Không chỉ thể hiện sự nhạy bén “đi tắt đón đầu”, việc ban hành Nghị định số 09/2022/NĐ-CP còn được cho sẽ bảo đảm hiệu quả thực thi cam kết quốc tế, tận dụng được tối đa lợi ích cho công tác đấu thầu…
Ngày 12/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2022/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm theo CPTPP, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA).
Theo các chuyên gia, Nghị định được ban hành không chỉ thể hiện sự nhạy bén “đi tắt đón đầu”, mà còn bảo đảm hiệu quả thực thi cam kết quốc tế, thống nhất các quy định về đấu thầu theo các FTA để tận dụng được tối đa lợi ích cho công tác đấu thầu trong nước.
Ngoài việc tích hợp “3 trong 1”, hướng dẫn việc đấu thầu mua sắm theo các FTA của các hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA, so với Nghị định số 95/2020/NĐ-CP, Nghị định số 09/2022/NĐ-CP cũng có nhiều sửa đổi, bổ sung đáng chú ý.
Cụ thể, khi tích hợp thêm EVFTA và UKVFTA, danh sách các cơ quan mua sắm tại Nghị định số 09/2022/NĐ-CP được bổ sung thêm gồm: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Tập đoàn Điện lực, Tổng công ty Đường sắt, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, ngưỡng giá gói thầu sau khi kết thúc thời gian quá độ của Việt Nam đối với cơ quan mua sắm cấp trung ương xấp xỉ 4,2 tỷ đồng áp dụng cho gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn; xấp xỉ 160 tỷ đồng đối với gói thầu dịch vụ xây dựng. Ngưỡng giá gói thầu áp dụng cho cơ quan mua sắm khác xấp xỉ 32 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn và xấp xỉ 480 tỷ đồng đối với gói thầu dịch vụ xây dựng.
Về đấu thầu nội khối, tại Nghị định số 09/2022/NĐ-CP cũng quy định khái niệm “nội khối” không còn gói gọn trong 11 nước thành viên CPTPP như quy định tại Nghị định số 95/2020/NĐ-CP mà đã mở rộng nội hàm để bao trùm 27 nước EU cùng với Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len. Khi tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 09/2022/NĐ-CP, cơ quan mua sắm phải tổ chức đấu thầu nội khối, trừ trường hợp người có thẩm quyền xét thấy cần tổ chức đấu thầu quốc tế để mang lại hiệu quả cao hơn.
Cùng với đó, đối với gói thầu cung cấp dịch vụ, cơ quan mua sắm quyết định việc cho phép nhà thầu nội khối tham dự hoặc chỉ cho phép nhà thầu của nước ký hiệp định với Việt Nam tham dự thầu. Đối với gói thầu cung cấp hàng hóa, cơ quan mua sắm quyết định việc cho phép nhà thầu nội khối chào hàng hóa có xuất xứ nội khối tham dự hoặc chỉ cho phép nhà thầu của nước ký hiệp định với Việt Nam chào hàng hóa có xuất xứ từ nước đó tham dự.
Ngoài ra, Nghị định số 09/2022/NĐ-CP bổ sung một số nội dung mới theo quy định của EVFTA và UKVFTA như: quy định về đánh giá tư cách hợp lệ của nhà thầu (là tổ chức, cá nhân), thông báo tóm tắt bằng tiếng Anh, việc xác định giá gói thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ lặp đi lặp lại.
Chưa kể, trong khi Nghị định số 95/2020/NĐ-CP có tới 7 phụ lục thì tại Nghị định số 09/2022/NĐ-CP, các phụ lục được sắp xếp lại thành Phụ lục gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của cả ba hiệp định (Phụ lục I); Phụ lục gói thầu chỉ thuộc phạm vi điều chỉnh của CPTPP (Phụ lục II); Phụ lục gói thầu chỉ thuộc phạm vi điều chỉnh của EVFTA và UKVFTA (Phụ lục III). Mỗi phụ lục đều liệt kê cụ thể ngưỡng giá gói thầu, danh sách cơ quan mua sắm, danh mục hàng hóa và dịch vụ thuộc phạm vi điều chỉnh.
Đánh giá về Nghị định số 09/2022/NĐ-CP, một số chuyên gia cho rằng, sau gần một năm rưỡi đi vào cuộc sống, Nghị định số 95/2020/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm theo CPTPP không ghi nhận vướng mắc gì về mặt kỹ thuật nhưng vẫn được sửa đổi khá sớm, thể hiện sự “đi tắt đón đầu” trong quá trình hội nhập, khi Việt Nam liên tiếp ký kết các hiệp định thương mại tự do, trong đó có những cam kết mới về mua sắm chính phủ.
Thực tế, khi CPTPP, EVFTA và UKVFTA đều có hiệu lực, một số cơ quan mua sắm của Việt Nam có thể gặp phải tình huống các gói thầu của họ thuộc phạm vi điều chỉnh của CPTPP hoặc EVFTA hoặc UKVFTA, hoặc cả ba. Do các hiệp định có khác biệt về phạm vi áp dụng, quy trình thủ tục, cam kết mở cửa thị trường…, quá trình thực thi sẽ nảy sinh không ít thách thức.
“Để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho các cơ quan mua sắm tuân thủ đúng và đủ các cam kết về đấu thầu mua sắm trong các Hiệp định này, việc sửa đổi Nghị định số 95/2020/NĐ-CP là cần thiết, kịp thời bổ sung những nội dung của EVFTA và UKVFTA mà chưa được quy định trong Nghị định số 95/2020/NĐ-CP”, các chuyên gia nhận định.
Cũng theo các chuyên gia, việc tích hợp “3 trong 1” cũng sẽ tạo điều kiện cho nhà thầu trong nước cũng như nhà thầu từ các nước thuộc EU, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len tìm hiểu quy định về đấu thầu một cách dễ dàng, bảo đảm sự cạnh tranh, minh bạch mà Việt Nam đã cam kết trong các FTA.
Gia Nguyễn