Đất Kẻ Chợ xưa được bén rễ bởi trăm nghề truyền thống, một trong số đó phải kể đến nghề gò đồng ở phố Hàng Đồng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tuy nhiên, những xưởng gò đồng từ thuở nghề bén rễ lại đang bị mai một, duy chỉ có cửa hàng của nghệ nhân Nguyễn Đình Dũng còn trụ lại.
Phố Hàng Đồng nằm trong khu vực phố cổ Hà Nội. Thời kì thuộc Pháp vào cuối thế kỉ XIX, hai phố Hàng Đồng và Bát Sứ thuộc một phố, có tên là Rue des Tasses. Từ xưa đến nay, người dân phố Hàng Đồng chuyên làm nghề sản xuất và buôn bán đồ dùng được gia công từ nguyên liệu đồng.
Ngoài việc trực tiếp sản xuất, phố Hàng Đồng cũng là nơi buôn bán đồ đồng rất sầm uất với các mặt hàng là vật dụng trong gia đình như: mâm, chảo, bình hoa, đèn đồng trên bàn thờ, đến mâm đồng, nồi đồng, hộp quả…và những pháp khí, nhạc cụ dùng trong lễ nghi Phật giáo, lễ nghi cung đình và lễ nghi dân gian cho cả kinh thành Thăng Long khi ấy.
Chúng tôi may mắn gặp ông Nguyễn Đình Dũng, đã ngoài 50 tuổi là người duy nhất còn theo nghề. Ông là một nghệ nhân thực thụ, ngày ngày gò lên những sản phẩm truyền thống bắt mắt, đáp ứng xu thế thị trường, tránh đi vào bờ vực đóng cửa.
Chia sẻ về lý do các cửa hàng đều đóng cửa, đổi nghề buôn bán đồ đồng hơn là làm nghề gò, ông Dũng nói: “Cơ chế thị trường đã làm thay đổi nghề thủ công một cách rõ rệt, nhìn vào số lượng cửa hàng còn làm nghề trên phố Hàng Đồng là dễ hiểu. Chưa kể, đối với nghề thủ công lại đòi hỏi người làm nghề phải có sự kiên trì, có lòng yêu nghề. Chỉ chăm chăm kiếm tiền, không có đam mê sẽ nhanh nản chí, nóng ruột vì bao nhiêu chấm trên sản phẩm là bấy nhiêu nhát búa lên xuống, một ngày có khi đập hàng triệu nhát búa”.
Tại cửa hàng gò đồng nhà ông Dũng, các sản phẩm hiện được làm bằng 2 loại đồng là đồng đỏ và đồng vàng. Mặc dù giá cả có sự chênh lệch, đồng đỏ đắt hơn rất nhiều nhưng người mua lại thích làm các sản phẩm bằng đồng vàng nhiều hơn. Bởi lẽ, các đồ trang trí trong gia đình nên lựa chọn đồng vàng, khi ra thành phẩm sẽ đẹp mắt, sáng. Đối với các sản phẩm mang tính cổ điển, nhuốm màu thời gian sẽ được làm từ đồng đỏ.
Đồ nghề không thể thiếu của ông Dũng cũng thật đơn giản nhưng chẳng thể thiếu một thứ gì. Như là đồng nguyên chất, compa, thước kẻ, dao cắt, đe, quai búa với nhiều kích thước, hình dạng, kết cấu và khối lượng khác nhau, mỏ hàn, máy mài… Bên cạnh đó, một đôi bàn tay khỏe mạnh và khéo léo, không chỉ cầm quai búa mà còn cảm nhận độ dày mỏng, căng hay duỗi của tấm đồng để tạo ra một sản phẩm ưng ý cũng là điều quan trọng.
Các công đoạn gò đồng ra một sản phẩm ưng ý bắt đầu từ việc cắt đồng theo hình dáng sản phẩm, gò cho đồng mềm để dễ chế tác, gò tạo hình hoàn thiện, đánh bóng hoặc làm màu sản phẩm theo yêu cầu. Nghe các công đoạn này có vẻ đơn giản nhưng mỗi công đoạn đều phải thực hiện đúng quy trình, đúng tiêu chuẩn và đạt chất lượng. Do đó, muốn làm được nghề này cần hội tụ đủ đức tính kiên nhẫn, tỉ mỉ, cẩn thận và có gu thẩm mỹ cũng như óc sáng tạo.
Có thể thấy rằng, đối với các nghề thủ công truyền thống, sự đam mê là điều rất quan trọng. Khi ấy, người thợ gò mới có thể duy trì được cái nghề truyền thống có tuổi đời nghìn năm, có những kỹ thuật tinh xảo vẫn được giữ gìn cho đến ngày hôm nay.
Dù nghề gò đồng có nguy cơ mai một, dù cho phố Hàng Đồng chỉ còn một mình ông Dũng giữ nghề và cũng là người thợ lành nghề cuối cùng ở đây. Những sản phẩm chất lượng cao từ được gò ra bằng đồng vẫn được gìn giữ cho thế hệ mai sau, nhưng trong tương lai sẽ thật khó để tìm thấy…
Quốc An