Người đứng đầu nhóm nghiên cứu dịch bệnh COVID-19 của Trung Quốc khẳng định những người đã có đủ kháng thể trong người sẽ không thể tái nhiễm.
Chuyên gia hô hấp Chung Nam Sơn, chuyên gia hàng đầu Trung Quốc trong phòng chống dịch Viêm đường hô hấp cấp SARS năm 2003 và là người đứng đầu nhóm nghiên cứu dịch bệnh COVID-19 của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết, chủng mới của virus SARS-CoV-2 có một điểm đặc trưng là gây ra một lượng lớn chất nhầy bám dính trong vùng trong tiểu phế quản của bệnh nhân.
Việc những chất nhầy này cản trở đường thở có thể dẫn tới tình trạng nhiễm trùng thứ phát và nhóm của ông đang nghiên cứu cách thức giải quyết vấn đề này.
Ông Chung Nam Sơn cũng cho biết tỷ lệ tử vong trong nhóm các bệnh nhân nặng ở tâm dịch Vũ Hán hiện ở mức gần 60%.
Các chuyên gia trong đội ngũ của ông đang nghiên cứu các giải pháp cho tình trạng thiếu O2 trong mô và một số phương pháp đã được chứng minh hiệu quả trong việc giảm triệu chứng khó thở ở các bệnh nhân tại Vũ Hán.
Khi được hỏi về những trường hợp bệnh nhân được xuất viện sau khi hồi phục nhưng sau đó lại có kết quả xét nghiệm dương tính với virus, chuyên gia này cho biết COVID-19 là dịch bệnh truyền nhiễm mới và cơ chế truyền nhiễm bệnh dịch này vẫn còn đang được nghiên cứu.
Nhóm của ông hiện chưa thể đưa ra một kết luận toàn diện và vẫn đang theo dõi sát sao diễn biến dịch bệnh. Tuy nhiên, chuyên gia Chung Nam Sơn khẳng định theo các quy luật tích lũy được trong quá trình nghiên cứu vi sinh vật cho tới nay thì những người đã có đủ kháng thể trong người sẽ không thể tái nhiễm.
Nhận định về vấn đề tái nhiễm của bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cũng cho biết, khi một bệnh nhân khi mắc bệnh, rồi khỏi bệnh thì đã có khả năng miễn dịch (kháng thể) để không mắc bệnh đó nữa.
Tuy nhiên, cũng có người bệnh xong, nhưng cơ thể không có miễn dịch, nên nhiễm lại. Mặt khác, người khỏi bệnh nhưng trở về vùng dịch bệnh COVID-19 cũng có thể bị nhiễm lại.
“Nên hướng lấy máu của người đã khỏi bệnh COVID-19 để truyền cho người bệnh mới, chưa chắc đã trị được. Cúm gà (H5N1) người ta cũng đã nghiên cứu như vậy, nhưng không được. Hiệu quả từ nghiên cứu đến thực tế là còn khá xa”, TS. BS.Châu cho biết thêm.
Trước đó, cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều ghi nhận trường hợp bệnh nhân tái nhiễm SARS-CoV-2 mặc dù trước đó đã được chữa khỏi và xuất viện. Thậm chí, giới chức y tế tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, 14% ca xuất viện sau đó lại tái nhiễm SARS-CoV-2.
Theo Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), bệnh nhân có thể được xem là đã chữa khỏi và được xuất viện khi việc xét nghiệm mẫu thử lấy ở cổ hoặc mũi cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 hai lần liên tiếp, đồng thời kết quả quét CT không thấy dấu vết tổn thương ở phổi, và không thể hiện các triệu chứng như sốt.
Sau khi xuất viện, họ tiếp tục được theo dõi tình trạng sức khoẻ và bị giới hạn hoạt động ngoài trời suốt 2 tuần. Tuy nhiên, việc tái nhiễm SARS-CoV-2 ở những người được cho đã chữa khỏi buộc giới chức y tế tỉnh Quảng Đông đưa ra quyết định tiếp tục cách ly nhóm này để quan sát.