Cả nước đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, hàng triệu gia đình ở nhà, hạn chế ra ngoài trong khi chi phí của họ luôn phát sinh và  giá điện, nước trở thành mối quan tâm lớn người dân lúc này.

Bộ Công thương đề nghị giảm cao nhất 10% giá điện sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4

Mới đây, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết Bộ Công thương đã đưa ra một số phương án về giảm giá điện cho các khách hàng người dân (điện sinh hoạt) và doanh nghiệp (điện sản xuất). Mức hỗ trợ được đề xuất có thể cao nhất lên tới 10%.

Dĩ nhiên, đề xuất giảm giá điện của Bộ Công thương, ngoài nhận được sự ủng hộ của dư luận thì các chuyên gia cũng đánh giá cao. Nhưng đến lúc này người dân vẫn ngóng chờ động thái thiết thực, “thần tốc” hơn từ EVN thay vì thể hiện qua lời nói và văn bản.

Bởi, dịch bệnh COVID-19 ở nước ta đang diễn biến phức tạp, người dân phải ở nhà nhiều hơn. Đặc biệt, trong những ngày “tự cách ly” với xã hội, hiện đã có đề xuất xin thêm thời gian thực hiện cách ly xã hội, các khoản chi phí điện nước trong các gia đình đều tăng, trong khi phần lớn tiền lương đã giảm, nhiều người đã phải dùng đến trợ cấp thất nghiệp, đó là điều ai cũng thấy rõ..v..v.

Nhìn mặt bằng chung về tình hình sản xuất, kinh doanh ở tất cả các thành phần kinh tế thời gian qua có thể thấy chưa bao giờ các cá nhân, tổ chức lại gặp khó khăn như bây giờ. Chính phủ cũng đang tìm mọi cách để tháo gỡ khó khăn cho người dân. Chính vì thế, ở thời điểm này, ngành điện không thể nào đứng ngoài cuộc.

Hãy nhìn xem, khi giá dầu, giá than tăng, khiến giá điện sản xuất tăng, điện phải bù lỗ, ngành này đã từng kêu gọi người dân đồng hành với họ thì đây là dịp để điện đồng hành với người dân. Mãi đến thời điểm này, ngành điện mới vào cuộc để cùng chia sẻ với người dân- cũng là khách hàng của mình, tuy hơi muộn những dù sao dân cũng thấy vui.

Tuy nhiên, dười góc nhìn của giới chuyên gia thì đòi hỏi EVN phải làm công việc này sớm hơn, giảm sâu hơn nữa so với 10% như để xuất. Một số phân tích từ các chuyên gia kinh tế cho rằng EVN hoàn toàn có đủ điều kiện để giảm giá điện nhằm chia sẻ với khó khăn chung của nền kinh tế. Mức giảm giá điện cho hộ gia đình nên là 15%; đối với các ngành sản xuất trực tiếp, nên xem xét giảm 20% trở lên.

Biểu giá điện mới đề xuất

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi chỉ rõ một số năm gần đây, kết quả sản xuất – kinh doanh của EVN ở mức khá tốt. Chẳng hạn, năm 2019, doanh thu ước đạt 393.230 tỉ đồng, tăng 14,3% so với năm 2018. Lợi nhuận Công ty mẹ – EVN – trong năm này ước đạt 950 tỉ đồng và tất cả các tổng công ty đều có lợi nhuận đạt kế hoạch. Còn năm 2018, tập đoàn này công bố lãi hơn 700 tỉ đồng kinh doanh điện.

“Với triển vọng sản xuất – kinh doanh như trên, việc giảm doanh thu gần 11.000 tỉ đồng để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh là không quá khó. Để cân đối lại, tập đoàn cần tiết giảm chi phí, cân đối các nguồn điện để vừa bảo đảm nhiệm vụ an sinh xã hội vừa hoàn thành nhiệm vụ sản xuất – kinh doanh” – ông Ngãi phân tích.

Thực ra, không ai có thể “bắt” hay “ép” ngành điện phải giảm giá bán điện cho người tiêu dùng. Nhưng EVN là doanh nghiệp của Nhà nước, mọi đầu tư, phát triển đều từ nguồn vốn đóng góp từ thuế của dân, thì trong lúc khó khăn như hiện nay không có lý do gì để không chìa một bàn tay chung tay với cộng đồng vượt khó.

Liên quan đến vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội Lê Thanh Vân cho biết: “Chính phủ đã khuyến nghị các địa phương làm việc với các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch để họ cân đối, chia sẻ khó khăn với người dân, việc này không phải “bắt buộc”. Khi dịch bệnh cần chia sẻ thì doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa thiết yếu như điện, nước, lương thực… thì phải có trách nhiệm với xã hội”.

Người ta hay nhắc đến một đạo lý của doanh nghiệp là không vì mục đích lợi nhuận trong thiên tai khi cả xã hội đang gồng mình chống dịch. Giảm chi tiêu cho dân lúc này là thực tế nhất và là trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước, và EVN hoàn toàn trong khả năng mình để làm được. Thậm chí, EVN có thể làm sớm, làm “thần tốc” việc này vì mục đích an sinh xã hội.

Không chỉ là ở thời điểm cả nước thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, mà khi dịch bệnh qua đi, người dân – doanh nghiệp sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa trong việc phục hồi, gượng dậy sau khủng hoảng, lúc đó ngành điện cũng cần thể hiện nhiều hơn nữa sự chung tay, góp sức với cộng đồng.