Chuyển tới nội dung

Nhẫn nại chờ cơ hội đầu tư cổ phiếu

  • bởi

Để tìm được cơ hội đầu tư trong năm 2025, có lẽ các nhà đầu tư (NĐT) cần “chữ nhẫn”, thay vì cố gắng giao dịch bằng mọi giá.

VN-Index có thể sẽ tăng khoảng 10 – 12% trong năm 2024.

Chỉ còn vài phiên giao dịch nữa, năm 2024 sẽ chính thức khép lại, VN-Index có thể sẽ duy trì mức tăng khoảng 10 – 12%, tương đương năm 2023. Tuy nhiên, nếu có thể chốt lại một điểm thì năm 2024 không hề dễ dàng và thực tế có không ít NĐT thua lỗ.

Điểm nhấn năm 2024

Để có thể tìm kiếm được một hướng đầu tư, chúng ta sẽ nhìn lại một số điểm nhấn thị trường trong năm 2024.

Thứ nhất, khối ngoại bán ròng kỷ lục với khoảng hơn 93.000 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn, vượt xa kỷ lục hơn 71.000 tỷ đồng năm 2021. Có một số thông tin cho rằng khối ngoại không chỉ bán ròng tại Việt Nam mà ở nhiều thị trường khác, và dòng vốn này đang chảy vào thị trường Mỹ với kỳ vọng tích cực hơn. Tuy nhiên, cơ hội có thể đến nếu như dòng tiền này quay trở lại với TTCK Việt Nam giống như nó từng xuất hiện giai đoạn cuối năm 2022.

Thứ hai, xét về định giá, nhiều báo cáo cho rằng thị trường đang rất rẻ, chỉ loanh quanh 12-14 lần. Nhưng cần nhấn mạnh rằng nếu chúng ta bỏ nhóm bất động sản (BĐS) và ngân hàng ra thì hệ số này lại trở nên đắt đỏ với hơn 24 lần. Như vậy có thể thấy 2 nhóm ngành trên đang rất rẻ và cân cả hệ thống xuống mức thấp.

Thị trường đang phân hóa rất mạnh khi có những cổ phiếu liên tục phá đỉnh như FPT, VTP, CSV, VGI, CTR… nhưng ngược lại có nhiều cổ phiếu lại đi xuống chưa tìm thấy đáy. Nhóm tăng giá thậm chí có mức định giá cao không tưởng như VTP, VGI…, thậm chí FPT cũng đạt mức cao kỷ lục với P/E gần 30 lần.

Thứ ba, những cổ phiếu tăng giá, giữ được vùng giá cao cho dù định giá đã đắt đỏ là bởi chúng luôn có câu chuyện để kể với NĐT. Có nghĩa là liên tục có những thông tin hỗ trợ, điều đó tạo cho NĐT một niềm tin mua vào, nắm giữ.

Thứ tư là tỷ trọng margin đang ở mức cao kỷ lục xét cả số tương đối lẫn tuyệt đối. Dòng tiền vay nợ này đang chuyển sang nhiều công ty chứng khoán (CTCK). Rủi ro này là không hề nhỏ, nếu như có một biến cố đủ mạnh sẽ kích hoạt việc bán tháo tài sản.

Thứ năm, lượng phát hành năm 2024 là tương đối lớn. Tính đến hết tháng 11/2024, tổng mức huy động vốn qua chào bán cổ phiếu và trái phiếu của công ty đại chúng là 173 nghìn tỷ đồng, trong đó chào bán cổ phiếu là 134,8 nghìn tỷ đồng và chào bán trái phiếu là 38,2 nghìn tỷ đồng. Con số này là đã thành công và chưa tính đến số lượng đăng ký phát hành. Riêng nhóm chứng khoán, số lượng đăng ký tăng vốn trong năm 2024 là cực kỳ lớn. Nhóm ngân hàng đang chịu áp lực tăng vốn khi hệ số CAR đang ở mức rất thấp.

Thứ sáu, nếu nhìn lại 5 năm qua kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, thị trường chứng khoán đã có 4/5 năm tăng trưởng thực sự mạnh mẽ, số lượng tài khoản cá nhân mở mới đạt đỉnh cao. Vậy câu hỏi đặt ra là liệu điều đó có tiếp duy trì trong năm 2025 nữa hay không khi mà thực tế cho thấy những NĐT mới này chưa chắc đã có lãi trong năm 2024.

Tránh mua bằng mọi giá

Nhóm cổ phiếu chứng khoán và BĐS được cho là đang có định giá rẻ. Nhóm này liệu có cơ hội tăng mạnh trong năm 2025 hay không khi chúng ta nhìn theo phương pháp đầu tư từ dưới lên? Trước khi nhìn nhận như vậy, cần đặt lại câu hỏi là vì sao NĐT lại đang lảng tránh các cổ phiếu này? Có lẽ không gì khác liên quan đến nợ xấu, dòng tiền và khả năng bán hàng.

Các nhà đầu tư cần chờ cơ hội, thay vì mua cổ phiếu bằng mọi giá.

Có một số lưu ý với nhóm BĐS là: 1) Thống kê cho thấy doanh thu của nhóm BĐS đang niêm yết liên tục sụt giảm. 2) Dòng tiền âm liên tục nhiều năm, trong bối cảnh thu xếp vốn gặp khó khăn từ ngân hàng và phát hành trái phiếu buộc nhiều doanh nghiệp phải phát hành cổ phiếu tăng vốn tạo ra áp lực cung lớn. 3) Đã có biểu giá đất mới tại TP HCM và Hà nội với mức tăng rất cao. Nhiều doanh nghiệp BĐS sẽ chịu áp lực cực lớn với những dự án dang dở với các khoản thuế, phí trong tương lai.

Ngược lại, nhóm ngân hàng đang khá mong manh khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN chưa rõ có được gia hạn hay không, dù chỉ còn vài ngày nữa là hết năm 2024. Theo NHNN, đến hết quý 3/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành (bao gồm các ngân hàng yếu kém) ở mức 4,55% là mức cao. Việc xem xét tiếp tục gia hanh Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho thấy rằng áp lực rủi ro nợ xấu là không hề nhỏ.

Bối cảnh năm 2025 sẽ rất khó lường, chúng ta chưa thể biết thế giới sẽ đi theo hướng nào. Việc ông Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ có thể có những bất ngờ và cơ hội sẽ đến từ đó. Việt Nam cũng đang nằm trong danh sách có thể chịu tác động mạnh từ các chính sách của Mỹ, như thuế, hay cân bằng thương mại. Những yếu tố trên đều khiến cho tỷ giá USD/VND gặp nhiều áp lực; đồng thời sẽ tác động đến lãi suất. Đến nay, các doanh nghiệp vẫn cảm nhận năm 2025 khó khăn và khốc liệt hơn.

Do đó, trước khi đặt mua bất kỳ cổ phiếu nào, các NĐT luôn tự đặt câu hỏi rằng doanh nghiệp này sẽ mang lại lợi ích gì? và mua với tầm nhìn dài hạn. Lợi ích cần đặt tương quan với lạm phát, lãi suất và tương lai của doanh nghiệp đó. Thị trường đã phân hóa mạnh, những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tích cực hầu như đang neo giá cao và không có quá nhiều hấp dẫn. Do đó, các nhà đầu tư cần chờ cơ hội, thay vì mua cổ phiếu bằng mọi giá.

Nguyễn Hữu Bình – Chuyên gia chứng khoán

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved