Ngày mai 9-5, nước Nga tưng bừng kỷ niệm 76 năm Chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (9-5-1945-9-5-2021). Theo truyền thống, lễ duyệt binh, diễu binh mừng Ngày Chiến thắng năm nay sẽ được tổ chức long trọng trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow.
Trung đoàn bất tử trực tuyến
Ban tổ chức hoạt động “Trung đoàn bất tử trực tuyến” của Nga cho biết, trong hơn nửa tháng qua, họ đã nhận được hơn 800.000 lời đề nghị đăng ký tham gia, với thông tin của những người đã anh dũng hy sinh trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên Xô (22-6-1941 – 9-5-1945).
Hoạt động “Trung đoàn bất tử trực tuyến” lần đầu tiên được tổ chức năm 2020, do thực hiện giãn cách xã hội bởi đại dịch Covid-19 và hoạt động này kéo dài hơn 20 ngày. Năm nay, hoạt động này được tổ chức quy củ hơn, các kênh thông tin về những người đã hy sinh để có Ngày Chiến thắng sẽ được đăng tải theo khu vực, và người dân các thành phố đều có thể tìm thấy cựu chiến binh – liệt sĩ của quê hương mình.
Ngoài ra, ban tổ chức hoạt động này cũng nhấn mạnh: “Vấn đề an ninh mạng, việc kiểm duyệt đơn đăng ký được chú trọng đặc biệt, tránh để lọt vào hàng ngũ vinh quang này những tội phạm chiến tranh”. Hơn 12.000 người đang khẩn trương làm việc để “Trung đoàn bất tử trực tuyến” ra mắt đúng Ngày Chiến thắng, nhằm vinh danh những người con của nước Nga – Xô Viết, những người đã cứu cả nhân loại thoát khỏi thảm họa diệt chủng.
Một nguồn tin cho biết, các tình nguyện viên đến từ các phong trào như “Tình nguyện viên Chiến thắng”, “Trung đoàn bất tử”, hay các tổ chức xã hội, công cộng khác… Các tình nguyện viên đã ngăn chặn nhiều mưu đồ khiêu khích, trà trộn đăng chân dung của các tội phạm Đức Quốc xã, nhằm làm ô danh những người con vinh quang của Liên Xô, nay là Liên bang Nga và một số nước trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG).
“Trung đoàn bất tử trực tuyến” sẽ ra mắt cộng đồng mạng vào 15 giờ (giờ địa phương) ngày 9-5. Người dân Nga có thể dõi theo “những chiến sĩ Hồng quân Liên Xô” trên trang web 2021.polkrf.ru, hay trên các mạng xã hội VKontakte và Odnoklassniki của Nga, trên các kênh truyền hình, cũng như trong các rạp chiếu phim trực tuyến OKKO, IVI.RU, MORE.TV và trên nền tảng Lookmot.ru.
Lịch sử hào hùng
Ngày 8-5, tại Berlin, phát xít Đức đã ký văn kiện đầu hàng vô điều kiện. Trên thực tế, văn kiện này được ký ngày 7-5, nhưng phải đến 23 giờ 1 phút ngày 8-5 tính theo giờ Trung Âu, văn bản mới có hiệu lực. Lúc đó ở Moscow, vì khác biệt múi giờ, đã sang ngày 9-5. Do đó Liên Xô, nay là Liên bang Nga và các nước trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) đều lấy 9-5 làm ngày chiến thắng phát xít Đức. Các nước Tây Âu và Hoa Kỳ lấy ngày 8-5 làm ngày chiến thắng phát xít Đức.
Chiến dịch Berlin thắng lợi rực rỡ đã chứng tỏ trình độ phát triển rất cao của nghệ thuật quân sự Xô Viết, mà cốt lõi là những kinh nghiệm chiến đấu của Hồng quân Liên Xô đã được tích lũy và sáng tạo trong suốt quá trình chiến tranh giữ nước vĩ đại. Đó là chiến dịch tiến công của cụm phương diện quân nhằm bao vây, chia cắt, tiêu diệt một tập đoàn chiến lược của đối phương mạnh nhất trong lịch sử chiến tranh, đánh thẳng vào sào huyệt của chúng với thời gian rất ngắn. Trong chiến dịch đã thực hiện đột phá đồng thời, mãnh liệt ở một loạt tuyến phòng ngự vững chắc, dài trên 300km, được bố trí binh lực và hỏa lực dày đặc tới 100km…
Tác chiến ban đêm được vận dụng rộng rãi trong suốt quá trình chiến dịch. Việc sử dụng bộ đội xe tăng đóng vai trò chủ chốt trong đột phá đã có hiệu quả cao, bảo đảm nhịp độ tiến công trong toàn chiến dịch. Trong điều kiện địch phòng ngự dày đặc, việc sử dụng tập trung đoàn quân xe tăng đột phá tuyến phòng ngự của địch đã có hiệu quả tích cực. Trong các chiến dịch, nguyên tắc thành lập cụm pháo binh theo biên chế chiến đấu (ở các trung đoàn, sư đoàn, quân đoàn và tập đoàn quân) đã được thể hiện đầy đủ nhất. Không quân tập trung các hướng tiến công sâu. Sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các tập đoàn không quân với nhau, giữa không quân mặt trận với không quân tầm xa, đảm bảo hoạt động thường xuyên và liên tục trong suốt quá trình chiến dịch. Việc chỉ huy bộ đội trong Chiến dịch Berlin có mức độ tập trung cao: các cơ quan chỉ huy luôn theo sát bộ đội tiến công để đảm bảo chỉ huy chặt chẽ, linh hoạt và kịp thời trong mọi tình huống…
Hơn 70 quốc gia với 1.700 triệu người bị cuốn vào cuộc chiến, khoảng 60 – 80 triệu người chết, 90 triệu người tàn phế, nhiều thành phố bị phá hủy hoàn toàn, hàng triệu người dân và người tị nạn châu Âu bị mất nhà cửa. Nền kinh tế cả châu Âu sụp đổ, phần lớn hạ tầng công nghiệp bị phá hủy, thiệt hại về vật chất lên tới 4.000 tỷ USD, gấp 10 lần Thế chiến I, bằng tất cả các cuộc chiến tranh trong 1.000 năm trước đó cộng lại. |
Theo SGGP