Chuyển tới nội dung

Ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 18 tỷ USD trong năm 2023

Trong năm 2023, ngành gỗ dự báo những tháng đầu năm sẽ còn nhiều khó khăn, phải hết quý II/2023 mới có thể phục hồi sản xuất khoảng 85% và kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng từ 7-9%, tương đương 18 tỷ USD trở lên.

Trước đó, tại Hội nghị Tổng kết năm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào ngày 13/1 vừa qua, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết: Năm 2022, tốc độ tăng trưởng ngành gỗ đạt 7,1%. Đây được xem là năm khó khăn nhất từ trước đến nay đối với ngành gỗ. Tăng trưởng của ngành chủ yếu nhờ vào các thị trường như Đông Bắc Á, Châu Đại Dương, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Theo ông Lập, nửa cuối năm 2022, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ tỉnh đối mặt với khó khăn do thiếu vốn, thiếu nguyên liệu đầu vào và giá tăng cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị ảnh hưởng. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đã phải cắt giảm lao động, hạn chế sản xuất do không tiêu thụ được sản phẩm.

Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam chia sẻ: “Trước đây, vào dịp cuối năm, hầu hết các doanh nghiệp ngành gỗ đều rất bận rộn, tăng ca, làm thêm giờ để kịp đơn hàng xuất đi Châu Âu và chuẩn bị đơn hàng cho năm sau. Thế nhưng năm nay, hàng tồn rất nhiều trong các doanh nghiệp ngành gỗ, đến thời điểm này nhiều doanh nghiệp vẫn chưa ký được hợp đồng xuất khẩu nào cho năm 2023, dẫn đến phải sản xuất cầm chừng”.

do-go-My

Ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 18 tỷ USD trong năm 2023.

Theo thống kê, trong kim ngạch toàn ngành gỗ 16,928 tỷ USD của năm 2022, các mặt hàng chế biến sâu chỉ chiếm hơn một nửa. Nguyên nhân bởi hai thị trường nhập khẩu chủ yếu mặt hàng này là Hoa Kỳ và EU gần như “đóng băng” suốt 3 quý cuối năm 2022. Ngành gỗ hầu như chỉ tận dụng được thời cơ trong quý 1/2022, nhờ những đơn hàng cũ từ năm 2021.

Trước kết quả trên, ông Lập nhận định nếu không có nhiều thay đổi, dự kiến đến quý 2/2023, các đơn hàng cơ bản được khôi phục, đạt khoảng 82-85%. Đây được xem là điểm khởi sắc trong năm mới. Năm 2023, ngành gỗ kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng từ 7-9%, tương đương 18 tỷ USD trở lên.

Theo Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), để đạt mục tiêu đề ra, ngành gỗ sẽ tiếp tục tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp bằng việc áp dụng đồng loạt các giải pháp. Theo đó, đẩy mạnh sử dụng gỗ rừng trồng trong nước, giảm sử dụng gỗ nhập khẩu; áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động; đẩy mạnh chuyển đổi số để giảm chi phí sản xuất; đẩy mạnh sản xuất phát thải thấp. Ngành gỗ phối hợp các địa phương xây dựng các khu công nghiệp chế biến tập trung; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hội chợ quốc tế lớn, phấn đấu từ năm 2024, sẽ đều đặn tổ chức 4 hội chợ lớn/năm…

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện kế hoạch trồng rừng đi đôi với chế biến. Hiệp hội cũng kiến nghị đến cơ quan liên quan về xem xét việc cổ phần hóa các công ty lâm nghiệp, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện giải ngân vay vốn cho doanh nghiệp.

Tuấn Linh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved