Bản chất giá thịt lợn cao vì thiếu nguồn cung. Để “kéo” giá thịt lợn xuống chỉ có hai cách, đó là tái đàn và nhập khẩu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương, chiều 15/5.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, tái đàn và tăng nhập khẩu nguồn cung lợn giống là giải pháp duy nhất để đảm bảo nguồn cung thịt lợn hiện nay. Tuy nhiên, việc tái đàn không thể diễn ra trong một thời gian ngắn, khả năng phải đến hết quý IV/2020 mới có thể đạt được số lượng lợn như khi chưa có dịch tả lợn châu Phi năm 2018.
Để đảm bảo nguồn cung, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT phải tính toán số lượng nguồn cung thịt lợn trong nước và số lượng thịt thiếu hụt trong nước cần phải nhập khẩu theo từng tháng. Hiện nay, các doanh nghiệp nhập khẩu thịt được tạo điều kiện nhập khẩu, không phải qua nhiều cơ quan, ban, ngành thủ tục. Theo quy định pháp luật hiện hành, hiện các doanh nghiệp nhập thịt lợn chỉ cần làm thủ tục về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng thịt lợn nhập, gửi đến Cục Thú y (Bộ NN&PTNT).
Khi có giấy phép, doanh nghiệp đến chi cục ở tại đại phương làm thủ tục tiếp. Sau khi có giấy phép của chi cục, doanh nghiệp không cần làm thêm thủ tục nào khác, mà có thể đến thẳng các cơ quan hải quan cửa khẩu làm thủ tục nhập khẩu.
Vẫn theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, hiện nay sản lượng thịt cung cấp cho thị trường thiếu hơn 20%, thậm chí nhiều địa phương như Bắc Giang phản ánh, từ lợn giống đến lợn thịt đều thiếu tới 50%. Tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng đang thiếu hụt nguồn cung thịt lợn.
“Hiện có khoảng 17 tỉnh, vẫn đang còn dịch tả lợn châu Phi. Chính vì vậy, các hộ chăn nuôi không dám tái đàn. Cũng do dịch nên nguồn cung lợn giống cũng rất khan hiếm. Giá lợn giống thời gian qua đã lên tới 3 triệu đồng/con”, ông Hải cho biết.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng khẳng định, đã chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường phối hợp với Ban chỉ đạo 398 Trung ương tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường để ngăn chặn tình hình nhập khẩu lợn mang dịch bệnh vào Việt Nam.
Ngoài ra Bộ cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các siêu thị tổ chức khuyến mại bình ổn bình giá. Tuy nhiên theo ông Hải, phương án này cũng chỉ có mức độ bởi không doanh nghiệp nào bù lỗ mãi được. Vừa qua, Big C đã phải chi 17 tỷ đồng để bù lợi nhuận cho chương trình bình ổn giá thịt lợn trong quý I.
Nguồn tiền này doanh nghiệp lấy từ lợi nhuận kinh doanh các mặt hàng khác để giữ giá thịt lợn thấp hơn giá thị trường. Tuy nhiên, siêu thị và các nhà cung cấp cũng cũng chỉ có mức độ bởi không doanh nghiệp nào bù lỗ mãi được do nguồn lực có hạn.
Trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra đầu tháng 5, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Tài chính đã tổ chức các đoàn kiểm tra về thuế, phí cũng như các yếu tố cấu thành giá lợn hơi tại các doanh nghiệp chăn nuôi lớn.
Trong khi đó, Bộ Công Thương cũng đã tổ chức kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về cạnh tranh tại các doanh nghiệp, chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và kết quả không phát hiện dấu hiệu vi phạm.
Kết quả kiểm tra cũng cho thấy, bản thân các doanh nghiệp chăn nuôi cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, dù đã tích cực thực hiện yêu cầu của Chính phủ, các Bộ, ngành về việc giảm giá lợn hơi, song mức giảm không nhiều.