Suốt từ sau Tết đến nay, giá thịt lợn liên tục tăng cao và chỉ giảm “nhỏ giọt” khi có ý kiến của nhà nước và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có doanh nghiệp giảm thời gian ngắn sau đó lại tăng giá. Một nghịch lý trên thị trường là từ trang trại chăn nuôi của các tập đoàn lớn, giá lợn hơi cho đến khâu bán lẻ đã tăng từ 45 – 60%, với mức lãi 2.000.000 – 3.000.000đ/con thì một đơn vị có thể thu lãi hàng nghìn tỷ đồng/tháng.

Người tiêu dùng đang phải “đối phó” với COVID-19 và giá thịt lợn.

Đây là một mức lợi nhuận vô lý, không thể chấp nhận được. Nguyên nhân thì đã rõ. Một số trang trại chăn nuôi lớn, có số lượng áp đảo về số đầu lợn đã có hiện tượng ghìm giá lợn hơi, hoặc liên kết ngang để cùng thống nhất một mức giá, họ còn có những hành động biểu hiện của sự tiếp tay cho thương lái và các công ty liên kết của họ, việc làm này đã tạo thêm những chi phí trung gian góp phần đẩy giá lên ở thị trường bán lẻ.

Cần phải nhắc lại rằng, trong thời kỳ giá lợn bị sa sút, xuống 22.000 – 25.000đ/kg hơi thì ngành chăn nuôi lại kêu gọi người tiêu dùng giải cứu. Còn hiện nay giá lợn hơi đã tăng gấp rưỡi, gấp đôi một cách vô lý thì họ có giải cứu người tiêu dùng hay không?

Có một lãnh đạo công ty chăn nuôi còn phát biểu trong cuộc họp với Bộ Nông nghiệp về giá lợn là “Chúng tôi chỉ sản xuất chăn nuôi theo kế hoạch, không quan tâm tới giá cả thị trường”. Câu nói vô cảm trên cho thấy rõ, trong lúc người tiêu dùng đang thắt lưng buộc bụng để chi tiêu hàng ngày thì họ vẫn bàng quan, thiếu trách nhiệm với người tiêu dùng, thu lợi nhuận kếch sù về cho đơn vị mình. Điều cần quan tâm là chỉ khi Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp khuyên giảm giá thì họ mới giảm giá ở mức 5.000 – 10.000đ/kg lợn hơi, mang tính nhỏ giọt.

Thịt lợn ở khâu bán lẻ thì sao? cho đến nay chưa có thống kê cụ thể của các cơ quan kiểm toán về lợi nhuận nộp ngân sách chênh lệch giá mua và giá bán của các khâu chăn nuôi và khâu bán lẻ mặc dù đã có ý kiến của Chính phủ trong 2 tháng nay. Điều này cũng phải làm rõ và công khai cho mọi người đều biết.

Mua bán trên thị trường là sự thỏa thuận giữa 2 bên nhưng những hành động vô cảm trong lúc khó khăn chung của mọi người để hưởng lợi nhuận quá mức vô lý, nhất là trong khi Chính phủ đã kêu gọi phải liên kết, chia sẻ, kể cả chia sẻ lợi nhuận thì những hành vi không được nhân văn đó cần bị lên án và có những giải pháp mạnh để giải quyết dứt điểm.

Được biết, trong cuộc họp gần đây nhất, các ngành đã đề nghị sẽ trình Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công thương để đưa mặt hàng thịt lợn vào diện bình ổn giá để kiểm soát việc hình thành giá vốn và giá bán ra trên thị trường, nếu có biến động cần tăng giá thì phải giải trình với các ngành ở các địa phương.

Công cuộc chống dịch COVID-19 chưa có hồi kết ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Sự chia sẻ đúng mực trong lúc khó khăn chính là tạo dựng thương hiệu, niềm tin trong các doanh nghiệp trong thời kỳ đại dịch. Ngược lại, nếu tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh không biết chia sẻ thì sẽ tự đánh mất mình trong việc xây dựng thương hiệu, thậm chí còn bị xã hội phê phán mạnh mẽ.