Chuyển tới nội dung

Người truyền “lửa nghề” chạm bạc ở Đồng Xâm

Trong bối cảnh nghề chạm bạc ngày càng mai một, nghệ nhân Đinh Quang Thắng vẫn lựa chọn “chung thủy” với nghề truyền thống của cha ông. Ông không những gìn giữ những giá trị tinh hoa vốn có mà còn mày mò, sáng tạo và phát triển thêm những nét đẹp của nghề chạm bạc, đồng thời truyền “lửa nghề” cho lớp lớp thế hệ cháu con trong làng, ngoài xã.

Khó khăn vẫn gắn bó với nghề của cha ông

Đến làng Đồng Xâm thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, Thái Bình hỏi nghệ nhân Đinh Quang Thắng thì ai ai cũng biết. Nhà ông Thắng ở sâu trong ngõ nhỏ, nhưng từ xa đã có thể nghe thấy tiếng gõ, tiếng chạm rền rã, tỉ mẩn của hàng chục đôi tay chạm bạc lành nghề.


Nghệ nhân Đinh Quang Thắng, người tạo nên những tác phẩm tinh xảo có tiếng, góp phần gìn giữ nghề chạm bạc Đồng Xâm.

Sinh năm 1958, trong cái nôi của làng quê vốn nổi danh với nghề chạm bạc truyền thống, ông Đinh Quang Thắng sớm bén duyên với những nét hoa văn uốn lượn “rồng bay phượng múa” tinh xảo trên chất liệu bạc. Xã hội cứ thế phát triển, nhiều người không còn mặn mà với cái nghiệp tay búa, tay đục nhưng ông Thắng vẫn chọn gắn bó với nghề của cha ông. Để giờ đây, ông là một trong số những người có thâm niên cao nhất trong lĩnh vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống của làng nghề chạm bạc Đồng Xâm. Không những vậy, ông còn tổ chức các lớp học nghề cho con em địa phương và cả ngoài tỉnh.

“Khi cơ chế kinh tế chuyển đổi, người làng Đồng Xâm cũng như bao làng quê khác nô nức rủ nhau lên thành phố hoặc chuyển sang kinh doanh, không ai mặn mà với cái nghề vừa cực vừa khó này. Dạo ấy thị trường bị thu hẹp, các hợp tác xã dần không duy trì được, phải giải thể hàng loạt”, ông Thắng bùi ngùi nhớ lại quãng thời gian nhiều thách thức.

Sự tàn lụi của tinh hoa nghề thủ công mỹ nghệ đã từng được nhiều cơ quan cảnh báo, song thị trường luôn có sự khắc nghiệt riêng và người làm nghề luôn phải chọn cách thức tồn tại cho mình. Xác định giá trị của những tinh hoa vốn có, ông Thắng dày công sưu tầm, gom góp lại kĩ thuật truyền thống của cha ông để áp dụng chúng vào trong việc sản xuất đồ bạc thủ công của mình. Hầu hết các sản phẩm của xưởng ông đều làm bằng tay, từ phác thảo cho tới vào khuôn, từ chạm cho tới tạo hình chi tiết và đánh bóng. Dưới bàn tay tài hoa của ông, những bộ bình, lư sau khi hoàn thiện có một vẻ trầm mặc, cổ kính của tác phẩm nghệ thuật, chứ không bị trơ như đồ làm hàng loạt bằng khuôn đúc. Vẫn duy trì sản phẩm bạc, song ông Đinh Quang Thắng cũng chuyển sang làm các vật dụng thờ cúng bằng đồng, món nào cũng đòi hỏi thời gian gấp nhiều lần nếu đổ khuôn, càng tốn công sức cho những chi tiết rồng, phượng, mây lửa…Không chỉ vậy, ông cũng không ngừng đổi mới, sáng tạo ra những sản phẩm vừa có tính ứng dụng cao, vừa có hồn cốt nghệ thuật truyền thống.

Năm 2005, khi nhà nghiên cứu Trịnh Bách bắt đầu công việc phục dựng bộ trang phục của vua quan triều Nguyễn, bàn tay tài hoa của Đinh Quang Thắng đã làm ra những họa tiết trang phục bằng đồng tuyệt đẹp, sống động tới từng chi tiết. Bộ đồ này được trưng bày trong các triển lãm về trang phục cung đình Huế trong và ngoài nước, tạo ra tiếng vang trong dư luận quốc tế về vẻ đẹp tưởng như đã mất của một thời lịch sử Việt Nam. Đối với công chúng ít ai biết, để làm được những chiếc kiếm, mũ, hia đó đòi hỏi một quá trình nghiên cứu công phu, bởi hoàn toàn không có vật mẫu để tham chiếu, mọi chi tiết đều chỉ căn cứ vào hình ảnh tư liệu của người Pháp để lại.

Mong được hỗ trợ vốn để phát triển nghề

Đến nay, thương hiệu đồ bạc Đồng Xâm của gia đình ông Đinh Quang Thắng đã được đông đảo khách hàng biết tới. Khách tìm đến đặt hàng cũng rất đa dạng, từ làm đồng hồ giả cổ kiểu châu Âu thế kỉ 18-19 cho tới hàng mỹ nghệ, nhiều nhất là đồ thờ, độc đáo hơn là bộ kim thư, ngân thư. Những đơn hàng đó luôn đặt ông Đinh Quang Thắng trước những thách thức lớn về nghề, song bằng sự nhẫn nại, kiên trì và bàn tay tài hoa, ông vẫn có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng.

Ông Thắng tiết lộ, những năm gần đây doanh thu từ nghề chạm bạc đạt trung bình 2 – 2,5 tỷ đồng/năm. Nhờ có hiệu quả kinh tế mang lại mà nhiều người cũng muốn quay trở lại với nghề hoặc gửi gắm con em mình qua nhà anh học việc.


Xưởng chạm bạc của ông Đinh Quang Thắng đã “truyền lửa” nghề và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Đáp ứng nguyện vọng thiết thực và chính đáng của bà con trong vùng, ông Thắng luôn duy trì lớp học 10-15 học viên, miễn học phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Bên cạnh đó, xưởng chạm bạc của gia đình ông cũng tạo công ăn việc làm cho 8-10 lao động thường xuyên với mức thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng/tháng.

Là một hội viên nông dân, ông Thắng bày tỏ nguyện vọng tha thiết được các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là Hội Nông dân tạo điều kiện hỗ trợ vốn và kinh phí đào tạo nghề miễn phí để có thể duy trì, phát triển, lưu giữ danh tiếng của làng nghề chạm bạc Đồng Xâm và níu giữ con em quê mình khỏi tha hương kiếm sống.

Nhờ có một sự nghiêm túc và say mê trong nghề nghiệp, ông Đinh Quang Thắng đã góp phần gìn giữ nghề chạm bạc, một nghề tinh hoa nổi danh đất Bắc. Các sản phẩm do bàn tay người nghệ nhân này tạo ra cũng ngày càng được khẳng định về chất lượng cũng như giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật. Với những cống hiến thầm lặng mà vô cùng ý nghĩa của mình, nghệ nhân Đinh Quang Thắng đã vinh dự được nhận danh hiệu “Trí thức vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp – nông thôn Việt Nam” và nhiều danh hiệu cao quý khác như sự ghi nhận những đóng góp của ông Đinh Quang Thắng đã làm cho địa phương và xã hội.

“Tôi luôn quan niệm, muốn tạo ra sự cạnh tranh cho các sản phẩm truyền thống thì bản thân mình phải không ngừng trau dồi, sáng tạo ra những thứ độc đáo, cạnh tranh lành mạnh. Với những nỗ lực của mình, tôi hi vọng có thể sớm đưa sự vàng son trở lại với làng nghề, để các con cháu đời sau tiếp nối truyền thống, có công ăn việc làm ổn định ngay tại quê hương”, ông Đinh Quang Thắng bộc bạch.

Anh Ngọc

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved