Ngay sau chỉ đạo tại Thông báo số 121/TB-VPCP với nội dung đồng ý đề xuất tạm dừng xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương và công văn tạm dừng cấp phép thông quan mặt hàng gạo của Tổng cục Hải quan, hàng loạt các doanh nghiệp đã “bức xúc” lên tiếng về những tổn thất cho ngành bởi những thay đổi đột ngột trong chính sách điều hành mặt hàng này.

Ngành nông nghiệp dự báo, lượng thóc sản xuất năm 2020 dự kiến đạt 43,5 triệu tấn thóc trong khi nhu cầu tiêu dùng và dự trữ cả nước dự báo chỉ khoảng 30 triệu tấn thóc.

Thiệt hại “kép” 

Trả lời báo chí, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An tỏ ra bức xúc trước việc đột ngột tạm dừng xuất khẩu gạo.

“Thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp khi không kịp trở tay. Hàng hóa đã đóng bao, in nhãn mác, đóng container đưa ra cảng chuẩn bị xuất khẩu rồi nằm đó thiệt hại ai chịu trách nhiệm. Hợp đồng đã ký với đối tác giờ không thể giao được phải đền bù, ảnh hưởng đến uy tín ai chịu trách nhiệm. Giá lúa ngay lập tức đã giảm xuống sau lệnh cấm xuất khẩu gạo, thiệt hại chính là người nông dân. Việt Nam không thiếu gạo xuất khẩu, lẽ ra nhân cơ hội thế giới đang cần thì phải khuyến khích xuất khẩu với giá cao”, ông Bình cho biết.

Cũng theo ông Bình, quyết định tạm ngưng xuất khẩu gạo chưa khảo sát tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp. “Bài học cấm xuất khẩu gạo năm 2008 vẫn còn đó, chúng ta lỡ cơ hội xuất khẩu giá cao mà còn bị ảnh hưởng uy tín trong xuất khẩu các năm tiếp theo”, ông Bình nói.

Đồng quan điểm, Tổng giám đốc Công ty Vinacam Vũ Duy Hải cho rằng, quyết định ngưng xuất khẩu gạo là quá đột ngột và không dựa vào những thông tin về mùa vụ và đánh giá cơ hội xuất khẩu của gạo Việt Nam khiến doanh nghiệp không thể trở tay kịp với nhiều hợp đồng đã ký và nguy cơ đền hợp đồng là rất lớn.

“Tầm ảnh hưởng của quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo sẽ rất lớn, ảnh hưởng đến toàn xã hội. Sau khi có thông tin dừng xuất khẩu gạo, tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đứng ngồi không yên, họ như ngồi trên lửa và bỏ cả ăn cơm”, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Intimex Group chia sẻ.

Đồng thời ông Nam cho rằng, ngành xuất khẩu gạo sẽ bị vỡ trận chứ không phải chỉ ảnh hưởng một vài doanh nghiệp. Đặc biệt, người chịu thiệt hại nặng nề trước nhất là nông dân trồng lúa, ngân hàng.

Vì đâu “tiền hậu bất nhất”?

Điều đáng nói, những tham vấn về việc tạm dừng xuất khẩu gạo được đưa ra bởi những luận cứ liên quan tình hình bệnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hạn mặn tại ĐBSCL và lượng tăng mua cao từ các thị trường. Tuy nhiên, những lý giải cho vấn đề này đã được bản thân các doanh nghiệp, chuyên gia lý giải.

Lý do của việc tăng giá lúa là thị trường thế giới có sự điều chỉnh, các nước nhập khẩu nhập sớm và tăng nhập khẩu để bù lại lượng gạo thiếu hụt vì đã giảm nhập trong năm 2019. Các doanh nghiệp ký được hợp đồng số lượng lớn nên đẩy mạnh tập trung mua vào.

Nhu cầu từ Philippines và Malaysia mạnh mẽ trong khi giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ giữ ổn định ở mức cao, giá gạo Thái Lan cũng tăng. Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu ngành lúa gạo giúp tái cơ cấu thị trường xuất khẩu, giá không phụ thuộc vào một số thị trường. Điều này cho thấy triển vọng khả quan thực hiện mục tiêu xuất khẩu năm 2020 là 6,7 triệu tấn, với trị giá trên 3 tỷ USD.

“Chúng tôi là những doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo cũng đã nhận định được điều này. Do đó, kế hoạch vẫn là tăng xuất khẩu dựa theo nhu cầu thị trường và khả năng sản xuất, chế biến của doanh nghiệp”, Giám đốc CTCP nông nghiệp công nghệ cao Trung An khẳng định.

Hiện tượng gạo trong nước hút hàng bởi tâm lý lo lắng của người dân vì dịch bệnh. Theo đó, nhiều người tăng mua gạo để dự trữ trong nhà dẫn đến siêu thị hết hàng và đẩy mạnh mua từ các nhà cung cấp gạo cũng được lý giải. “Dân mua nhiều thì gạo chỉ chuyển từ kho nhà máy vào nhà dân chứ gạo không mất đi. Người dân cũng không thể tăng tiêu thụ gạo lên gấp đôi ngày thường được do đó trong 5-6 tháng tới gạo sẽ giảm giá”, ông Vũ Duy Hải nói.

Trong khi đó, báo cáo về dự báo sản xuất, tiêu dùng và dự trữ của Bộ NN&PTNT trình Chính phủ cũng đã chỉ ra những con số rất rõ ràng về việc đảm bảo sản xuất lúa gạo năm 2020. Theo đó, lượng thóc sản xuất năm 2020 dự kiến đạt 43,5 triệu tấn thóc trong khi nhu cầu tiêu dùng và dự trữ cả nước dự báo chỉ khoảng 30 triệu tấn thóc. Ngành nông nghiệp dự kiến xuất khẩu gạo đạt 6,5-6,7 tấn gạo (tương đương 13-13,4 triệu tấn thóc) trong năm 2020.

“Người dân thời gian qua bị thiệt hại nặng nề do giá cả nông sản giảm sút, tình hình hạn mặn nghiêm trọng lẽ ra được bán lúa giá cao thì nay lại khó tiêu thụ. Trong bối cảnh hiện tại thì phải khuyến khích xuất khẩu để tăng giá mua lúa cho nông dân. Trong khi đó cần định hướng xuất khẩu gạo giá cao để tận dụng cơ hội thay vì ngưng xuất khẩu”, ông Hải chia sẻ quan điểm.

Theo PGS.TS Trần Tiến Khai (Trường đại học Kinh tế TP HCM), quyết định tạm ngưng xuất khẩu gạo không nên đột ngột như vậy với một mặt hàng xuất khẩu quan trọng như lúa gạo.

“Đúng là trong tình hình dịch bệnh phức tạp thì cần chú trọng an ninh lương thực trong nước nhưng phải dựa trên căn cứ vào số liệu sản xuất, tình hình tiêu thụ, an ninh lương thực và khả năng xuất khẩu. Nếu chưa rõ ràng thì có nhiều hình thức để hạn chế và kiểm soát xuất khẩu để đạt mục giảm xuất khẩu, tăng giá trị mà không cần phải ngưng ngay. Lịch sử đã cho thấy chúng ta đã lỡ cơ hội xuất khẩu gạo giá cao khi cấm xuất khẩu gạo trước đây”, ông Trần Tiến Khai nhấn mạnh.

Như vậy, bài toán mà ngành lúa gạo Việt Nam đối mặt hiện nay là làm cách nào để tăng được giá bán và hướng phát triển nào cho ngành lúa gạo sau dịch COVID-19 cũng như trước những ảnh hưởng ngày càng nặng nề của hạn, mặn tại ĐBSCL hiện nay.

Đồng ý rằng với diễn biến khó lường của dịch bệnh COVID-19 với nguy cơ cao từ việc lây nhiễm cộng đồng, tạm dừng xuất khẩu, tăng nguồn dự trữ là phép ứng phó hợp lý, đúng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng ngay khi chúng ta bước vào đầu trận chiến “chấp nhận thiệt hại kinh tế để bảo vệ sức khoẻ người dân”.

Hẳn khi xuất bản công văn đề xuất tạm dừng lần 1, Bộ Công Thương đã cực kỳ trách nhiệm khi xác định “góp phần ổn định giá gạo trong nước”, đã thông tuệ khi “đảm bảo nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo”. Vậy hà cớ gì, nguyên do từ đâu, mà chỉ 24 giờ sau, Bộ đã phủ quyết chính cái trách nhiệm của ngành mình, bộ mình?

Chưa kể, những lý do để phủ quyết ấy cũng có phần nghịch lý, nghĩa là trước khi đưa ra đề xuất, trình Thủ tướng, những tưởng Bộ đã có rà soát, thống kê, tổng hợp báo cáo về lượng tồn lúa gạo trong kho bãi, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký, sản lượng thực tế vụ đông xuân…

Thực tế, PGS.TS Dương Văn Chín, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành cho rằng, nếu giá lúa tăng khá, Việt Nam nên tiếp tục xuất khẩu gạo. Điều này nhằm khích lệ nông dân trồng lúa, tăng thêm thu nhập.

Hơn nữa, Việt Nam không lo ngại chuyện thiếu lương thực, vì ĐBSCL trồng 3 vụ lúa/năm, từ sạ đến chín rất nhanh. Hiện, lúa hè thu cũng chỉ chưa đầy 3 tháng nữa đã có thu hoạch.

“Những người thu hoạch vụ Đông Xuân ở tháng 1, tháng 2 vừa qua đã gieo sạ vụ lúa mới rồi, tháng 5 tới sẽ thu hoạch. Vì vậy, mình chỉ cần chừa đủ lượng gạo khoảng 1,5 triệu tấn để 2 tháng tiếp theo cho dân trong nước, tức chừa đủ lượng gạo để đảm bảo an ninh lương thực. Còn lại khoảng 4 triệu tấn để xuất khẩu, tội tình gì mình phải để lại, không có lý do gì để giữ lại hết”, GS Võ Tòng Xuân nhận định.

Vì vậy, vấn đề cần quan tâm của ngành lúa gạo Việt Nam hiện nay là tăng chất lượng sản phẩm. Hiện, gạo thơm trắng của Việt Nam còn kém chất lượng so với Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan… Giá gạo thơm trắng của Việt Nam chỉ bán khoảng 600 USD/tấn trong khi các nước có giá đến 1.100 – 1.200 USD/tấn. Còn về gạo trắng hại dài, nếu giá bán ở mức 400 USD/tấn thì Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với các nước đối thủ. Điều doanh nghiệp và người nông dân cần trước hết là sự ổn định trong chính sách, định hướng phát triển ngành hàng này để tập trung nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị. Những bất ổn trong điều hành có thể khiến ngành lúa gạo nhận thêm những “bài học” như khủng hoảng năm 2008 bất cứ lúc nào.