Năm 2023, ngành Du lịch đặt ra mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỷ đồng.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, quý I/2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 2,69 triệu lượt; gấp 29,7 lần cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 161.000 tỷ đồng. Một số địa phương có doanh thu tăng so với cùng kỳ năm trước như: Đà Nẵng tăng 73,5%; Quảng Ninh tăng 43,1%; Cần Thơ tăng 42,4%; TP.HCM tăng 37,2%; Hà Nội tăng 12,5%…
Doanh thu du lịch lữ hành quý I/2023 ước đạt 6,8 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước do các hoạt động văn hóa, du lịch những tháng đầu năm diễn ra sôi nổi tại nhiều địa phương.
Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu đón 110 triệu lượt khách, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỷ đồng.
Và để hướng đến mục tiêu trên, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam 2023. Tại hội chợ, 10.000 tour khuyến mại và một lượng lớn vé máy bay giá rẻ được tung ra trong 4 ngày. Theo khảo sát nhanh, doanh thu của 10 doanh nghiệp trong 4 ngày qua tại hội chợ đã chạm 45 tỷ đồng.
Cùng việc đẩy mạnh bán sản phẩm, hội chợ còn là dịp để các doanh nghiệp lữ hành – vận tải – điểm đến bắt tay, kết nối với nhau chặt chẽ hơn trong thời gian tới.
Bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết: “Trong dịp này, trên 600 tổ chức và doanh nghiệp tung ra hơn 10.000 sản phẩm du lịch khuyến mại, tuy nhiên ban tổ chức yêu cầu vẫn cần đảm bảo chất lượng. Cùng với đó, trên 3.000 doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế đã gặp gỡ, trao đổi”.
Du lịch thế giới năm 2023 được dự báo sẽ tiếp tục có sự phục hồi nhưng chưa trở về được mức như năm 2019; du lịch nội địa tiếp tục có sự tăng trưởng nhưng tốc độ sẽ chậm lại. Các thị trường gửi khách chủ yếu của Việt Nam chưa mở cửa hoàn toàn. Chính sách thị thực của Việt Nam chưa có nhiều ưu thế hơn so với các quốc gia trong khu vực. Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến ngành Du lịch sẽ mạnh mẽ hơn; xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong hoạt động du lịch. Ngành Du lịch được kỳ vọng sẽ có những bước phát triển đột phá, đồng đều giữa các vùng miền, địa phương.
Năm 2023 ngành Du lịch đề ra hàng loạt nhiệm vụ: Triển khai công bố Quy hoạch hệ thống phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 sau khi được Chính phủ phê duyệt; Triển khai thực hiện 2 Thông tư: Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực du lịch thuộc Sở Du lịch…
Nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ đó, Tổng cục Du lịch sẽ tập trung triển khai các chương trình, đề án trọng tâm của ngành: Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 sau khi được phê duyệt; Đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”; Kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030, giai đoạn I: 2021 đến 2025, Đề án phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam…
Tuấn Minh