Trong báo cáo Viễn cảnh Kinh tế Toàn cầu do Ngân hàng Thế giới (World Bank, WB) thực hiện từ năm 2019 đã đề cập đến làn sóng nợ thứ 4. Đến nay, vấn đề này ngày càng trở nên “nóng” hơn với nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

0-n.

Các chuyên gia đánh giá, làn sóng nợ toàn cầu kéo dài trong nhiều giai đoạn khác nhau, nhưng Covid-19 đã kéo dài làn sóng nợ lần thứ 4 này.

Theo World Bank, nợ tăng lên trong thời gian qua ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, trong 50 năm qua đã có đến bốn làn sóng nợ. Làn sóng gần đây nhất, bắt đầu từ năm 2010, được coi là làn sóng tăng nợ lớn nhất, mạnh nhất và đồng loạt nhất trong cả bốn làn sóng.

Mặc dù lãi suất thấp đã làm giảm nhẹ một số rủi ro liên quan đến nợ cao, nhưng các làn sóng tăng nợ đồng loạt trước đó đều dẫn đến kết cục khủng hoảng tài chính lan rộng. Các phương án chính sách nhằm giảm khả năng diễn ra khủng hoảng và giảm nhẹ tác động khi khủng hoảng xảy ra bao gồm xây dựng khung chính sách tài khóa và tiền tệ đảm bảo khả năng chống chịu, tạo cơ chế giám sát và quản lý nhà nước chặt chẽ, tuân thủ các thông lệ về quản lý nợ minh bạch.

Ông Phan Lê Thành Long và ông Nguyễn Minh Tuấn, các chuyên gia tại AFA Capital đánh giá, làn sóng nợ toàn cầu kéo dài trong nhiều giai đoạn khác nhau, nhưng COVID-19 đã kéo dài làn sóng nợ lần thứ 4 này, không chỉ nợ doanh nghiệp mà cả nợ Chính phủ.

Báo cáo của World Bank đã điểm lại quá trình từ nguyên nhân, sự hình thành, lý do và hệ quả của các làn sóng nợ, đặc biệt hệ quả từ nợ gây ra là rất xấu, tất cả đều dẫn đến khủng hoảng tài chính và ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Cụ thể, làn sóng nợ đầu tiên từ năm 1970 -1990 tại Mỹ La tinh, 1990-2000 bắt đầu từ Đông Á đến châu Á, cụ thể là Thái Lan năm 1997, sau đó là giai đoạn 2000-2009 và từ năm 2010 đến nay. Trong các giai đoạn này vấn đề nổi bật là môi trường tiền dễ và xu hướng vay nợ, nhất là Chính phủ vay nợ chi tiêu công, riêng năm 2020 thì nợ tăng vọt do các quốc gia vay nợ chi cho COVID-19.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng giải thích thêm về việc WB lấy mốc năm 1970 để phân tích, bởi vì năm 1972 chế độ bản vị vàng không còn được áp dụng, việc in tiền mở rộng, nên khi đề cập đến khủng hoảng thanh khoản sẽ gắn với chính sách tiền tệ của các quốc gia.

0-tp

Trong 1 tháng trở lại đây, chúng ta nói quá nhiều về nợ, các quốc gia gần Việt Nam và bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng đang gặp khó khăn, thiếu thanh khoản.

Ở làn sóng nợ thứ nhất, vay nợ lớn từ các ngân hàng thương mại mỹ để phát triển kinh tế do mức lãi suất thấp, kinh tế phát triển nhưng đi cùng là khối nợ khổng lồ: Năm 1970 là 29 tỷ USD, năm 1978 là 159 tỷ USD, năm 1982 là 327 tỷ USD. Năm 1980 buộc phải tăng lãi suất để đối phó với lạm phát, đi kèm với đó là suy thoái kinh tế. Và năm 1982, Mexico tuyên bố không có khả năng trả nợ.

Ông Long bổ sung thêm, khi đó đồng nội tệ Argentina cũng mất giá đến 40%. Kể từ sau 1972, chính sách tiền tệ Mỹ đặc biệt có ảnh hưởng đến các quốc gia. Khi lãi suất USD tăng thì đồng nội tệ buộc phải mất giá, hoặc tăng lãi suất gây khó khăn cho nền kinh tế.

Đến làn sóng nợ thứ hai, việc nới lỏng các quy định trên thị trường tài chính đã tạo ra các Mega Banks. Lãi suất giảm, các nền kinh tế mới nổi và vay nợ nhiều hơn và cuộc khủng hoảng tiền tệ tại Mexico. Năm 1997, dòng vốn tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi.

Còn làn sóng nợ thứ 3 diễn ra từ năm 2002-2009, Mỹ nới lỏng rào cản giữa ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư và Liên minh châu Âu khuyến khích các ngân hàng tiếp cận khách vay ngoại quốc. Cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn tại Mỹ năm 2007-2008 tạo ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Năm 2009, Mỹ cho thấy con số sản lượng sản xuất thấp nhất kể từ cuộc đại suy thoái năm 1930.

Và hiện nay, chúng ta đang đứng trong làn sóng nợ thứ 4 kéo dài từ năm 2010. Lãi suất thấp, thay đổi cấu trúc nền kinh tế dẫn tới khuyến khích vay nhiều hơn. Tại Việt Nam, lãi suất trái phiếu Chính phủ (TPCP) đến giữa năm 2021 theo xu hướng giảm mạnh còn khoảng 2%, nhưng hiện đã tăng hơn 2,5 lần.

Số liệu của IMF và BIS cho thấy, tỷ trọng nợ toàn thế giới đã tăng trưởng từ 25%/GDP từ năm 2012 (năm bắt đầu chu kỳ làn sóng thứ 4) đến thời điểm này đã là 348% GDP toàn cầu.

Chuyên gia từ AFA Capital nhấn mạnh, trong một tháng trở lại đây, chúng ta nói quá nhiều về nợ, các quốc gia gần Việt Nam và bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng đang gặp khó khăn, thiếu thanh khoản.

Theo ông Tuấn, quốc gia đầu tiên cần phải xem là Hàn Quốc, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nước này rất lớn, khoảng 86,6% GDP, lớn nhất châu Á. Còn Việt Nam định hướng trong năm 2025, TPDN sẽ đạt 25% GDP. Thực tế, quy mô nợ TPDN và TPCP của chúng ta còn rất thấp, nếu không dùng vay nợ bằng nội tệ mà dùng ngoại tệ thì nguy hiểm hơn rất nhiều, nhất là khi đồng USD tăng giá.

Tại Trung Quốc, theo số liệu của ADB, quy mô thị trường TPDN bằng đồng nội tệ chiếm 36,8% GDP, tăng 3,5 lần so với năm 2010. Trong đó tốc độ phát triển trái phiếu doanh nghiệp rất lớn, đặc biệt sau năm 2019.

Còn với Việt Nam, chúng ta có tốc độ tăng trưởng “nợ nội tệ của doanh nghiệp” bằng VND đã có sự tăng trưởng rất cao, khoảng 16-17% GDP. Cùng tín dụng và cổ phiếu, nó đang đóng góp rất nhiều vào quy mô huy động vốn. Song áp lực đáo hạn cũng không nhỏ, nhất là các doanh nghiệp bất động sản, doanh nghiệp chưa niêm yết.

“Như vậy, có hai quốc gia có làn sóng nợ nổi bật là Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam cũng đang có làn sóng mua lại TPDN trước hạn. Bắt đầu từ tháng 9/2022 đến thời điểm này đã đạt khoảng 135.180 tỷ đồng. Nguyên nhân lớn nhất là vấn đề thanh khoản”, ông Tuấn phân tích.

Nhóm chuyên gia băn khoăn, tái cấu trúc đang là một thách thức của các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng câu chuyện đặt ra là tiền từ hệ thống tín dụng ngân hàng liệu có phải giải pháp? Rõ ràng, tổng thể làn sóng nợ lần thứ 4 kéo dài do COVID-19 đã khiến dư nợ toàn cầu tăng khi xu hướng lãi suất xuống thấp hơn, tiền bơm nhiều hơn và vay nợ nhiều hơn…

“Trong khi đó, các dữ liệu đều cho thấy, cứ sau làn sóng nợ, lãi suất tăng thì có nguy cơ gây ra khủng hoảng, với quy mô khác nhau. Chúng ta có thể nhìn các bài học trong quá khứ, để các Chính phủ có thể xem xét, ứng phó phù hợp trong bối cảnh các hành động của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang gây sức ép lớn”, ông Long cho biết.

Diễm Ngọc