Sẽ không còn tình trạng nhảy vọt tiền điện khi giao mùa, những hộ dùng ít điện sẽ được hưởng lợi nhiều hơn… là thông tin được ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ quý III của Bộ Công Thương ngày 12/10.
Trích dẫn thông tin từ ông Trần Tuệ Quang cho biết, trên cơ sở đánh giá tác động của các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt, Bộ Công Thương đã đưa ra 2 phương án biểu giá bán lẻ điện mới. Việc cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sẽ khắc phục được một phần tình trạng hóa đơn tiền điện biến động trong những tháng đổi mùa. Đồng thời, định hướng giảm bớt số bậc, thu hẹp biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt với số bậc phù hợp với chênh lệch hợp lý giá điện cho các bậc, hạn chế tối đa tác động tới các hộ sử dụng điện thấp và trung bình.
“Cả 2 phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt theo đề xuất của Bộ Công Thương đều đảm bảo giảm tối đa tác động tới các hộ có mức sử dụng thấp, trung bình”, ông Quang khẳng định.
Với phương án giá điện 5 bậc, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện cao từ 711 kWh/tháng trở lên (chiếm khoảng 2% số hộ) phải trả tăng thêm; Tiền điện của các hộ sinh hoạt có mức sử dụng dưới 711 kWh/tháng đều có tiền điện phải trả không đổi hoặc giảm. Đối với phương án 4 bậc, tăng tiền điện phải trả đối với các hộ có mức sử dụng từ 119 – 232 kWh/tháng và các hộ có mức sử dụng trên 806 kWh/tháng.
Theo đại diện Cục Điều tiết điện lực, theo đánh giá sơ bộ thì tác động tăng tiền điện đối với các hộ có mức sử dụng từ 119 – 232 kWh/tháng là không lớn với mức tiền điện tăng thêm tối đa chỉ 12.100 đồng/tháng/hộ, tương ứng mức tăng tiền điện là 3,25%. Các hộ còn lại có tiền điện phải trả không đổi hoặc giảm.
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và Tăng trưởng xanh cho rằng, phương án 4 bậc đề xuất đem lại nhiều lợi ích cho các hộ gia đình sử dụng điện ở mức độ tiêu dùng trung bình (chiếm đa số trong các nhóm khách hàng sinh hoạt).
Còn với phương án 5 bậc, những hộ gia đình sử dụng ít điện sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, khi so sánh với biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện nay. Những người sử dụng nhiều điện, từ 700 kWh trở lên, sẽ phải trả nhiều tiền hơn.
“Phương án 5 bậc của Bộ Công Thương có lợi hơn cho đại đa số người dùng, gồm những hộ nghèo, hộ chính sách trong khi ngân sách không phải tăng phần chi trả. Người dùng ít điện sẽ không bị tăng tiền điện, trong khi những hộ tiêu dùng nhiều điện sẽ phải chi trả nhiều hơn, phù hợp với nguyên tắc khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả”- ông Sơn nói.
Theo phương án biểu giá điện mới của Bộ Công Thương, với phương án cải tiến giá điện từ 6 bậc hiện hành xuống còn 5 bậc thang được tính như sau: Bậc 1 cho 0-100 kWh đầu tiên, giá điện mới là 1.678 đồng/kWh (giá đang áp dụng là 1.678-1.734 đồng/kWh); Bậc 2 cho kWh từ 101-200, giá điện mới đề xuất là 2.014 đồng/kWh (giá đang áp dụng là 2.014 đồng/kWh ); Bậc 3 cho kWh từ 201-400, giá điện mới đề xuất là 2.536 đồng/kWh (giá đang áp dụng là 2.536-2.834 đồng/kWh); Bậc 4 cho kWh từ 401-700, giá điện mới đề xuất là 3.020 đồng/kWh (giá đang áp dụng là 2.927 đồng/kWh); Bậc 5 cho kWh từ 701 trở lên, giá điện mới đề xuất là 3.356 đồng/kWh (giá đang áp dụng là 2.927 đồng/kWh).
Về lộ trình xây dựng kế hoạch cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Bộ Công Thương cho rằng các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện theo đề xuất tại đề án cần được xem xét một cách thận trọng trên cơ sở đánh giá tác động, có lộ trình cụ thể và tham khảo ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, của các cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội, người dân là những đối tượng chịu tác động trực tiếp của chính sách.
Lâm Tới