Chuyển tới nội dung

Nhà đầu tư đang dẫn dắt phát triển đô thị

Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri TP.HCM về vấn đề quá tải hạ tầng đô thị, vỡ quy hoạch vì phát triển chung cư ồ ạt.

Theo Bộ Xây dựng, pháp luật hiện hành đã có quy định điều chỉnh việc đầu tư xây dựng khu đô thị, chung cư mới để đảm bảo phát triển bền vững, quyền lợi của người dân, diện tích đất cho các công trình công cộng.

Chủ đầu tư khu đô thị Ciputra nhiều lần xin điều chỉnh quy hoạch mà không lấy ý kiến người dân

Tăng cường giám sát

Thủ tướng cũng đã ban hành Chỉ thị số 05 ngày 01/03/2019 về tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt. Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện Nghị Quyết số 82 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.

Xây dựng các cơ chế chính sách thu hút đầu tư và đa dạng hóa hình thức đầu tư cho việc đầu tư các công trình công cộng như công viên cây xanh, thể dục thể thao, vui chơi giải trí; tăng cường hướng dẫn, đốn đốc, kiểm tra các địa phương trong công tác quản lý thực hiện quy hoạch để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 04/2019, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý quy hoạch, khai thác quỹ đất đô thị dành cho công trình phúc lợi, phục vụ cộng đồng tại các địa phương.

Bộ Xây dựng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp nhằm đảm bảo diện tích đất dành cho các công trình công cộng phục vụ cộng đồng.

Cụ thể, các bộ, ngành cần xây dựng chính sách hỗ trợ các nguồn vốn để lập quy hoạch điều chỉnh, hỗ trợ nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình công cộng phục vụ cộng đồng đã được xác định theo quy hoạch được duyệt.

UBND các cấp, cần rà soát, ưu tiên quỹ đất phục vụ đầu tư xây dựng công trình công cộng phục vụ cộng đồng, đặc biệt từ các dự án bị thu hồi do chậm triển khai, các khu đất sử dụng sai mục đích, hết thời hạn thuê đất, vi phạm Luật Đất đai, các quỹ đất dự kiến đưa ra đấu giá đất…

Quản lý chặt chẽ quỹ đất đã được quy hoạch để xây dựng công trình công cộng phục vụ cộng đồng. Khi phê duyệt, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở, yêu cầu chủ đầu tư dự án xây dựng các công trình công cộng phục vụ cộng đồng theo quy hoạch và cam kết thực hiện triển khai xây dựng theo đúng tiến độ đã được phê duyệt.

Nhà đầu tư tư nhân dẫn dắt

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến – Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng khẳng định thực trạng quá nhiều tòa nhà cao tầng được xây dựng tại các đô thị lớn ở Việt Nam kéo theo nhiều hệ lụy đô thị.

Tại Hà Nội, không chỉ đường nhỏ, phố nhỏ mới tắc mà ngay cả đường rộng với mặt cắt lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Lê Văn Lương… cũng tắc.

Ví dụ như đường Tố Hữu, từ một con đường thoáng đãng với chiều dài khoảng 6km, mặt cắt 40m, 6 làn xe, hè 2 bên 10m… nhưng giờ đây có khoảng 40 tòa nhà cao tầng bao quanh như một hàng rào đan kín.

Tuyến phố Nguyễn Tuân dài hơn 1km với mặt nhỏ, hè mỗi bên hẹp mà cũng đã có hơn 20 tòa nhà khu chung cư cao tầng đã và đang tiếp tục được xây dựng với mật độ ngày càng cao. Nhiều tòa nhà cao tầng được xây dựng ngay tại các khu đất quá nhỏ trong các ngõ phố chật hẹp.

Trong khi đó, tại TP.HCM, các cao ốc từ 16-34 tầng cũng đã và đang chen cứng trên đường Bến Vân Đồn… Tại quận Bình Thạnh, đường Ung Văn Khiêm có chiều dài chưa đầy 2km và mặt cắt ngang khá hẹp nhưng hiện có tới gần chục chung cư cao tầng đã và đang mọc lên. Đường Nguyễn Hữu Cảnh gần đó, một trong những tuyến đường chính từ cửa ngõ phía Đông vào trung tâm quận 1 cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Tại cửa ngõ phía Đông, đường Mai Chí Thọ và xa lộ Hà Nội dù đã được mở rộng lộ giới lên 80-120m nhưng vẫn thường xuyên bị ùn tắc, do khu vực này hiện có hơn 50 tòa nhà cao trên 30 tầng…

Ông Tiến nhấn mạnh, việc xây dựng nhiều công trình cao tầng trong khu vực nội đô đang gây nên sự quá tải về hạ tầng kỹ thuật nhất là giao thông. Ngoài ra là những bất cập không lường trước được như thiếu đồng bộ về cảnh quan kiến trúc, sự chênh lệch về không gian cùng với các hình thức kiến trúc công trình, phá vỡ cấu trúc đô thị trung tâm và quy hoạch đô thị.

GS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, kinh nghiệm thành công của nhiều quốc gia đi trước khi phát triển đô thị đó là tính toán tốt về biến động dân số, giải quyết bài toán về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, tạo nên các điểm gom dân, từ đó việc đầu tư hạ tầng tiết kiệm và hiệu quả hơn.

Cũng theo GS Võ, một cơ chế quyết định phát triển đô thị hiện nay vẫn được hầu hết các địa phương cấp tỉnh áp dụng là: Thứ nhất, nhà nước quản lý phát triển bằng quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch; Thứ hai, các nhà đầu tư (tư nhân) dựa vào quy hoạch đã được phê duyệt đề xuất dự án đầu tư; Thứ ba, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư và phê duyệt cả điều chỉnh quy hoạch.

Theo cách thức này, có thể thấy Nhà nước đã nhường quyền dẫn dắt phát triển đô thị cho các nhà đầu tư tư nhân, tức là lợi nhuận từ đầu tư cho chủ đầu tư sẽ dẫn dắt phát triển đô thị.

“Khi lợi ích nhóm đang bao phủ các vấn đề xã hội thì việc minh bạch hóa các vấn đề về quy hoạch, đầu tư là một quá trình đấu tranh lâu dài” – Một chuyên gia bày tỏ quan điểm.

 

Thiên Bình

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved