Chuyển tới nội dung

Người lao động không làm thêm quá 60 giờ mỗi tháng

Chiều ngày 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.

Theo nghị quyết, về số giờ làm thêm trong 1 năm, trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm, trừ các trường hợp như: Người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi; người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết.

Về số giờ làm thêm trong 1 tháng, trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.

Nghị quyết nhấn mạnh trong trường hợp phải làm thêm giờ, người sử dụng lao động thực hiện các chế độ phúc lợi bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.

Nghị quyết có hiệu lực bắt đầu từ 1/4/2022; quy định về thời giờ làm thêm trong 1 năm có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

8-gopy-1563111979417987525949

Người lao động không làm thêm quá 60 giờ mỗi tháng.

Trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã đề nghị nâng số giờ làm thêm một tháng của người lao động từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ (gấp 1,8 lần). Quá trình kiểm tra vừa qua, Bộ ghi nhận do sức ép đơn hàng, một số doanh nghiệp thỏa thuận trực tiếp với người lao động để tăng giờ làm thêm.

“Chính việc ngấm ngầm này đôi khi khiến quyền lợi của người lao động không được đảm bảo, như tiền lương làm thêm giờ vào ngày thường ít nhất bằng 150%, ngày nghỉ hàng tuần ít nhất bằng 200%, ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương ít nhất bằng 300%”, ông Dung nói.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đề nghị nâng kịch trần 72 giờ vì số công nhân mắc COVID-19 cao. Chỉ trong 23 ngày đầu tháng 3, có hơn 4 triệu ngày công bị mất do công nhân nhiễm COVID-19. “Doanh nghiệp phải dồn sức dồn người, phải tăng ca tăng kíp thì mới hoàn thành đơn hàng. Đây không phải là ưu đãi cho doanh nghiệp mà là ứng phó với COVID-19, vì trách nhiệm khôi phục và phát triển kinh tế”, ông nói.

Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình với lý giải này. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói không nhận được văn bản nào của các hiệp hội hay doanh nghiệp đề nghị tăng trần làm thêm mỗi tháng lên 72 giờ. “Bao nhiêu doanh nghiệp có đơn hàng không làm kịp, bao nhiêu công nhân bị nhiễm COVID-19?”, ông đặt câu hỏi.

Lãnh đạo Quốc hội cũng nêu thực trạng công nhân bị ảnh hưởng sức khỏe do hậu COVID-19, trong khi quyền tăng giờ làm thêm là của Quốc hội, Thường vụ chỉ được ủy quyền “nên phải thận trọng”.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng khẳng định mục tiêu của Việt Nam là tăng lương, giảm giờ làm. Doanh nghiệp muốn tăng năng suất thì phải cải tiến kỹ thuật. “Dịch COVID-19 là cơ hội để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nếu cứ tăng giờ làm thì ai sẽ áp dụng khoa học kỹ thuật vào để tăng trưởng?”.

“Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đã nhiều lần khẳng định không đánh đổi sức khỏe và sinh mạng của người dân để lấy tăng trưởng. Đây là những quan điểm cần phải bám vào”, ông nói, khẳng định Bộ Luật lao động quy định giờ làm thêm cho từng ngày, tuần, tháng, năm là dựa trên cơ sở khoa học.

Minh Đức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved