Xuất khẩu cá tra không chỉ giảm mạnh ở thị trường Trung Quốc mà còn cả các thị trường khác như EU, Mỹ, các nước ASEAN.

Sụt giảm 35-50% đơn hàng

Thông tin từ VASEP cho thấy, do tác động của dịch COVID-19, đặc biệt trong giai đoạn hai tuần đầu tháng 3/2020, hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản đang bị ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng. Cho tới thời điểm này, đa số các doanh nghiệp đã bị sụt giảm từ 35-50% đơn hàng (do bị hủy, lùi đơn hàng hay thiếu nguyên liệu).

Xuất khẩu cá tra bị ảnh hưởng mạnh nhất. Trung Quốc là thị trường lớn nhất nhập khẩu cá tra Việt Nam, chiếm 35% xuất khẩu cá tra Việt Nam nên dịch COVID-19 gây ảnh hưởng rất lớn. Hệ thống bán lẻ, siêu thị đình trệ, hệ thống giao nhận bị tắc nghẽn nên xuất khẩu sang thị trường này bị sụt giảm mạnh 52% trong 2 tháng đầu năm.

Tổng xuất khẩu cá tra 2 tháng qua đạt 210 triệu USD, giảm 32%, không chỉ giảm mạnh tại Trung Quốc mà xuất sang Mỹ cũng giảm 27%, sang EU giảm 40%, các nước ASEAN giảm 19%.

Theo dự đoán của một số doanh nghiệp cá tra, sang tháng 4, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc có thể phục hồi 50%, tháng 5 hồi phục 70% và đến tháng 6 mới có thể hồi phục hoàn toàn 100%.

Tuy nhiên, kể từ tháng 3 này, khu vực ảnh hưởng bắt đầu lan rộng sang khu vực Châu Âu, tại một số nước, khách hàng đã tạm dừng mọi giao dịch, nhà hàng và khách sạn đều đã đóng cửa để ngăn chặn nguy cơ đại dịch bùng phát. Đơn hàng mới chưa được ký lại, hàng tồn kho lớn.

Đến giữa tháng 3/2020, nhiều đơn hàng tại Trung Đông, Châu Á hay Nam Mỹ cũng bắt đầu ách tắc, hủy hoặc thông báo tạm ngừng mà chưa có thời gian quay trở lại. Cho tới thời điểm này, phần lớn các doanh nghiệp thủy sản đều bị ảnh hưởng sản xuất do thiếu nguyên liệu (ngoại trừ doanh nghiệp cá tra), tuy nhiên các đơn hàng phục vụ cho ngành dịch vụ thực phẩm (Food Service) cũng bị đình trệ, chỉ duy trì đơn hàng cho phân khúc bán lẻ…

VASEP cho biết, thống kê từ các doanh nghiệp thuỷ sản thì đã có từ 35-50% đơn hàng xuất khẩu tôm đi Mỹ và EU bị tạm hoãn giao hàng hoặc hủy do khách không bán được, lượng tồn kho tại cả nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu đều lớn, kho lạnh đã đầy và không còn đủ sức chứa, cho dù tại nhiều nước nhập khẩu, nhà cung cấp đã linh hoạt giảm giá bán từ 25-30% nhưng cũng không thể kích cầu.

Mặc dù, hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đang gặp rất nhiều khó khăn ở hầu hết các thị trường nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đang cố gắng duy trì công ăn việc làm cho công nhân, phân chia lại lịch làm việc cho phù hợp với mức lương giảm tương ứng, đào tại tay nghề cho người lao động để có khả năng làm việc đầy đủ các mặt hàng.

Tình hình tương tự này cũng đang diễn ra đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản. VASEP cho biết xuất khẩu hải sản 2 tháng giảm 7%, giảm mạnh nhất là mực bạch tuộc, cá ngừ, chủ yếu do thiếu nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Dịch COVID-19 ảnh hưởng mạnh đến sản xuất xuất khẩu của doanh nghiệp hải sản. Nhiều doanh nghiệp hải sản hiện nay chỉ hoạt động cầm chừng để duy trì công ăn việc làm cho công nhân, vì đơn hàng xuất khẩu bị giảm hoặc bị hủy.

Nhiều doanh nghiệp đưa ra nhận định rằng, tháng 1/2020 mới là thời điểm bắt đầu cho giai đoạn ách tắc trong hoạt động thương mại thủy sản. Từ tháng 3 này khi dịch bệnh tăng tốc và lan tỏa ở mức độ chóng mặt sẽ kéo theo những hệ quả nặng nề ngày càng trầm trọng hơn.

Đề xuất nhiều chính sách để vượt COVID-19

Mới đây, nhiều doanh nghiệp thủy sản đã có những đề xuất để hỗ trợ ngành trong giai đoạn khó khăn như giảm lãi suất, giảm phí lưu kho do hàng hóa chậm tiêu thụ và giảm lãi suất tiền vay cho các khoản vay giải ngân từ ngày 01/02/2020.

Các doanh nghiệp cũng đề nghị các ngân hàng nới lỏng điều kiện cho vay như: chưa áp dụng tài sản thế chấp đảm bảo theo tỉ lệ, hạ điều kiện thế chấp, tín chấp, yêu cầu về ngoại tệ tương ứng số vốn cấp…

Về cơ cấu thời hạn trả nợ, các doanh nghiệp yêu cầu được điều chỉnh kì hạn trả nợ so với đăng ký lên 2 – 3 tháng, gia hạn những khoản vay đến hạn của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi nạn dịch, không tính lãi phạt trong thời gian được gia hạn và có thể trả chậm.

Ngoài ra, các doanh nghiệp thủy sản cũng yêu cầu được miễn, giảm nhiều loại phí như: phí chuyển khoản trong/ngoài hệ thống, phí tiền nước ngoài vào tài khoản doanh nghiệp, phí báo tiền về thuộc TT/TTR (điện chuyển tiền), phí dịch vụ nộp/rút tiền mặt,… trong tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn…

Tuy vậy, không phải mọi thứ trước mắt đều là khó khăn. Đứng trước khó khăn của nền kinh tế do đại dịch COVID-19, một tín hiệu đáng mừng đã đến, mở ra cơ hội xuất khẩu vào các thị trường mới cho ngành thủy sản Việt Nam đó là Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam – EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) đã chính thức được Nghị Viện châu Âu (EP) thông qua. Điều này được các chuyên gia kinh tế đánh giá sẽ tạo đòn bẩy tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam, trong đó có lĩnh vực thủy sản.

Với ngành hàng thủy sản, EU đã và đang là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Thị trường này chiếm 17 – 18% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam; trong đó sản phẩm tôm chiếm 22%, cá tra 11%, các mặt hàng hải sản 30 – 35%. EVFTA có hiệu lực, khoảng 50% số dòng thuế sẽ được giảm về 0% và 50% số dòng thuế còn lại sẽ về 0% sau từ 3 – 7 năm…

Đại diện VASEP cho rằng, khi COVID-19 đang bùng phát mạnh, tác động đến nhiều ngành kinh tế thì EVFTA thực sự là cánh cửa rộng mở cho thủy sản Việt Nam. Bởi, ngoài cắt giảm thuế, EVFTA còn giúp thủy sản Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh so với các nước như Ấn Độ, Thái Lan…

Tuy vậy, để tận dụng tốt “sân chơi” này, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý để vượt qua các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, quy tắc xuất xứ chặt hơn, có nhiều quy định mới và phức tạp hơn, trong khi sản phẩm của Việt Nam so các nước đối tác FTA kém cạnh tranh hơn về giá.