Nửa đầu tháng 9, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu cùng giảm so với nửa cuối tháng 8 trước đó. Tuy nhiên, nhập khẩu giảm ít hơn nên Việt Nam nhập siêu trở lại.
Theo thông tin Tổng cục Hải quan vừa công bố, 15 ngày đầu tháng 9 (1-15/9), kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 11,57 tỷ USD. Điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; dệt may là 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch của các nhóm hàng chủ lực đều giảm mạnh so với nửa cuối tháng 8/2021.
Ở chiều nhập khẩu, 15 ngày đầu tháng 9 kim ngạch đạt gần 13,1 tỷ USD. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng là 2 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trong nửa đầu tháng 9.
Nửa đầu tháng 9, con số nhập siêu của Việt Nam lại tăng khi đạt hơn 1,5 tỷ USD (trong khi nửa cuối tháng 8 nước ta xuất siêu 1,25 tỷ USD).
Như vậy, diễn biến cán cân thương mại của Việt Nam vẫn liên tục đảo chiều và khó dự đoán. Lũy kế hết 15/9, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt gần 455 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 225,2 tỷ USD; nhập khẩu đạt 229,4 tỷ USD. Đến 15/9, Việt Nam nhập siêu 4,2 tỷ USD.
Trong báo cáo mới đây, Bộ Công Thương đưa ra nhận định, nhìn chung hoạt động xuất khẩu của hầu hết mặt hàng, nhóm hàng trong những tháng qua vẫn đạt mức tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên đà tăng trưởng này có phần chậm lại do dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, tăng trưởng xuất nhập khẩu sẽ phụ thuộc rất lớn vào tình hình kiểm soát dịch bệnh cũng như việc đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vaccine trong nước.
Dự báo nhu cầu hàng hóa xuất khẩu vẫn đang khá cao, việc các nước đang triển khai mạnh mẽ tiêm vaccine và mở cửa trở lại đã làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử của Việt Nam. Cùng với đó, một số nền kinh tế tiếp tục triển khai các gói kích cầu, thông qua hỗ trợ trực tiếp cho người dân, qua đó thúc đẩy tiêu dùng các mặt hàng, trong đó có mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam.
Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy các ngành xuất khẩu của Việt Nam, tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Ngoài ra, giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu.
Theo chu kỳ nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm giai đoạn nửa cuối năm trong khi xuất khẩu đạt đỉnh điểm vào nửa cuối năm.
Nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong nửa cuối năm 2021, đặc biệt là đối với ngành điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, hàng dệt may và thủy sản… Vì vậy cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện trong thời gian tới.
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, các doanh nghiệp đã và đang phải cố gắng duy trì sản xuất cùng với nguy cơ rủi ro rất lớn là khách hàng quốc tế sẽ dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác, đến khi dịch được kiểm soát, việc nối lại các mối quan hệ kinh doanh sẽ rất khó khăn và cần phải có quá trình.
Linh Nga