Nhờ cải tiến công nghệ sản xuất và tận dụng tốt các cơ hội thị trường, ngành gỗ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh.
Dịch COVID-19 xảy ra trên toàn cầu gây ảnh hưởng mạnh đến hàng loạt chuỗi cung ứng hàng hóa trên thị trường thế giới, trong đó có ngành chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam. Thế nhưng, bất chấp diễn biến phức tạp của dịch bệnh ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và đồ gỗ Việt Nam vẫn vượt ngoài mong đợi.
Theo ước tính của Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 5/2021 đạt 1,4 tỷ USD, tăng 80,3% so với tháng 5/2020. Trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 1,08 tỷ USD, tăng 95,8% so với tháng 5/2020.
Tháng 5 cũng là tháng thứ 3 liên tiếp ghi nhận mức tăng xuất khẩu với ngưỡng 1,4 tỷ USD. Nhờ đó, đưa giá trị xuất khẩu ngành hàng này 5 tháng đầu năm 2021 ước đạt 6,6 tỷ USD, tăng 61,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 79,4% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là con số xuất khẩu cao kỷ lục, vượt lên những tác động do dịch Covid-19, trong khi nhiều ngành hàng vẫn đang gặp khó.
Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, dự báo trong nửa đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,8 tỷ USD, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2020.
Ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hàng Việt (Viet Products – TP HCM) chủ hệ thống cửa hàng đồ gỗ Furnis chia sẻ, những khách hàng của Viet Products là nhà nhập khẩu ở thị trường Mỹ và các nước châu Âu, đã đặt nhiều đơn hàng trở lại so với năm 2019, thời điểm chưa diễn ra dịch do COVID-19. Không chỉ thế, trong năm nay công ty còn có thêm một số khách hàng mới ở thị trường Mỹ dẫn đến đơn hàng năm 2021 đã tăng khoảng 30% so với thời điểm này của năm 2019.
Theo bà Trần Thị Xuyến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến gỗ Thuận An, vào thời điểm này năm ngoái, nếu như các doanh nghiệp đang gặp khó khăn lớn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhất là về đơn hàng, thì năm nay tình hình khăc hẳn. “Từ đầu năm đến nay, các nhà nhập khẩu nước ngoài đặt hàng vượt trội hơn năm ngoái khoảng 30%” – bà Trần Thị Xuyến cho biết.
Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA) đưa ra 3 yếu tố giúp ngành gỗ đạt được những thành tích đáng kể. Thứ nhất, tính đến thời điểm này, Việt Nam không bị đứt gãy về chuỗi cung ứng. Không có nhà máy nào liên quan đến ngành gỗ dính Covid-19 nên các hoạt động sản xuất vẫn diễn ra dù hạn chế. Thứ hai, dù giá nguyên vật liệu tăng cao nhưng giá gỗ nội địa tăng thấp hơn. Đó là yếu tố quan trọng để giúp doanh nghiệp giữ được giá thành sản xuất. Giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng từ 40 đến 60% trong khi giá nguyên vật liệu cho ngành trong nước tăng ở mức 10 – 15%. Nguồn nguyên liệu nội địa cung ứng hơn 60% cho toàn thị trường. Thứ ba, doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh được với Trung Quốc về giá. Do đó, đơn hàng rất dồi dào và doanh nghiệp Việt không lo thiếu đơn hàng.
Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá các doanh nghiệp ngành gỗ đã thích ứng được tình hình mới, ổn định sản xuất, tăng cường giao thương trực tuyến tìm các đối tác nước ngoài mở rộng xuất khẩu. Do đó, dù dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh, nhưng các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam vẫn giữ được sự chủ động, khách hàng nước ngoài tin tưởng tìm nguồn cung tại Việt Nam ngày một tăng.
“Thêm vào đó, thị trường đồ gỗ, nội thất của thế giới còn rất nhiều dư địa phát triển. Hiện, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng 9% thị phần, còn đến hơn 90% thị phần để ngành gỗ Việt Nam tiếp cận, chiếm lĩnh. Với tốc độ phát triển xuất khẩu mạnh mẽ, ấn tượng như hiện nay, tôi nghĩ Việt Nam không phải là nước đứng thứ năm thế giới về xuất khẩu đồ gỗ, mà có thể đứng thứ tư, thứ ba thế giới về lĩnh vực này” – ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chia sẻ.
Để kiểm soát nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ chế biến, Việt Nam đã xây dựng hệ thống pháp lý là Nghị định 102/2020-NĐ-CP quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp. Theo đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo các cơ quan chuyên môn yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu cung cấp, khai báo bổ sung các loại chứng từ như: giấy phép khai thác của đơn vị khai thác, giấy chứng nhận được phép khai thác lô rừng được cấp cho đơn vị chủ rừng, giấy chứng nhận đăng ký là cơ sở chế biến gỗ, giấy phép được phép xuất khẩu, chứng từ giải trình nguồn gốc gỗ theo thông tin quốc gia nơi khai thác, không theo hướng quốc gia xuất khẩu…
Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, năm 2021, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu từ 14-15 tỷ USD. Theo đó, từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp ngành gỗ khá bận rộn do đơn hàng xuất khẩu đã được ký kết. Đây cũng là ngành xuất khẩu được nhận định có nhiều dư địa tăng trưởng theo các FTA đã có hiệu lực, trong đó có UKVFTA để tăng xuất khẩu sang Anh. |
Linh Nga