Việc hàng loạt nút thắt được tháo gỡ đang giúp niềm tin của doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội tăng lên.
Tăng nguồn cung nhà ở xã hội
Tập đoàn bất động sản Bcons cho biết đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để sớm khởi công dự án khu nhà ở xã hội Thống Nhất với quy mô gần 2.500 căn hộ. Dự án này có mức giá bán dự kiến chỉ từ 700 triệu đồng/căn, khởi công vào tháng 9/2024 và ra mắt đợt đầu tiên vào đầu năm 2025.
Phát Đạt cũng đang chuẩn bị tung ra thị trường dự án nhà ở phức hợp mới tại Bình Dương, với khoảng gần 2.700 căn hộ, shophouse. Ông Bùi Quang Anh Vũ – Tổng giám đốc Phát Đạt cho biết, công ty sẽ tập trung phát triển các dự án phù hợp với nhu cầu ở thực của khách hàng để đạt được mức độ hấp thụ cao nhất của thị trường.
Vào tháng 5 vừa qua, Tập đoàn địa ốc Hoàng Quân đã ký hợp tác chiến lược với Novaland để xây nhà ở xã hội tại các tỉnh phía Nam, mục tiêu hoàn thành 3.000 căn trong năm 2024. Dự kiến, các dự án sẽ được khai thác quỹ đất sẵn có tại một số địa phương như TP HCM, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai…
Có thể thấy, cuộc đua xây dựng nhà ở xã hội đã bắt đầu nóng từ đầu năm 2023 khi thị trường bất động sản rơi giai đoạn khó khăn nhất. Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, nhà ở xã hội chính là “phao cứu sinh” của các doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, việc triển khai xây nhà xã hội trong năm qua chủ yếu nằm ở kế hoạch và việc tìm hiểu đầu tư. Đến nửa đầu năm 2024, cuộc đua tham gia phân khúc này mới sôi động trở lại và được các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ.
Khởi sắc từ luật mới
Sự nhiệt tình từ các doanh nghiệp địa ốc đối với phân khúc nhà ở xã hội vốn từng tồn tại nhiều rào cản đã cho thấy những tác động tích cực từ một số bộ luật mới có hiệu lực.
Không chỉ tháo gỡ nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp, Luật Nhà ở mới đã nới điều kiện cho người mua, ví dụ như quy định mức thu nhập lên tới 15 triệu đồng/tháng thay vì 11 triệu như trước đây, hoặc bãi bỏ điều kiện cư trú, được cho sẽ tạo thêm cơ hội tăng sức thu hút cho loại hình này.
Hay khoản 5, Điều 77 Luật Nhà ở cũng cho phép các tổ chức tín dụng do nhà nước chỉ định được cho vay ưu đãi với các đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội. Nhờ đó, khắc phục được bất cập của luật cũ là không cho phép các tổ chức tín dụng này cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Trương Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Hoàng Quân chia sẻ, những quy định mới của Luật là cú huých rất quan trọng không chỉ với chủ đầu tư, các đối tượng thuê nhà, mà còn cho cả thị trường bất động sản. Hiện nay, ngoài các thành phố lớn nhiều tỉnh thành khác như Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Phước… cũng đang rất tích cực trong việc quy hoạch để dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng thương mại Lê Thành đánh giá cao tác động của Luật Đất đai mới tới phân khúc nhà ở xã hội. Theo ông, hiện tại doanh nghiệp muốn làm nhà ở xã hội phải thực hiện các thủ tục liên quan tới xác định giá đất, tiền sử dụng, thuê đất để làm hồ sơ xin hỗ trợ. Những quy định trên trước nay vẫn được coi như “nút thắt” khiến dự án chậm tiến độ, bởi thủ tục xin miễn tiền thuê, sử dụng đất thường kéo dài.
“Luật mới ban hành đưa ra quy định miễn các thủ tục xác định giá, tiền sử dụng và thuê đất ngay từ đầu, đó là điểm cực mạnh, giúp gỡ vướng cho chủ đầu tư, tăng tốc dự án nhà ở xã hội”, ông Lê Hữu Nghĩa nhìn nhận.
“Nhiều chủ đầu tư lớn tham gia sẽ giúp phân khúc nhà ở xã hội có sức sống hơn, nguồn cung theo đó cũng được kỳ vọng tăng”, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA đánh giá.