Việt Nam tiếp tục là điểm đến của các nhân sự cấp trung và cả cấp cao và là nơi xuất phát của lao động xuất khẩu “giá rẻ”.
Trong thời gian qua nhân sự trung cấp đến cao cấp Hàn Quốc qua Việt Nam cạnh tranh với nhân sự trong nước phản ảnh sự dịch chuyển tự do toàn cầu, sau tự do thông tin và tự do dòng luân chuyển vốn. Việc này không chỉ nhập khẩu bất bình đẳng thu nhập cho những quốc gia đang phát triển “nhập khẩu” lao động trình độ cao như Việt Nam, mà còn cản trở lộ trình thăng tiến của lao động nội, làm chậm lại tiến trình học tập của những quốc gia nghèo hơn như Việt Nam.
Với góc nhìn của người ngoài cuộc, Reuters khẳng định các chương trình dạng này đều do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ, với mong muốn giúp người trẻ Hàn tìm được công việc tốt ở khắp nơi trên thế giới. Điển hình là chương trình K-move, được thành lập để kết nối sinh viên Hàn với các doanh nghiệp ở trên khắp 70 quốc gia.
Nếu không có chiến lược nâng cấp nguồn nhân lực tầm quốc gia ngay từ “hôm qua”, tương lai năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ bị đe doạ không chỉ bởi sự thiếu hụt tầng lớp công nhân kỹ thuật lành nghề, mà tầng lớp quản lý cấp cao cũng sẽ bị giới “di cư” quốc tế lấn át.
Việc cải thiện nguồn vốn con người phải tương xứng với tích luỹ nguồn vốn vật chất và nâng cấp công nghiệp của nền kinh tế, cũng như giải quyết được bài toán nguồn vốn cho tăng trưởng, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Việc nâng cấp nguồn nhân lực phải đi trước nhu cầu đổi mới kỹ thuật, kinh doanh trong dài hạn. Nếu không thì nguồn vốn con người sẽ trở thành một hạn chế ràng buộc đối với sự phát triển kinh tế, hoặc đất nước sẽ có một lực lượng đông đảo những lao động trẻ được đào tạo, nhưng trình độ và kỹ năng trên thực tế lại không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
Nguyễn Minh