DNSX4

Những diễn biến tích cực được quan sát trong tháng 10 cho thấy tình hình kinh tế sẽ tiếp tục cải thiện và tăng trưởng được đẩy mạnh trong những tháng tới.

Lưu ý này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu tại phiên họp thảo luận về đề án chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội. Thủ tướng nêu mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế xã hội tới đây là thúc đẩy tăng trưởng, tạo ra động lực mới nhưng phải đảm bảo nền tảng vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát và các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thủ tướng lưu ý các cơ quan soạn thảo đề án này phải tính toán kỹ, làm rõ nguồn lực. Đề án phải gắn kết chặt chẽ với chiến lược tổng thể phòng, chống Covid-19; sử dụng đồng bộ, linh hoạt, điều hành “nghệ thuật, khoa học” chính sách tài khoá, tiền tệ với quy mô, phạm vi, mức độ, lộ trình và thời điểm phù hợp gắn với tăng cường huy động các nguồn lực xã hội.

Việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực này sẽ là “vốn mồi” thúc đẩy cơ cấu nền lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.

Về dự thảo Đề án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, cần hướng tới mục tiêu thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế, tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế – xã hội, nhưng phải đảm bảo nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Theo đó, chương trình cần phải giải quyết các vấn đề trước mắt cũng như lâu dài, gắn kết đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, chương trình phát triển hạ tầng, việc giải quyết một số vấn đề tồn đọng kéo dài…

Thủ tướng lưu ý tính toán kỹ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế gắn với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo.

Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp chuyên đề cuối năm, vào tháng 12 tới.

Theo Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều trở ngại trong việc khởi động lại nền kinh tế sau một thời gian cách ly xã hội kéo dài, nhưng những diễn biến tích cực được quan sát trong tháng 10 cho thấy tình hình kinh tế sẽ tiếp tục cải thiện và tăng trưởng được đẩy mạnh trong những tháng tới.

dautucong

Đầu tư công được xem là “vốn mồi” thúc đẩy phát triển kinh tế.

Các can thiệp về chính sách tài khóa sẽ phát huy hiệu quả, trong đó có việc miễn giảm thuế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công và cung cấp trợ giúp xã hội cho những đối tượng gặp khó khăn.

Từ đó, WB đưa ra khuyến nghị, khi nền kinh tế mở cửa trở lại và phục hồi, ba hướng hành động chính vẫn có ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất, về mặt y tế, việc tiếp tục triển khai tiêm vắc-xin một cách nhanh chóng và tăng cường cảnh giác bằng biện pháp xét nghiệm và cách ly sẽ đóng vai trò quan trọng vì số ca nhiễm dự kiến sẽ tăng lên cùng với sự gia tăng mức độ di chuyển và tiếp xúc.

WB cho rằng, một làn sóng có thể buộc Chính phủ phải áp dụng các biện pháp hạn chế mới để bảo vệ tính mạng của người dân.

Thứ hai, chính sách tài khóa chủ động hơn sẽ hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế. Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong tháng 11 và tháng 12/2021 cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, du lịch, lưu trú, ăn uống và giải trí đã được thông qua, và được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu trong nước vốn đã bị suy giảm nghiêm trọng. Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công có thể hỗ trợ tổng cầu trong khi đẩy mạnh trợ giúp xã hội có thể thúc đẩy cầu từ khu vực tư nhân.

Cuối cùng, lạm phát cũng cần được theo dõi vì nhu cầu trong nước phục hồi trong bối cảnh giá năng lượng trên thế giới tăng có thể gây ra áp lực tăng giá. WB cũng lưu ý, sức khỏe khu vực tài chính cũng cần được giám sát chặt chẽ.

6 trụ cột chính phục hồi kinh tế Việt Nam giai đoạn tới được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu khi chủ trì đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam – Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tối 29/10.

Thứ nhất, phục hồi chuỗi cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hoá, hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn, thông suốt của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới.

Thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thúc đẩy sản xuất kinh doanh nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế và ổn định đời sống xã hội.

Thứ ba, triển khai quyết liệt các chương trình đầu tư quy mô lớn, nhất là các dự án hạ tầng giao thông liên vùng, năng lượng, hạ tầng xanh, hạ tầng số quốc gia…có tác động lan toả, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

Thứ tư, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Thứ năm, nâng cao chất lượng thể chế đồng bộ, hiện đại, theo chuẩn mực quốc tế, là điều kiện tiên quyết, một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước 10 năm tới.

Thứ sáu và là yếu tố quan trọng nhất là nguồn nhân lực nhằm phát huy tối đa nguồn lực quan trọng nhất là con người Việt Nam với tư cách vừa là chủ thể và là mục tiêu cao nhất của sự phát triển. Song song với đó, Việt Nam ưu tiên thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực tự chủ của nền kinh tế phù hợp với những điều chỉnh sau đại dịch Covid-19.

Linh Nga