trong việc giảm phát thải, hầu hết doanh nghiệp được hỏi đều mong muốn tối ưu hoạt động bởi sau giai đoạn khó khăn vừa qua, sức ép về dòng tiền là thách thức nhất. Trong khảo sát, theo bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ, nhiều doanh nghiệp đã nhìn ra được vai trò chuyển đổi xanh trong việc chinh phục khách hàng trong chuỗi cung ứng toàn cầu hoặc xây dựng thương hiệu, chứ không dừng ở bài toán ngắn hạn.
Vào thời điểm cuối năm 2022 khi khảo sát, khó khăn mà nhiều doanh nghiệp kêu nhiều nhất khi chuyển đổi xanh là thiếu thông tin liên quan, chi phí… Tuy nhiên, ở lần khảo sát này, khó khăn về nguồn lực tài chính đang trở thành vấn đề được doanh nghiệp phản ánh nhiều nhất, sau đó là những khó khăn về nhân sự, giải pháp kỹ thuật cụ thể để thực hiện hoạt động chuyển đổi.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ, trong những phản ánh khó khăn của doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy có điểm sáng tích cực là doanh nghiệp đã bắt tay triển khai rồi thấy những nút thắt, thiếu hụt về chi phí, nhân sự hay giải pháp kỹ thuật cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực cần được tháo gỡ.
Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt chuyển đổi xanh, theo Giám đốc Văn phòng ban IV, sự hỗ trợ của Chính phủ với doanh nghiệp vẫn rất cần thiết, nhất là hỗ trợ thông qua các cơ chế ưu đãi thuế, tín dụng ban đầu hoặc các hình thức hỗ trợ, kết nối thị trường, chuyển giao các công nghệ, mô hình… Đồng thời, sớm ban hành các khung pháp lý mới tạo nền tảng cho chuyển đổi xanh, trong đó có tín dụng xanh.
Các giải pháp khác cần thúc đẩy như nâng cao năng lực doanh nghiệp và các bên liên quan, định kỳ tổ chức các chương trình phổ biến chính sách cho doanh nghiệp, địa phương; hình thành và phát triển các giải pháp, sáng kiến gần với mục tiêu phát triển thị trường sản phẩm xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…