Thủ tướng vừa đồng ý về nguyên tắc các tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng, Hà Nội – Quán Triều và Yên Viên – Hạ Long được Nhà nước hỗ trợ khi thực hiện vận tải phục vụ nhiệm vụ an sinh xã hội.
Dù ngành đường sắt đã có nhiều nỗ lực trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ nhưng vẫn không thể cạnh tranh với đường bộ. Vì vậy mà nhiều tuyến đường sắt bị lỗ triền miên vì vắng khách.
Tuyến tàu xuất phát từ Yên Viên – Hà Nội đến Hạ Long – Quảng Ninh dù chỉ có 1 toa chở khách ghế cứng nhưng cũng chẳng có nổi chục hành khách. Tàu chạy chậm, dừng đỗ dọc các ga để đón bà con tiểu thương, buôn bán nhỏ vận chuyển hàng hóa. Đây là một trong 3 tuyến tàu an sinh mà ngành đường sắt vẫn phải tiếp tục duy trì nhưng mỗi năm phải bỏ hơn 20 tỷ đồng để bù lỗ.
Nói như ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, mỗi năm, để duy trì vận hành 3 tuyến tàu an sinh, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (HARACO) lỗ tới 20 tỷ đồng với tần suất mỗi ngày một chuyến.
Tuy nhiên, chạy tàu an sinh mang tính trách nhiệm với xã hội nhiều hơn là tính đến lỗ lãi. Nếu dừng chạy tàu an sinh thì quyền đi lại của người dân sẽ bị ảnh hưởng, hạ tầng đường sắt sẽ không được duy tu, bảo trì thường xuyên sẽ xuống cấp, hư hỏng và đây là điều lãng phí cực lớn.
“Có tàu chạy tuyến đường sắt mới được vận hành, còn nếu bỏ tàu không chạy thì hạ tầng sẽ trở thành đống sắt vụn. khi có nhiệm vụ mà vận hành lại thì việc khắc phục lại rất khó khăn”, Bà Phùng Thị Lý Hà, Phó GĐ Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý về nguyên tắc các tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng, Hà Nội – Quán Triều và Yên Viên – Hạ Long được Nhà nước hỗ trợ khi thực hiện vận tải phục vụ nhiệm vụ an sinh xã hội.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp liên quan thực hiện chính sách chạy tàu an sinh xã hội theo đúng quy định của pháp luật về đường sắt, ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan, bảo đảm không để xảy ra tình trạng lạm dụng gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Theo đó, 3 tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng, Hà Nội – Quán Triều và Yên Viên – Hạ Long được hỗ trợ, khôi phục chạy lại sau một thời gian bị tạm dừng hoặc giảm tần suất khai thác do mật độ khách đi ít, doanh thu không đủ bù chi phí.
Tổng công ty Đường sắt kỳ vọng có chính sách hỗ trợ để bù đắp các chi phí cho các đơn vị vận tải đường sắt để có thể duy trì các tuyến.
Có thể nói, chủ trương đảm bảo an sinh xã hội được thực hiện đã góp phần giúp nâng cao đời sống của các đối tượng khó khăn, trong đó có cả lĩnh vực giao thông vận tải. Hàng năm nhà nước phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho người dân đi xe buýt. Còn ngành đường sắt chưa thực sự được quan tâm đúng mức nên việc duy trì được các đoàn tàu an sinh này còn là câu chuyện rất dài. Tuy nhiên, như theo nhiều nhận định, bản thân ngành này cũng cần phải tự thay đổi, nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút được thêm lượng hành khách.
Thy Hằng