Chuyển tới nội dung

Người nỗ lực gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống

Hai thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) vốn có vẻ đẹp hoang sơ và khí hậu mát mẻ, nổi tiếng với suối Vũng Bọt và Khe Đương. Phong cảnh hữu tình và những giá trị văn hóa ngàn đời của người Cơ Tu được bảo tồn, gìn giữ đã tạo nên nét hấp dẫn của mảnh đất và con người nơi đây. Để có được thành quả này, không thể không nói tới vai trò của chị Trần Thị Một – hội viên nông dân xã Hòa Bắc.

2.-Net-van-hoa-dac-sac-cua-Dong-bao-dan-toc-Co-Tu-1536x1025

Nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Cơ Tu (xã Hòa Bắc).

Hòa Bắc là xã miền núi, cách trung tâm hành chính huyện 40km về phía Tây Bắc, có diện tích tự nhiên là 343km2; có dân số gần 3.500 người, trong đó hai thôn Tà Lang và Giàn Bí chủ yếu là người Cơ Tu.

Khởi sắc từ nông thôn mới

Chị Trần Thị Một kể rằng, trước năm 1997, người dân xã Hòa Bắc nói chung và hai thôn Tà Lang và Giàn Bí nói riêng chủ yếu là trồng rừng lấy gỗ, gieo, trồng cây lương thực trên đất rừng, một phần trồng lúa nước. Kinh tế rất khó khăn, thiếu thốn về lương thực; hệ thống đường giao thông kém phát triển, mùa mưa bị cô lập… Đời sống văn hóa tinh thần của người dân, nhất là của bà con Cơ Tu còn thiếu thốn, trình độ văn hóa thấp.

Sau khi chia tách Quảng Nam và Đà Nẵng năm 1997, Hòa Bắc được thành phố quan tâm đầu tư xây dựng đường giao thông kết nối từ trung tâm hành chính xã với trung tâm huyện, thành phố và từng bước kết nối đến các bản, thôn. Giao thông được cải thiện, rút ngắn khoản cách từ xã đến huyện và thành phố, từ đó nhiều người biết đến Hòa Bắc hơn. Việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, trường học, trạm y tế cũng được thành phố và huyện quan tâm đầu tư.

Tuy nhiên, Hòa Bắc thật sự thay đổi khi thành phố triển khai Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X và Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020.

“Để thực hiện được chương trình này, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, trong đó có Hội Nông dân xã và đây cũng là lợi thế của tôi vì là người dân tộc thiểu số, quen với nếp nghĩ, cách làm, văn hóa ứng xử của người Cơ Tu” – chị Một nói.

Là người tâm huyết với phong trào, chị luôn đi đầu tham gia mô hình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương gắn với phong trào thi đua và thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Đặc biệt vận động hội viên nông dân làm kinh tế như chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế gia đình góp phần xóa đói, giảm nghèo tại thôn. Đồng thời, chị còn vận động nhân dân tham gia ngày công, hiến đất xây dựng thiết chế văn hóa, làm đường giao thông.

Chị cũng thường xuyên tuyên truyền các chủ trương, chính sách về xây dựng NTM có liên quan đến nông dân, những việc mà người nông dân trực tiếp làm và hưởng lợi. Chị còn trực tiếp vận động nhân dân tham gia các phong trào chung của Hội, vận động nhân dân trong cộng đồng dân tộc Cơ Tu tham gia làm tốt 19 tiêu chí xây dựng NTM tại thôn mình.

Với vai trò là ủy viên BCH Chi Hội Nông dân thôn, chị Một đã đến từng nhà vận động những học sinh bỏ học trở lại lớp; tuyên truyền, vận động thanh niên trong thôn không sử dụng ma túy, chất kích thích; tuyên truyền, vận động hội viên nông dân trong thôn là phụ nữ thường xuyên quan tâm, chăm lo đến con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc… Những hoạt động này đã góp phần cùng địa phương giữ vững an ninh trật tự xã hội của thôn.

Nhờ sự tích cực của những hội viên nông dân như chị Một, năm 2017, xã Hòa Bắc được công nhận là xã NTM. Hiện nay xã tiếp tục triển khai xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu.

3.-Khu-sinh-thai-Ta-Lang-Gian-Bi-con-giu-duoc-ve-dep-hoang-so-1536x960

Khu sinh thái Tà Lang – Giàn Bí còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ.

Gìn giữ văn hóa truyền thống

Từ năm 2015, Hội ND huyện Hòa Vang triển khai thực hiện Dự án “Góp phần bảo vệ đa dạng sinh học vùng đệm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa và Vườn Quốc gia Bạch Mã kết hợp với bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc Cơ Tu hướng tới phát triển du lịch sinh thái cộng đồng”. Mục đích của Dự án là bảo vệ sự đa dạng về sinh học và góp phần tạo ra sinh kế giúp đồng bào người dân tộc thiểu số Cơ Tu ở 2 thôn Giàn Bí và Tà Lang tại xã Hòa Bắc.

Dự án đã hướng tới 3 mục tiêu: Nâng cao năng lực và nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học và tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong quản lý bảo vệ rừng; Bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc Cơ Tu; Khôi phục và duy trì cảnh quan hướng tới phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, đồng bào dân tộc Cơ Tu.

Cùng với đó, được sự hỗ trợ của huyện Hòa Vang, UBND xã Hòa Bắc xây dựng Đề án bảo tồn văn hóa đồng bào dân tộc Cơ Tu tại địa phương. Nhận thức được ý nghĩa của dự án này, chị Trần Thị Một đã dành thời gian và tâm sức khôi phục những điệu múa và nghề truyền thống của người Cơ Tu. Chị là thành viên tích cực của Nhóm múa cồng chiêng và thuyết minh viên tiếng dân tộc Cơ Tu của nhóm.

Để thực hiện được dự án này, xã đã đi khảo sát, mời người về truyền dạy nghề dệt thổ cẩm, đan lát truyền thống đã bị mai một cho 30 chị em ở 2 thôn Giàn Bí và Tà Lang. Xã cũng đưa người dân 2 thôn đi tham quan, học tập kinh nghiệm, trải nghiệm về việc lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk. Chị Một cũng là thành viên trong Tổ dệt thổ cẩm tại thôn. Nhờ đó, không chỉ khôi phục được nghề truyền thống mà còn tạo việc làm cho chị em của thôn tăng thêm thu nhập.

“Việc gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống đã giúp cho đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân Hòa Bắc và 2 thôn Giàn Bí và Tà Lang đã thay đổi rất nhiều. Nơi đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn trong mô hình du lịch cộng đồng với nhiều hình thức đa dạng”- chị Một tự hào cho biết.

Theo anh Đỗ Thanh Tân, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hòa Vang cho biết: “Nhờ triển khai hiệu quả Đề án phát triển du lịch cộng đồng, đến nay các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại hai thôn Tà Lang và Giàn Bí rất phát triển. Góp phần cho sự phục hồi các bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động, từng bước nâng cao thu nhập và ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc Cơ Tu ở huyện Hòa Vang”.

Hòa Bắc có địa hình đồi núi, nằm giữa khu bảo tồn thiên nhiên Vườn quốc gia Bạch Mã và Bà Nà – Núi Chúa. Nơi đây sở hữu những cánh rừng nguyên sinh đa dạng, các dòng sông, suối, thác ghềnh tuyệt đẹp, gần như nguyên vẹn nét hoang sơ tự nhiên. Những nỗ lực bảo tồn văn hóa truyền thống đã tạo sức hấp dẫn du khách. Khi chưa bị ảnh hưởng của Covid-19, hình thức du lịch homestay rất phát triển và đem lại thu nhập cao cho người dân.

Trọng Bình

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved