Những ngày cuối năm, có mặt trong căn nhà nhỏ của nghệ nhân Nguyễn Thị Ảnh (làng Cát Trù, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) thật không khó để bắt gặp hình ảnh lá dong, lạt buộc, thúng mủng, xoong nồi… bày la liệt. Những hình ảnh này, khiến cho không ít người Việt rung rưng nhớ lại những khoảnh khắc thân thương và bình dị nhất khi những ngày Tết nguyên đán đang cận kề.
Về tới làng Cát Trù, hỏi thăm nghệ nhân Nguyễn Thị Ảnh, ai nấy đều biết và truyền tai nhau về một người phụ nữ có biệt tài gói bánh chưng “thần tốc” không dùng khuôn, bánh vẫn vuông vắn, “trăm cái như một”.
Sinh ra trong gia đình có 4 đời có nghề truyền thống gói bánh chưng, của hồi môn lớn nhất mà bố mẹ bà để cho bà chính là nghề gói bánh. “Đây là tâm huyết của gia đình để lại, dù phải thức khuya dậy sớm nhưng chưa bao giờ tôi có ý định bỏ. Tôi mong sao sau này các con của mình sẽ giữ gìn, phát triển nghề của cha ông”, bà Ảnh cho biết.
Theo người nghệ nhân này, để làm ra một chiếc bánh ngon, phần lựa chọn nguyên liệu là rất quan trọng. Gạo được chọn phải là gạo nếp cái hoa vàng, chắc mẩy, có mùi thơm đặc trưng. Đỗ xanh cần phải có là loại đỗ gié, hạt nhỏ và được chế biến từ khi vỡ đỗ, ngâm cho tróc vỏ, đãi sạch, để ráo đến khi đã nấu chín, như vậy nhân bánh mới thơm. Ngoài đỗ, nhân bánh cần có thêm thịt ba chỉ hoặc nạc vai tươi sống trộn kèm gia vị muối, tiêu… vừa đủ, khi ăn sẽ đậm đà hơn.
Khi gói bánh, phải gói chặt tay thì bánh nấu mới vuông vắn, rền gạo, dẻo. Nếu gói lỏng tay bánh dễ bị nhão, không ngon. Bánh gói xong xếp vào một chiếc nồi lớn, đáy nồi lót một ít lá nhỏ hoặc cuống lá. Bánh xếp từng cặp một, úp vào nhau, chèn cho chặt, đổ ngập nước mưa rồi luộc.
Để bánh dẻo ngon, gia đình bà Ảnh thường nấu bánh bằng các loại củi keo, gỗ nhãn thu mua từ vườn đồi quanh vùng bởi nấu bằng củi cho lượng nhiệt ổn định suốt 10 – 12 tiếng. Khoảng thời gian luộc bánh, mọi người trong nhà lại thay phiên nhau túc trực củi nước để bánh không bị cháy.
Khi bánh chín, vớt ra, rửa sạch lớp dầu ở vỏ lá, sau đó xếp bánh lên một chiếc bàn, dùng một tấm ván đặt lên hoặc vật nặng để ép cho bánh ráo nước. Dù không bao giờ gói bánh bằng khuôn nhưng bánh chưng Cát Trù do bà làm vẫn được du khách gần xa “đánh tiếng” là ngon, dẻo, vuông vức, và đều rằn rặt.
Có mặt tại căn nhà nhỏ của người nghệ nhân này lại thấy không khí Tết nhộn nhịp hơn bao giờ hết, từ ngoài ngõ vào sân, trong nhà bạt ngàn màu xanh của lá dong, màu trắng của gạo, màu vàng của đỗ. Từ người già, người trẻ đều hối hả rửa lá, vo gạo, gói bánh.
“Mỗi tháng gia đình xuất khoảng 5.000 bánh chưng, thời điểm gần Tết số lượng bánh tăng gấp 6 – 8 lần. Những ngày cuối năm, lúc nào bếp bánh chưng nhà bà cũng luôn rực lửa. Để kịp tiến độ trả hàng, bà phải thuê thêm khoảng 20 lao động ngày đêm túc trực. Mỗi lao động sẽ được trả 250.000 đồng nếu làm ban ngày và 500.000 đồng nếu làm cả đêm. Giá bánh chưng thời điểm hiện tại bán buôn là 50.000 đồng/chiếc, bán lẻ là 60.000 đồng/chiếc”. Bà Ảnh chia sẻ.
Nhiều du khách thập phương đến vùng đất này, nhất định không về tay không mà phải xách thêm năm mười chiếc bánh về làm quà. Từ đó, mà bánh chưng do bà làm nói riêng và làng Cát Trù nói chung không còn là “độc nhất” của đất Phú Thọ mà đã trở thành đặc sản yêu thích của cộng đồng người Việt.
Huyền Chi