Nhật Bản sẽ đóng cửa 100 nhà máy nhiệt điện than kém hiệu quả

Tại cuộc họp báo ở Tokyo hôm 3-7, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản (METI), Hiroshi Kajiyama, cho biết ông đã yêu cầu các quan chức đưa ra các đề xuất để loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện than kém hiệu quả và phát triển năng lượng tái tạo trở thành nguồn cung cấp điện chính. Ông nói rằng chính phủ sẽ tìm cách khuyến khích năng lượng tái tạo bao gồm cải cách các quy định về sử dụng lưới điện.

Hãng tin Kyodo tiết lộ tại cuộc họp với lãnh đạo của các công ty cung cấp điện lớn nhất nước này vào hôm trước đó, ông Kajiyama nói chính phủ đang lên kế hoạch đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động 100 nhà máy nhiệt điện than theo từng giai đoạn trong 10 năm tới. Việc tạm dừng hoạt động nhà máy nhiệt điện than sẽ được xem xét trên cơ sở nó có thể được sử dụng làm phương án cung cấp điện dự phòng trong trường hợp nguồn cung điện thiếu hụt do thiên tai, thời tiết xấu.

Ông Kajiyama nói METI sẽ thành lập một tổ chuyên gia để đề xuất các ý tưởng thúc đẩy các công ty cung cấp điện từ bỏ nhiệt điện than, bao gồm thiết lập hạn ngạch sản lượng điện mà họ được phép sản xuất dựa vào các tổ phát điện than kém hiệu quả.

Chính phủ Nhật Bản sẽ khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác, vốn đang chiếm khoảng 17% tổng sản lượng điện ở Nhật Bản, đồng thời tìm cách tái khởi động thêm các nhà máy điện hạt nhân, vốn bị dừng hoạt động sau sự cố rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi do thảm hóa động đất, sóng thần hồi năm 2011.

Theo Kế hoạch Năng lượng chiến lược, được công bố năm 2018, Nhật Bản đặt mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện than từ mức 32% xuống còn 26% tổng sản lượng điện vào năm 2030. Trong khi đó, tỷ trọng của năng lượng tái tạo sẽ tăng từ 22% lên 24% trong tổng sản lượng điện cùng giai đoạn. Riêng tỷ trọng của năng lượng hạt nhân sẽ tăng thêm 6% lên 20-22%.

Lý do Nhật Bản tiếp tục sử dụng nhiệt điện than vì giá than rẻ hơn dầu và ổn định hơn vì ít chịu ảnh hưởng bởi rủi ro địa chính trị. Trong số 140 nhà máy nhiệt điện than hiện nay ở Nhật Bản, chỉ có 26 nhà máy được xem là có hiệu quả cao và thải ít khí carbon hơn nhờ sử dụng công nghệ mới. Số còn lại được xem là các nhà máy sử dụng công nghệ cũ, kém hiệu quả.

“Vẫn còn lỗ hổng để các công ty cung cấp điện tiếp tục sử dụng than. Chính phủ cần phải hành động nhiều hơn nữa để chống hiện tượng nóng lên toàn cầu”, Kimiko Hirata, Giám đốc quốc tế của mạng lưới Kiko Network, một tổ chức bảo vệ môi trường ở Nhật Bản, nói.

Nhật Bản đang hứng nhiều lời chỉ trích từ các tổ chức bảo vệ môi trường vì chậm chạp trong việc cắt giảm lượng khí thải carbon. Đây là nước duy nhất trong khối bảy cường quốc công nghiệp G7 vẫn theo đuổi các dự án nhiệt điện than mới.

Vào tháng 3, Nhật Bản tuyên bố vẫn giữ mục tiêu giảm 26% lượng khí thải carbon vào năm 2020 so với mức khí thải của năm 2013 dù đã có nhiều lời kêu gọi nước này đưa ra mục tiêu tham vọng hơn.

Trong những năm qua, Nhật Bản cũng thúc đẩy các dự án nhiệt điện than sử dụng công nghệ hiện đại hơn ở các nước đang phát triển vì cho rằng một số nơi trên thế giới chưa thể thoát khỏi sự phục thuộc vào than.

Giờ đây, ông Kajiyama cho biết Nhật Bản đang sắp hoàn tất soạn thảo các quy định siết chặt xuất khẩu công nghệ nhiệt điện than mới cho các dự án ở nước ngoài. Song ông nhấn mạnh Nhật Bản sẽ không cấm xuất khẩu công nghệ nhiệt điện than hoàn toàn.

Ông nói: “Một số nước đang phát triển không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng than phục vụ nhu cầu năng lượng vì lý do kinh tế hoặc vì họ không có các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác”.

Bà Yukari Takamura, chuyên gia năng lượng ở Viện Các sáng kiến tương lai ở Đại học Tokyo, cho hay ngân hàng lớn của Nhật Bản từng là các nhà tài trợ vốn cho các dự án nhiệt điện than ở nước ngoài, nhưng họ đang thay đổi lập trường. Bà Takamura nói họ đang chờ hướng dẫn chính sách rõ ràng hơn của chính phủ để thực thi.

Khánh Lan