bao-hiem-xa-hoi-1-lan1

Thực trạng người lao động ồ ạt nhận BHXH một lần, tiềm ẩn nhiều hệ lụy, gây nhiều ảnh hưởng, tạo áp lực cho hệ thống an sinh. Ảnh: EBH

Bộ LĐTB&XH đánh giá, quy định hưởng BHXH một lần hiện khá dễ dàng, thậm chí mức hưởng cao hơn mức đóng.

Đơn vị này đề xuất 2 nội dung đáng chú ý: Điều chỉnh quy định về điều kiện hưởng BHXH một lần; có lộ trình tiến tới chỉ giải quyết hưởng BHXH một lần với người lao động tới tuổi hưu nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu và không có nhu cầu đóng tiếp (trừ trường hợp ra nước ngoài hoặc mắc bệnh hiểm nghèo); Giảm điều kiện số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu từ 20 năm hiện hành xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm, để khuyến khích người lao động.

Thông tin với báo chí, ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) chia sẻ: Đề xuất của Bộ LĐTB&XH là phù hợp, tuy nhiên, ban soạn thảo cần tính toán kỹ, bảo đảm đồng bộ giữa tỷ lệ đóng, tỷ lệ hưởng lương hưu và phải có một mức sàn lương hưu tối thiểu. Việc giảm thời gian đóng cần đồng thời với việc giảm tuổi nghỉ hưu đối với người lao động một số ngành nghề đặc thù, nếu không, người lao động nhận lương hưu thấp sẽ gặp khó khăn khi về già.

Còn nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH – Phạm Minh Huân cho rằng, đề xuất đã nêu là nhân văn, bởi thực tế, nhiều người lao động tham gia đóng BHXH muộn, khi đến tuổi về hưu mà số năm đóng BHXH chưa đủ thì nên được giải quyết để về hưu vì có thể họ đã không còn đủ sức khỏe để lao động. Giảm số năm đóng BHXH về hưu còn tạo ra động lực, khuyến khích lao động tham gia BHXH nhiều hơn.

“Tuy nhiên, nếu thời gian đóng BHXH ngắn, thì mức lương hưu cũng sẽ rất thấp, do đó, ban soạn thảo luật cần phải tính toán, nghiên cứu kỹ số năm đóng và số năm hưởng để đưa ra công thức tính lương hưu cho phù hợp”, ông Huân nêu quan điểm.

Theo TS Nguyễn Thị Lan Hương – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, vai trò của BHXH là cho dài hạn khi về hưu người lao động có lương. Bà Hương cũng đề xuất, có thể vẫn cho người lao động rút BHXH một lần, nhưng chỉ được rút phần lao động đóng, còn phần doanh nghiệp cùng đóng thì lao động không được rút.

Ông Đỗ Ngọc Thọ – Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam:

Khi NLĐ nhận BHXH một lần, NLĐ sẽ chịu thiệt thòi rất nhiều vì chưa đến tuổi nghỉ hưu đã tiêu hết tiền dưỡng già. Đến khi về già, không được hưởng lương hưu, phải sống phụ thuộc vào con, cháu và xã hội. Nếu không may bị bệnh, không có thẻ BHYT, họ còn phải đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi chi phí khám chữa bệnh chỉ sau một lần mắc bệnh, nằm viện thời gian dài, có thể phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, kiệt quệ, trở thành gánh nặng đối với gia đình và xã hội.