Chuyển tới nội dung

Ngành điều kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu

Nhiều năm liền, ngành điều Việt Nam khẳng định được vị thế dẫn đầu toàn cầu về chế biến, xuất khẩu với kim ngạch đạt từ 3,2 – 3,8 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, vị thế đó đang bị lung lay khi cùng lúc đối mặt với nhiều thách thức cả về thị trường xuất khẩu lẫn nhập khẩu, khiến nhiều doanh nghiệp thua lỗ nặng.

Mới đây, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã có Công văn gửi Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trước thềm Hội nghị: “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu” diễn ra vào ngày 26/4.

Theo đánh giá của Vinacas, ngành điều đang gặp thách thức kép cả về xuất khẩu và nhập khẩu. Với hoạt động xuất khẩu, thị trường giao dịch ảm đạm từ năm 2022 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Cụ thể, thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, người tiêu dùng làm việc ở nhà và có nhu cầu sử dụng thực phẩm bồi dưỡng sức khỏe. Hạt điều có lợi thế là loại hạt chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, thời gian sử dụng dài, có thể tích trữ để sử dụng dần. Vì vậy, lượng tiêu thụ không giảm có nơi còn tăng lên.

Sau giai đoạn thực hiện giãn cách vì COVID- 19, lạm phát tăng cao cùng những tác động của xung đột trên thế giới khiến người dân các nước phải thắt chặt chi tiêu, giảm các mặt hàng không quá thiết yếu như hạt điều. Trong khi đó, lượng điều nhân và nhân điều đã qua chế biến sâu còn tồn kho khá lớn ở các nước do tích trữ để dự phòng. Mặt khác, giá các loạt hạt giảm sâu khiến việc tiêu thụ hạt điều bị ảnh hưởng theo. Chính vì vậy, cùng với lượng tiêu thụ giảm, giá điều nhân cũng giảm sâu trong thời gian dài.

Theo ông Bạch Khánh Nhựt – Phó Chủ tịch thường trực Vinacas cho biết, một vấn đề khác gây bức xúc và lo lắng cho các doanh nghiệp điều là Việt Nam đang cho phép nhập khẩu nhân điều mà không áp dụng kèm theo các biện pháp bảo vệ ngành chế biến điều trong nước. Chỉ tính trong 2 tháng đầu năm 2023, lượng điều nhân nhập khẩu vào Việt Nam đã lên tới 10.158 tấn, tương đương gần 44.000 tấn hạt điều thô. Còn năm 2022, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan đã có 78.583 tấn điều nhân được nhập vào Việt Nam, tương đương gần 350.000 tấn hạt điều thô, lớn hơn tổng sản lượng điều thô do Việt Nam sản xuất trong một năm.

“Việc nhập khẩu nhân điều ồ ạt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự tồn tại và phát triển của ngành chế biến, xuất khẩu điều Việt Nam cả trong sản xuất điều thô lẫn chế biến điều nhân. Mặc dù nhiều năm qua Việt Nam đang dẫn đầu chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị điều toàn cầu, nhưng vị thế đó của Việt Nam đang bị lung lay, bị đe dọa và chắc chắn sẽ xảy ra nếu chúng ta không thay đổi và ngăn chặn xu thế này ngay từ bây giờ”, Phó Chủ tịch thường trực Vinacas nhấn mạnh.

Ngành điều kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu.

Trước những nhận định trên, Vinacas đánh giá, việc miễn thuế nhập khẩu nhân điều không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều trong nước mà còn tác động tiêu cực đến nông dân trồng điều của Việt Nam. Theo đó, nhờ được miễn thuế, nhân điều nhập khẩu vào Việt Nam sau đó xuất khẩu sẽ cạnh tranh trực tiếp về giá với cả hạt điều thô trong nước. Các nhà máy chế biến ngày càng chịu áp lực chuyển sang sử dụng nhân điều nhập khẩu thay vì chế biến từ điều thô, do chi phí chế biến và quản lý chế biến thấp hơn vì chỉ phải làm khoảng 20% công việc so với chế biến từ điều thô.

Thời gian hoàn thành sản phẩm để giao cho khách hàng nhanh hơn. Dự trữ nguyên liệu ít hơn, ngắn hơn nên sử dụng vốn ít hơn, quay vòng nhanh hơn. Hạt điều thô Việt Nam sẽ ngày càng khó tiêu thụ. Mặt khác, việc các nhà máy chế biến của Việt Nam thu hẹp dần hoạt động chế biến cũng đồng nghĩa vùng nguyên liệu ngày càng bị thu hẹp; đời sống của hàng trăm ngàn hộ nông dân trồng điều sẽ gặp khó khăn.

Do tính chất nghiêm trọng của vấn đề này, Vinacas đã có báo cáo gửi Cục Xuất nhập khẩu, khẩn thiết đề nghị Bộ Công Thương chủ trì, cùng các bộ, ngành liên quan hỗ trợ tìm giải pháp, trình Chính phủ cho phép thực hiện để sớm tạo sự công bằng trong chế biến và kinh doanh điều nhân trên thị trường quốc tế.

Theo đó, Vinacas kiến nghị Bộ Công Thương chủ trì đàm phán, ký các hiệp định song phương với từng nước về miễn thuế xuất nhập khẩu với hàng hóa của nhau; trong đó, có việc đối tác miễn thuế với điều thô xuất khẩu sang Việt Nam. Như vậy, Việt Nam sẽ không cần phải thay đổi các quy định hiện hành.

Nếu các nước không đồng thuận, Việt Nam cần xem xét để áp dụng nguyên tắc “có đi có lại” trong quan hệ quốc tế, không miễn thuế nhập khẩu với nhân điều nhập khẩu vào Việt Nam; áp thuế xuất 25% với hạt điều đã bóc vỏ (Mã 0801.32.00), theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Nghị định 57/2020/NĐ-CP ngày 10/07/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.

Cụ thể, cần áp giá nhập khẩu tối thiểu đối với nhân điều nhập khẩu vào Việt Nam tương tự như Ấn Độ đang áp dụng, lí do các nước xuất khẩu nhân điều vào Việt Nam cũng đang áp thuế xuất khẩu và giá xuất khẩu tối thiểu với hạt điều thô, khiến cho nhân điều chế biến tại Việt Nam bị cạnh tranh không công bằng với nhân điều nhập khẩu.

Hiệp hội điều Việt Nam cũng đề nghị Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ nghiên cứu,đề xuất và ban hành các biện pháp phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật phù hợp để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người sản xuất, chế biến điều trong nước.

Tuấn Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved