Nghị định 08 chỉ là giải pháp tình thế

Như phóng viên đã thông tin, sự ra đời của Nghị định số 08/2023/NĐ-CP đã xây dựng được khuôn khổ pháp lý để xử lý vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, mang đến nhiều kỳ vọng cho doanh nghiệp địa ốc.

Tuy nhiên, ở góc nhìn thận trọng, theo chuyên gia kinh tế – TS Nguyễn Trí Hiếu, Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi theo hướng cho phép doanh nghiệp được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu nhưng phải đảm bảo một số nguyên tắc quy định, trong đó được thoả thuận gia hạn với các nhà đầu tư về trái phiếu thêm 2 năm. Đây là giải pháp không thực tế, bởi không thể đảm bảo sau 2 năm nữa nhà phát hành có thể trả đúng hạn hay không, và cũng không tính toán được hao hụt với trái phiếu được đảm bảo bằng tài sản.

Cũng theo vị chuyên gia, với quy định nếu hai bên đàm phán với nhau, cho phép nhà phát hành trái phiếu trả bằng tài sản khác, điều này không có gì mới mẻ. Nhà phát hành không trả bằng tiền thì trả bằng hiện vật, pháp luật không bắt buộc người trả nợ chỉ trả bằng tiền mặt.

Không những vậy, với quy định ngưng hiệu lực thi hành đối với việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, cần cẩn trọng với điều này bởi nó dễ đưa thị trường trái phiếu vào cuộc khủng hoảng, tăng tính rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân.

Cùng góc nhìn thận trọng, theo TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Nghị định 08 sẽ làm giảm áp lực trả nợ trái phiếu đáo hạn với cao điểm là năm 2023, nhưng chỉ là giải pháp tình thế.

Theo ông Lực, rất cần tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện cam kết của doanh nghiệp, sự đồng hành, chia sẻ của nhà đầu tư và sự hỗ trợ kịp thời, giải quyết vướng mắc của các cơ quan quản lý. Đồng thời, các bên liên quan cũng cần chuẩn bị hành trang cho năm tới khi các điều kiện tiêu chuẩn cao hơn (nhà đầu tư chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm, thời gian phân phối trái phiếu…) bắt đầu áp dụng trở lại.

Ông Lực cũng cho rằng doanh nghiệp nên tiếp tục sẵn sàng bán tài sản với mức chiết khấu có thể lên đến 30 – 40%. Đẩy mạnh cơ cấu lại sản phẩm, hoạt động, tiết giảm chi phí. Sớm bắt tay chuẩn bị phát hành mới theo Nghị định 08 để có tiền trả nợ, hoàn thiện các dự án dở dang. Đồng thời đa dạng hóa nguồn vốn và quan tâm hơn đến quản lý rủi ro tài chính (hạn chế dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều, hạn chế đầu tư dàn trải…).

Ở góc độ pháp lý, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng các quy định về quy đổi nợ hay đàm phán, thỏa thuận hoãn trả nợ trái phiếu đều là giao dịch dân sự giữa bên vay nợ và bên chủ nợ, không hề mới.

Bên cạnh đó, theo vị luật sư này, điều cần thiết trong quy định sửa đổi phát hành trái phiếu lần này là cần phải có sự đánh giá, xếp hạng về tín nhiệm, thế nhưng Nghị định 08 lại lùi thời hạn xếp hạng tín nhiệm. Tiêu chí này là cần thiết nhưng lại thiếu và đây là điều đáng tiếc.

Diệu Hoa