Dệt may đang trải qua cơn “ác mộng” khi dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến hầu hết các thị trường xuất nhập khẩu chủ lực của toàn ngành.
Ngành dệt may đang gặp phải không ít khó khăn do giảm đơn hàng đột ngột, điều này buộc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) phải dự tính cho tới 50.000 công nhân nghỉ việc tạm thời.
Triển khai sớm các gói chính sách
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, khi mọi thứ đình trệ, 30% đến 50% công việc sẽ mất đi vào tháng 5. Hiện Vinatex có khoảng 200 nhà máy tại Việt Nam và hơn 100.000 công nhân.
Để giúp doanh nghiệp dệt may vượt qua được thời kỳ khó khăn này, ông Trường kiến nghị, các gói chính sách cấp bách của Chính phủ như tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, công đoàn phí cần nhanh chóng được đi vào thực thi đến từng cơ sở, vì doanh nghiệp hiện không có dòng tiền về. Ngoài ra, chính sách cho vay trả lương cho doanh nghiệp cũng nên rốt ráo được thực hiện để Vinatex nói riêng và các doanh nghiệp dệt may nói chung có dòng tiền đảm bảo đời sống cho người lao động như đã cam kết.
Với tư cách Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), ông Trường mong muốn vì vấn đề an sinh, các đối tác đã đặt hàng chỉ nên giãn thời gian giao hàng, giảm tối thiểu việc hủy đơn hàng và cần thanh toán đúng hạn các khoản đối với hàng hóa đã sản xuất xong chờ ngày xuất khẩu. Đồng thời đề xuất, các đối tác hãy hỗ trợ cho các nhà máy ở Việt Nam trang trải một phần chi phí lương cho người lao động bằng các khoản thanh toán cho đơn hàng đã đặt nhưng chưa sản xuất do việc giãn thời gian giao hàng.
“Hãng H&M đã quyết định chi trả toàn bộ các đơn hàng đã sản xuất xong nhưng chưa giao được hàng, và mong muốn các đối tác trên thế giới cũng sẽ ứng xử với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tương tự để có thể giữ ổn định chuỗi sản xuất dệt may”, ông Trường nói.
Để vượt qua khó khăn, nhiều doanh nghiệp dệt may đã chọn sản xuất khẩu trang như là một trong những giải pháp xoay chuyển tình thế sau khi bị nhiều đối tác Mỹ, EU hủy hợp đồng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế và nhiều doanh nghiệp nhỏ còn bị chôn vốn vì tồn đọng khẩu trang vải.
Theo nhận định của bà Cecile Phạm, Tổng giám đốc Tập đoàn Dacotex – đơn vị từng nhận đơn hàng sản xuất khẩu trang kháng khuẩn cho Đan Mạch hồi tháng 2, những đơn hàng may khẩu trang chỉ là giải pháp tình thế khi hàng may mặc xuất khẩu bị chựng lại. Từ sau tết đến nay, công ty nhận tạm đơn hàng làm khẩu trang xuất khẩu đi Đan Mạch.
Hiện các đơn hàng trong kỳ từ EU bị tạm hoãn do chính sách đóng cửa biên giới của các nước EU đã được nối lại. Khách hàng Nga, Pháp, Đức… đều nối lại các đơn hàng đã ký trong năm, còn đơn hàng mới hoàn toàn chưa có. Nhưng lượng việc làm chỉ đủ cho công nhân cầm chừng đến tháng 6.
“Mọi năm, sau tết, từ tháng 2 – 3 công ty đã ký kết loạt đơn hàng mới sản xuất hàng mùa hè. Năm nay ngành may mặc không có hè, số lượng hàng may tại xưởng đủ cầm chừng đến tháng 6, giao hết hàng là hết việc. Có thể lúc đó vẫn còn dịch, nghỉ tiếp 2 tháng nữa, trong thời gian đó, chúng tôi sẽ nhận tiếp đơn hàng khẩu trang cho công nhân có việc làm, nhưng thường đơn hàng cũng chỉ vài trăm ngàn sản phẩm”, bà Cecile Phạm chia sẻ.
Vấn đề này Bộ Công thương cũng đã có khuyến cáo đến các doanh nghiệp. Đó là cần tìm hiểu kỹ các tiêu chuẩn về mặt hàng khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế của thị trường EU để tránh dư thừa, thiệt hại về kinh tế. Các doanh nghiệp dệt may có thể tranh thủ khai thác thị trường tại thời điểm này, nhưng để coi đây là một sản phẩm lâu dài, đầu tư quy mô lớn thì cần thận trọng.
Kỳ vọng phân chia lại thị trường
Nhìn nhận về đại dịch COVID-19 đối với ngành dệt may, Ông Trần Như Tùng, Phó Tổng Giám đốc công ty Dệt may Thành Công cho rằng, chuỗi giá trị ngành dệt may toàn cầu sẽ được phân chia lại sau khi dịch bệnh kết thúc, các nhà nhập khẩu đã có một bài học khi phụ thuộc tất cả vào Trung Quốc.
“Thực tế, Thành Công đã nhận thêm một số đơn hàng nguyên phụ liệu sản xuất từ các doanh nghiệp nội địa, cùng với việc các nhà phân phối khác trong khu vực cũng tìm tới Việt Nam nhiều hơn từ thời điểm dịch bệnh bùng phát khiến sản xuất tại Trung Quốc bị gián đoạn”, ông Tùng nói.
Ông Phạm Văn Việt – CEO VitaJean thì nhận xét, dịch bệnh có thể là thời điểm để các doanh nghiệp nâng cao thị phần trong nước, thay vì chỉ tập trung vào xuất khẩu như trước đây. Do đó, giải pháp hữu hiệu nhất lúc này đối với các doanh nghiệp dệt may là tiếp tục đa dạng thị trường, thay vì tập trung chủ yếu nguồn lực cung ứng cho Mỹ và châu Âu.
Chia sẻ về khó khăn của doanh nghiệp, bà Ninh Thị Ty, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm và Công ty May Chiến Thắng thẳng thắn, mọi kỹ năng, kinh nghiệm thương trường đã được các lãnh đạo đơn vị vận dụng nhưng tình hình vẫn khó. Giảm giờ làm, giảm lương, kể cả với khối văn phòng, cũng được áp dụng.
Doanh nghiệp rà soát, siết toàn bộ chi phí đến mức ngạt thở giúp đơn vị tiết kiệm được 1 tỷ đồng sau hơn 1 tháng. Quay về thị trường nội địa là cách lựa chọn của nhiều doanh nghiệp trong ngành. Tuy nhiên, sức cầu trong nước suy giảm mạnh, khiến doanh nghiệp gặp khó.
“Câu hỏi đặt ra bây giờ là làm gì để vượt qua hết tháng 4 khi đơn hàng giảm. Việc chuyển sang may khẩu trang cũng chỉ như muối bỏ biển khi một dây chuyền 50 người làm được mấy chục nghìn chiếc một ngày. Số lao động hàng nghìn người còn lại làm gì?”, bà Ty băn khoăn.