Chuyển tới nội dung

Ngành logistics Việt Nam và bài toán chuyển đổi số

Chuyển đổi số đang là một xu hướng tất yếu, giúp doanh nghiệp dịch vụ logistics nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả dịch vụ, nâng cao sức cạnh tranh tại thị trường trong nước và vươn ra thị trường quốc tế.

Trong báo cáo mới đây của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) về tình hình phát triển dịch vụ logistics Việt Nam cho thấy, Việt Nam có 34.476 doanh nghiệp dịch vụ logistics với 563.354 lao động. Thị trường logistics có sự tham gia của hơn 5.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics 3PL, trong đó có những doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia, với các tên tuổi lớn nằm trong danh sách 50 công ty logistics lớn nhất thế giới như DHL, Kuehne + Nagel, DSV, DB Schenker…

Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), thị trường kém khả quan, thương mại toàn cầu chậm lại, sức mua yếu… đã ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp dịch vụ logistics, nên tình trạng cạnh tranh để có được đơn hàng trở nên gay gắt hơn.

Theo ông Hải, doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Các doanh nghiệp logistics Việt Nam cung cấp chủ yếu là các dịch vụ logistics nội địa như: vận tải nội địa, giao nhận, kho bãi, khai báo thủ tục hải quan, giám định hàng hóa, dịch vụ thuê chỗ trên tàu,…So với các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam hiện đang nắm giữ nhiều cơ sở hạ tầng, tài sản phục vụ hoạt động logistics đồng thời có lợi thế am hiểu tập quán kinh doanh và khách hàng nội địa, nhưng hoạt động còn đơn lẻ, năng lực tài chính, quản trị còn hạn chế, chỉ phục vụ ở từng phân khúc nhất định, thiếu sự kết nối xuyên suốt để cung cấp dịch vụ logistics tích hợp.

Hiện nay, chuyển đổi số đang là một xu hướng tất yếu, giúp doanh nghiệp dịch vụ logistics nâng cao năng suất, chất lượng.

Khi cạnh tranh với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics lớn trên thế giới thì các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn bộc lộ nhiều vấn đề. Trong đó có thể kể đến như: Tiềm lực tài chính yếu, công nghệ lạc hậu, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, còn phải kể đến các nguyên nhân khác như: thiếu kỹ năng quản trị, bộ máy cồng kềnh, thiếu đồng bộ,… Nhiều doanh nghiệp Việt đang phải đối mặt với thách thức và sự cạnh tranh gay gắt đến từ phía các doanh nghiệp nước ngoài, với những đơn vị dày dặn kinh nghiệm, khả năng cung cấp dịch vụ và tiềm lực tài chính tốt hơn…

Như vậy để có thể từng bước chuyển đổi số trong các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics thì mỗi doanh nghiệp cần từng bước khắc phục những khó khăn đã nêu trên. Đồng thời ý thức rõ ràng rằng chuyển đổi số là việc tất yếu nếu không muốn bị đào thải khỏi thị trường. Chuyển đổi số phải làm vững chắc, theo lộ trình phù hợp có kế hoạch dài hạn, và cẩn trọng trong từng bước như lựa chọn quy trình. Tìm kiếm nhà cung cấp phù hợp về cả uy tín, chất lượng.

Khi chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics cần có sự chuyển đổi đồng bộ. Cần xây dựng nền tảng số cho chuỗi dịch vụ logistics, giúp kết nối các các bên liên quan trong chuỗi (cảng, hãng vận tải, đại lý, công ty giao nhận, kho…) để chia sẻ dữ liệu, tăng tính hiện hữu cho chuỗi, nâng cao hiệu suất sử dụng.

Trong bối cảnh thị trường kém khả quan và để thúc đẩy ngành logistics Việt Nam phát triển hiện đại, hàng năm Bộ Công Thương cũng đã chủ trì tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam, nhằm tạo được sự kết nối chặt chẽ và đối thoại thẳng thắn ở cả ba cấp độ giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương, địa phương với các hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics của Việt Nam.

Thông qua các tổ chức hiệp hội, các doanh nghiệp có ý kiến phản biện, phản hồi về chính sách liên quan đến phát triển hạ tầng, môi trường kinh doanh, thủ tục hải quan, chính sách thu phí của địa phương, diễn đàn giúp các cơ quan quản lý nhà nước có những đánh giá xác thực để kịp thời ban hành những chính sách đáp ứng được đòi hỏi từ thực tiễn ngành logistics của Việt Nam.

Bộ Công Thương đang cùng Bộ, ngành, địa phương nỗ lực tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, qua đó tận dụng hiệu quả các FTA mới, giảm bớt thiệt hại do dịch bệnh và nhanh chóng khôi phục đà tăng trưởng.

Minh Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved